Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Thực hiện hiệu quả các chính sách kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng
Theo dự báo, 6 tháng cuối năm 2023 và năm sau, kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh bất định của kinh tế thế giới, tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực ngày càng tăng.
- 17-07-2023Đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của châu Á
- 17-07-2023Khó khăn bủa vây các ngành sản xuất chủ lực của Nghệ An
- 17-07-2023TP HCM đã thu hơn 2.863 tỉ đồng phí hạ tầng cảng biển
Trước thực tế đó, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương cần nhận định, dự báo đúng, đầy đủ những thách thức, từ đó, đưa ra các giải pháp, đồng thời phát huy tối đa năng lực vượt qua thách thức, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để hiểu rõ hơn về những tác động của tổng cầu thế giới đến kinh tế Việt Nam cũng như những khó khăn của doanh nghiệp đang phải đối mặt, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, xin ông cho biết bối cảnh kinh tế toàn cầu, đặc biệt, tổng cầu của các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Việt Nam suy giảm tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Hiện nay, phục hồi của kinh tế thế giới đang chững lại, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tiến triển rất chậm; áp lực lạm phát dai dẳng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao để đưa lạm phát dần về mức lạm phát mục tiêu; các vấn đề về tài chính của Mỹ và châu Âu đang gây thêm bất ổn cho kinh tế thế giới vốn đã phức tạp.
Bên cạnh đó, nợ công tăng cao và chi phí lãi vay tăng đòi hỏi chính phủ các nước phải tiếp tục củng cố tài khóa. Điều này làm giảm tổng cầu thế giới, tác động tiêu cực tới các nền kinh tế có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tổng cầu của các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Việt Nam còn yếu là thách thức không nhỏ đối với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế.
Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đầy khắc nghiệt, thiếu đơn hàng, cạn kiệt vốn, nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá thành để có vốn hoạt động, phải bán rẻ tài sản. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại.
Bên cạnh đó, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng chậm lại, khả năng vốn của khu vực ngoài nhà nước suy giảm. Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn do chính sách nới lỏng tiền tệ, sức ép tỷ giá hối đoái, tăng lương, sức ép tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục…
Tất cả những yếu tố trên đã dẫn đến tổng cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,68%, thấp hơn 3,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Tổng cầu đầu tư chỉ tăng 1,15%, thấp hơn 2,77 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Sáu tháng đầu năm 2023 kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm là do tổng cầu trong nước và thế giới suy yếu. Vậy, trong thời gian tới Chính phủ có nên thực hiện chính sách kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng không?
Thời gian qua, Chính phủ với quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Từ đầu năm đến nay, nhiều chính sách, giải pháp cũng đã được khẩn trương ban hành nhằm khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình thực tế hiện nay của nền kinh tế, tôi cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương thực hiện hiệu quả chính sách kích cầu sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như niềm tin vào triển vọng thị trường và môi trường đầu tư trong nước.
Chính sách kích cầu sẽ trực tiếp góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo nền tảng và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và tương lai. Cùng với đó, chính sách kích cầu thúc đẩy tăng trưởng cần được thiết kế và thực hiện đồng thời với việc xác định mục tiêu và chất lượng thực hiện, hướng tới phát huy tối đa tiềm năng, loại bỏ mọi rào cản kìm hãm tăng trưởng.
Từ nhiều năm trước, mặc dù, chúng ta đã biết nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, nếu không khẩn trương đầu tư sẽ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng. Chúng ta đã biết nhưng không kịp thời hành động nên vừa qua tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng và ngành điện không chủ động, chuẩn bị cung ứng đủ điện đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, kìm hãm tăng trưởng.
Vừa qua, Chính phủ đã khẩn trương thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khoá và tiền tệ; trong đó, thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ là trọng tâm vì hiệu quả tức thời của loại chính sách này. Chính sách tiền tệ có độ trễ và hoạt động của ngân hàng là loại hình kinh doanh đặc biệt. Chính sách ngược chu kỳ nghĩa là trong thời gian sản xuất kinh doanh thuận lợi, Chính phủ thu thuế và các khoản cho đầy đủ, tạo nguồn ngân sách. Trong thời gian nền kinh tế gặp khó khăn (như hiện nay) thì Chính phủ tăng cường chi tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để duy trì sản xuất và tiêu dùng.
Ông có thể đề xuất một số giải pháp kính cầu cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?
Tôi muốn thông tin rõ, tổng cầu của nền kinh tế bao gồm 3 thành phần: tiêu dùng cuối cùng; đầu tư; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tiêu dùng cuối cùng là việc sử dụng hàng hoá và dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu cuối cùng của gia đình (chủ yếu do hộ gia đình chi tiền) và xã hội (do Chính phủ chi) trong một thời kỳ nhất định, bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước.
Theo đó, tổng cầu tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 70% trong cơ cấu GDP; trong đó, tiêu dùng của dân cư khoảng 90% tổng cầu tiêu dùng. Vì vậy, chính sách kích cầu nhằm đẩy mạnh chi tiêu của người dân sẽ là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất thúc đẩy tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp.
Thực hiện chính sách này, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua. Chẳng hạn, Chính phủ có thể trợ cấp cho người có thu nhập thấp, kể cả công chức, viên chức; hỗ trợ người dân tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu như: trợ giá tiền điện, nước, lương thực thực phẩm, vé tàu xe đi lại, sách vở học sinh; hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng núi khó khăn, thiên tai, bệnh dịch; miễn giảm học phí với các mức độ khác nhau cho từng cấp, từng nhóm học sinh ở từng vùng; hỗ trợ đào tạo, y tế, phúc lợi xã hội.
Để giải pháp kích cầu tiêu dùng phát huy hiệu quả, Chính phủ thực hiện thêm các giải pháp giảm giá hàng tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng; giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội.
Để người tiêu dùng “dốc hầu bao” cho chi tiêu, giá hàng hoá và dịch vụ phải ổn định, đặc biệt cần các đợt khuyến mại giảm giá sẽ có hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy tiêu dùng. Doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh cần giữ chữ tín, không lợi dụng vào mùa cao điểm để tăng giá.
Đối với giải pháp kích cầu đầu tư, đặc biệt kích cầu qua đầu tư công sẽ nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp. Đồng thời, tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và hệ thống truyền tải, phân phối điện. Đầu tư nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho thuê.
Chính phủ cũng cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế; các dự án có triển vọng thị trường.
Đối với giải pháp kích cầu xuất khẩu. Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu; đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn; đồng thời, tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến với toàn cầu.
Thưa ông, kim ngạch xuất, nhập khẩu dịch vụ hiện tác động như thế nào tới tăng trưởng kinh tế? Chính phủ cần có giải pháp gì để giảm thiểu nhập siêu, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới?
Theo tính toán nếu giảm 10% nhập siêu dịch vụ (tổng giá trị nhập khẩu dịch vụ lớn hơn tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ) sẽ làm GDP tăng 0,36%. Điều này cho thấy, tác động rất lớn của giảm nhập siêu dịch vụ đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng và thực thi chiến lược tăng cường xuất khẩu, giảm thiểu nhập khẩu tiến tới xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ.
Trong 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, Chính phủ và các địa phương cần đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến và lưu lại Việt Nam dài ngày hơn, đồng thời tạo thêm nhiều địa điểm và sản phẩm du lịch để thu hút khách trong nước. Cùng đó, tăng số lượng và thời gian đi du lịch của khách trong nước và quốc tế sẽ tác động lan toả tới thúc đẩy tăng trưởng của các ngành khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách.
Với ưu thế bờ biển dài, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển, với gần 300 bến cảng biển nhưng hơn 90% sản lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu của nước ta chủ yếu do các hãng vận tải nước ngoài đảm nhận.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng cao, để thu được lợi nhuận tối đa, giảm nhập siêu dịch vụ vận tải, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tầu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển container để Việt Nam chủ động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của đất nước, loại trừ rủi ro khi thuê các hãng vận tải quốc tế. Đồng thời, tham gia phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ vận tải, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông.
Báo tin tức