TP HCM đã thu hơn 2.863 tỉ đồng phí hạ tầng cảng biển
Cục Hải quan TP HCM cho hay từ 1-4-2022 đến 6-7-2023 đã có 64.542 doanh nghiệp đăng ký khai báo nộp phí và chấp hành nghĩa vụ nộp phí hạ tầng cảng biển, với tổng số tiền hơn 2.863 tỉ đồng.
- 17-07-2023Huy động 17 tỷ USD làm 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển
- 17-07-2023Tiềm lực kinh tế của “tứ giác kinh tế” vừa có cảng hàng không vừa có cảng biển nước sâu lớn số 1 Việt Nam
- 05-07-2023Những dự án nghìn tỷ giúp TP.HCM thông đường ra cảng biển
Ngày 17-7, Cục Hải quan TP HCM tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm.
Báo cáo của Cục Hải quan TP HCM cho thấy dù các đơn vị đã có nhiều nỗ lực như thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 63.271 tỉ đồng, thực hiện 43,4% chỉ tiêu pháp lệnh được giao, dẫn đầu toàn ngành (chiếm 34,43% số thu của toàn ngành hải quan 183.744 tỉ đồng), chiếm 27,77% tổng số thu ngân sách của TP HCM (227.872,43 tỉ đồng).
Hải quan TP HCM gặp nhiều áp lực thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm.
Riêng công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển (phí hạ tầng cảng biển) trên địa bàn TPHCM theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND TP HCM đạt kết quả khả quan, với hơn 2.863 tỉ đồng từ 64.542 doanh nghiệp (DN).
Theo Cục Hải quan TP HCM, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn thách thức với hoạt động thu ngân sách của ngành hải quan. Điển hình là tình hình xuất nhập khẩu sụt giảm 22,21% do chịu tác động tiêu cực, bởi cầu thế giới giảm mạnh; giá các mặt hàng xuất nhập khẩu giảm; chi phí logistics còn cao, tiến trình xanh hóa một số lĩnh vực còn chậm, khiến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác.
Trong khi DN đối mặt với nhiều khó khăn và ngày càng rõ nét hơn, cụ thể là do sức chống chịu suy giảm sau 3 năm dịch bệnh; các vấn đề về tài chính như mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt nhưng còn cao, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn ở mức thấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thu hẹp; chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm; thị trường lao động gặp khó khăn khi DN phải giảm giờ làm, giảm lương, sa thải nhân viên…; tình trạng cung ứng điện không ổn định, qui định phòng cháy chữa cháy, vấn đề đăng kiểm…dù đã dần khắc phục nhưng vẫn là nỗi lo của nhiều DN.
Chưa kể, tuy lượng nhập khẩu dầu thô trong 6 tháng đầu năm hơn 2 triệu tấn, tăng 7,7% nhưng trị giá nhập khẩu mặt hàng lại giảm 13,7% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến số thuế phải thu ngân sách chỉ đạt 7.735 tỉ đồng, giảm 18,73% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 tác động ước tính số thu từ thuế GTGT của hải quan 6 tháng cuối năm giảm 2.588 tỉ đồng so với 6 tháng đầu.
Đồng thời việc triển khai thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước có hiệu từ ngày 1-702023 sẽ tạo áp lực lớn cho công tác thu ngân sách trong nửa cuối năm 2023 trong bối cảnh sức mua trên thị trường ô tô Việt Nam liên tục sụt giảm.
Người lao động