MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng

Trao đổi với Trí Thức trẻ, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), nhấn mạnh những thách thức mà Chính phủ sẽ phải đối mặt sau 100 ngày đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhậm chức (5/4), cũng như 3 điều cần sẵn sàng cho sự bùng nổ kinh tế hậu Covid-19.

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng - Ảnh 1.

- Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với việc Thành phố Hồ Chí Minh và một vài địa phương khác của Việt Nam phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch bệnh với tình hình kinh tế ở Việt Nam?

Nếu so sánh với ba đợt dịch trước, đợt dịch thứ tư này có tác động sâu rộng và tiêu cực hơn. Quy mô dịch đợt này lớn hơn và các hoạt động kinh tế bị gián đoạn nặng nề hơn ở nhiều địa phương chứ không chỉ một vài nơi. Do biến chủng virus mới có khả năng lây lan mạnh hơn, Việt Nam có thể phải chấp nhận thiệt hại kinh tế ở một mức độ nào đó, nằm trong khả năng chịu đựng của nền kinh tế cũng như người dân, để ưu tiên chống dịch.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Quý 2 vừa rồi, GDP tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, quý 2 năm 2020 tăng trưởng khá thấp. Trong 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế phục hồi trở lại nên việc đảm bảo tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm 2021 là một nhiệm vụ không dễ dàng.

Kể từ thời điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức ngày 5/4 thì chỉ sau hơn 3 tuần là diễn ra đợt dịch thứ 4 (ngày 27/4). Do vậy, có thể nói, sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với tân Thủ tướng.

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng - Ảnh 2.

Ảnh: VNA, Vietnamnet, Người Lao động.

- Vắc xin là một bài toán khó cho cả thế giới ngay cả các nước giàu cũng lâm vào tình trạng khan hiếm. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm nguồn cung và triển khai tiêm chủng thời gian qua?

Tìm nguồn vắc xin là khó khăn chung của tất cả các nước và Việt Nam không phải ngoại lệ. Ở Việt Nam, có hai nguồn vắc xin chính là nhập khẩu và tự sản xuất. Về nhập khẩu, trong ba tháng qua, Việt Nam đã tích cực chủ động để đảm bảo nguồn cung ở mức tối đa và cũng được nhiều nhà cung cấp cam kết lượng vắc xin khá lớn. Nỗ lực tìm mọi biện pháp để đảm bảo nguồn cung vắc xin là chỉ dấu tích cực, thể hiện quyết tâm và hành động của Chính phủ trong bối cảnh làn sóng thứ tư diễn biến phức tạp. ­

Tuy nhiên, việc phải phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài trong việc cung cấp vắc xin khiến Việt Nam rơi vào thế bị động. Chính vì vậy, chủ động được nguồn cung vắc xin trong nước đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà cả về lâu dài. Việt Nam cũng như cả thế giới sẽ cần nhiều vắc xin hơn nữa bởi đại dịch Covid-19 gần như chắc chắn sẽ không sớm kết thúc trong khi hiệu quả của vắc xin hiện nay chỉ trong ngắn hạn.

Ảnh: Dân trí, VGP

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng - Ảnh 4.

- Ông nghĩ tình hình dịch bệnh hiện nay có tác động như thế nào tới những ưu tiên kinh tế của Chính phủ Việt Nam?

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Khi dịch bệnh trở nên phức tạp, nó sẽ thay đổi nhiều các tính toán, ưu tiên, nguồn lực của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế. Để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 7% trở lên.

Trong bối cảnh không có dịch, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mục tiêu này có thể trở nên khó khăn hơn trong một hoặc hai năm tới. Tuy nhiên, nhân cơ hội này Việt Nam có thể tiến hành điều chỉnh, tái cơ cấu, để đạt được sức bật lớn hơn sau khi dịch bệnh qua đi.

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng - Ảnh 5.

Ảnh: TTXVN

- Hiện tại, Việt Nam đang dồn sức chống dịch Covid-19. Theo ông, ngoài chống dịch, Việt Nam cần chuẩn bị gì cho giai đoạn hậu Covid-19 để đáp ứng tốt sự bùng nổ nhu cầu khi kinh tế phục hồi?

Một trong những vấn đề Việt Nam cần tập trung giải quyết là phát triển cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất nhấn mạnh mục tiêu này, đặt ra chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh chóng, đảm bảo việc phát triển các dự án trọng điểm diễn ra đúng kế hoạch.

Ngoài cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số. Covid-19 được coi là động lực, là cơ hội "hiếm có khó tìm" để chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng đẩy nhanh số hóa, tăng hiệu quả hoạt động và giảm tiếp xúc. Chuyển đổi số là nền tảng quan trọng và vững chắc giúp Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh chóng khi đại dịch Covid-19 qua đi.

Đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu, đào tạo lại lực lượng lao động nhằm tương thích với những đòi hỏi mới của môi trường kinh tế số. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy quản lý nhà nước song song với phòng chống tham nhũng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng cho sức bật của Việt Nam hậu Covid-19.

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng - Ảnh 6.

Ảnh: Báo Đồng Nai, Dân Trí

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng - Ảnh 7.

- Đầu tư cho cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chậm hơn so với các vùng khác của đất nước. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử ĐBQH tại miền Tây có được coi như một dấu hiệu cho bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và kinh tế ở khu vực này hay không?

Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn quan trọng, đặc biệt về nông nghiệp và an ninh lương thực. Tuy nhiên, thời gian qua, khu vực này chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư đúng mức, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Vấn đề này đã được nêu lên và được Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý. Việc ông ứng cử ĐBQH ở Miền Tây có thể là cơ hội để miền Tây nhận được sự quan tâm thích đáng hơn, được đầu tư mạnh hơn về cơ sở hạ tầng.

Trong khi một số vùng đã phát triển, Việt Nam cần chú ý phát triển cân bằng các vùng miền còn lại, đồng thời tìm ra các "biên giới mới", các động lực mới về phát triển kinh tế. Miền Tây chính là câu trả lời. Vùng đất này có rất nhiều tiềm năng. Nếu có thể cải thiện kinh tế miền Tây, không chỉ trong nông nghiệp mà còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch, Việt Nam sẽ có thêm một động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Ảnh: VGP

- Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN ở  Indonesia. Theo góc nhìn của ông, đâu sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới?

Chính phủ mới vẫn chủ yếu kế thừa các chính sách đối ngoại của Việt Nam từ trước. Điểm nhấn trong đó là ưu tiên mối quan hệ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, xa hơn là ASEAN, xa hơn nữa là quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nhật, EU, Nga, Ấn Độ, Úc… và các đối tác khác.

Điều có thể tạo nên sự khác biệt hiện nay chính là làm sâu sắc hơn các mối quan hệ này. Với một số đối tác như Mỹ, Nhật, EU, Việt Nam cần làm sao phát triển quan hệ về chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa. Đây nên là định hướng, ưu tiên trong thời gian tới của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam có thể muốn nâng cao vị thế của mình trên các diễn đàn đa phương, đóng vai trò chủ động, tích cực hơn trong các tổ chức quốc tế. Đây cũng là những bước đi phù hợp để Việt Nam trở thành quốc gia tầm trung vào năm 2030.

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng - Ảnh 9.

Ảnh: VGP

- Ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa các nước lớn đang có nhiều biến động. Việt Nam nên làm thế nào để hài hòa các mối quan hệ và tận dụng lợi thế để phát triển?

Bài toán làm sao để duy trì quan hệ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng vẫn bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng cạnh tranh chiến lược gay gắt là thách thức chung đối với tất cả các nước. Với Việt Nam, thách thức này càng lớn hơn khi chúng ta ở ngay gần Trung Quốc và có quan hệ rất sâu rộng với cả hai cường quốc này.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần khéo léo, nỗ lực nhiều hơn các nước khác để có thể cân bằng lợi ích. Việt Nam phải cố gắng không chọn bên hoặc không bị ép phải chọn bên. Chỉ như vậy, Việt Nam mới duy trì được sự tự chủ chiến lược và tận dụng cơ hội mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mang lại.

Chuyên gia nghiên cứu người Việt ở Singapore: Sau 100 ngày khó khăn đầu tiên sẽ là những thách thức còn lớn hơn với Thủ tướng - Ảnh 10.

Ảnh: VGP

Linh Anh
Hương Xuân
Hà Nội Mới, Người Lao Động, Dân Trí, VGP, Vietnamnet, TTXVN, Báo Đồng Nai
Theo Trí Thức Trẻ12/7/2021

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên