MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Người Việt ít dùng thẻ tín dụng vì dân trí tài chính thấp

25-05-2024 - 04:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo các chuyên gia, nhiều lý do khiến thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam chưa có tốc độ tăng trưởng xứng đáng như với dư địa sẵn có.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2023, doanh số thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng hơn 234% so cùng kỳ, song mới chiếm 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường.

Tại Hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" diễn ra mới đây, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cũng dẫn ra số liệu: chỉ mới hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan con số này là 10%, Malaysia là 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%. 

Ông Huấn cho rằng, số lượng người dân Việt sở hữu thẻ tín dụng thấp nguyên nhân xuất phát từ lý do dân trí tài chính. "Trong các cuộc khảo sát dân trí tài chính do các tổ chức quốc tế thực hiện, chúng ta luôn đứng ở vị trí rất thấp do thiếu hụt về phổ cập kiến thức tài chính căn bản cho người dân", ông Huấn nói.

Ở góc nhìn của một nhà băng, ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) nhận định, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại thị trường Việt Nam chưa khả quan do vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.

Đầu tiên, số lượng ngân hàng TMCP tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất hạn chế, chỉ 15 tổ chức tín dụng, nên việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.

Thứ hai, khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ tổ chức thẻ quốc tế.

Thứ ba, do thói quen người tiêu dùng, họ có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.

Ông Nguyễn Tấn Pháp đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng thị trường thẻ tín dụng. Cụ thể, đại diện VietinBank mong muốn NAPAS ưu tiên đẩy mạnh ưu đãi cho các tổ chức tín dụng nhằm khuyến khích và đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa như có cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các Ngân hàng và tổ chức chuyển mạch sẽ là động lực giúp các Ngân hàng tập trung đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Thứ hai, tổ chức tín dụng được hỗ trợ nguồn ngân sách từ NAPAS để triển khai các chương trình ưu đãi với khách hàng, các chương trình động lực, thi đua nội bộ một cách thường xuyên hơn.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, VietinBank mong muốn được Chính phủ, NHNN và các doanh nghiệp tiếp tục chung tay mở rộng hệ sinh thái sử dụng thẻ cho khách hàng như thanh toán giao thông, thanh toán hóa đơn định kỳ… kèm những ưu đãi hấp dẫn từ các đối tác nhằm thu hút hơn nữa khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán.

Chính phủ và NHNN có kế hoạch đẩy mạnh thực hiện triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ đối với công tác xác thực khách hàng trong cấp tín dụng, phát hành và quản lý thẻ. Tạo môi trường đồng bộ đồng thời có cơ chế ưu đãi cho TCTD đối với việc sử dụng các dữ liệu phục vụ chấm điểm khách hàng trong phát hành thẻ trực tuyến, từ đó giúp đảm bảo chất lượng cấp tín dụng và các TCTD mạnh dạn mở rộng đối tượng khách hàng, đẩy mạnh phát hành thẻ hơn nữa.

Việc thực hiện các đề xuất nêu trên nhằm thúc đẩy mạnh phát hành và sử dụng thẻ tín dụng nội địa tại thị trường Việt Nam góp phần mang lại lợi ích cho cả khách hàng, ngân hàng và nền kinh tế.

Ông Phát cũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa có lợi ích to lớn đối với khách hàng, các ngân hàng và nền kinh tế. Đối với vĩ mô nền kinh tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen đồng thời làm giảm chi phí lưu thông tiền tệ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) nhận định, thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. Ông Minh nêu cơ sở cho nhận định này, thứ nhất, tín dụng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng trung bình năm mới đạt 20%. Thứ hai, đối tượng khách hàng thu nhập thấp chưa được chú trọng. Thứ ba, vấn nạn tín dụng đen vẫn còn khách hàng khó tiếp cận sản phẩm vay của ngân hàng. Và thứ tư, Ngân hàng Nhà nước muốn tổ chức tín dụng mở rộng nhiều hơn các đối tượng vay.

Đức Anh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên