MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dự là ngành đi đầu về nhượng quyền từ năm 2020

23-02-2020 - 09:34 AM | Doanh nghiệp

5 năm trở lại đây khi toàn thế giới chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ, mô hình nhượng quyền cũng dịch chuyển nhanh chóng với tỷ trọng 70% hiện nay thiên về mảng dịch vụ, và đây cũng là mảng ghi nhận những ‘deal’ hiệu quả nhất.

Đi cùng dòng chảy kinh tế mở cửa, hình thức kinh doanh nhượng quyền thương hiệu (franchise) không còn là một khái niệm xa lạ tại Việt Nam, tuy nhiên để đạt được thành công trong mô hình này vẫn còn nhiều thách thức.

Thực tế, đã có rất nhiều thương hiệu nước ngoài và Việt Nam thành công trong việc nhượng quyền, giúp mở rộng được thị phần và quảng bá thương hiệu. Mô hình này còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, từ ẩm thực đến bán lẻ, dịch vụ. Không thể phủ nhận, các thương hiệu F&B, thực phẩm lớn như Starbuck, McDonald’s (Mỹ) đến Jollibee (Philippines), BreadTalk (Singapore), The Pizza Company, Thai Express (Thái Lan)… đã sớm có mặt tại Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền và đang rất phát triển.

Trong đó, nhượng quyền mô hình kinh doanh là việc doanh nghiệp nhượng quyền, người sở hữu sản phẩm hoặc hệ thống kinh doanh đã qua chứng thực thành công, cho phép các doanh nghiệp khác kinh doanh dưới tên thương hiệu của mình qua hình thức thu phí. Doanh nghiệp đứng ra cấp phép được gọi là doanh nghiệp nhượng quyền. Cá nhân hoặc doanh nghiệp đứng ra mua quyền sử dụng thương hiệu, được gọi là đối tác nhận quyền.

Song, vẫn có những câu chuyện ngược lại, chấp nhận thất bại; thậm chí hai bên còn bất đồng, tranh cãi và phải nhờ đến bên thứ ba can thiệp xử lý.

Khi làm nhượng quyền hoặc hai bên rất thương nhau hoặc rất ghét nhau, thậm chí dắt nhau ra toà

Trong lần trao đổi mới đây, chuyên gia Nguyễn Phi Vân (Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, cố vấn nhượng quyền thương hiệu cho chính phủ Malaysia) trên vai trò người nhượng quyền cũng như người nhận quyền cho hay: "Nhượng quyền phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau với có được sự thấu cảm; và hiểu tại sao khi làm nhượng quyền hoặc hai bên rất thương nhau hoặc rất ghét nhau, đưa nhau ra toà…".

Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu từ khắp Đông Nam Á đến Việt Nam, bà Vân đúc kết để một thương vụ thành công và đồng cảm từ hai phía, có 3 yếu tố cơ bản cần đảm bảo, bao gồm:

Thứ nhất, tại đơn vị nhượng quyền, con người làm phải có tâm. Nếu bên nhượng quyền, hoặc bên nhận quyền chỉ làm vì tiền thì việc kinh doanh sẽ ‘chết’ ngay. Đặc biệt, người nhận quyền lúc này phải làm thật, phải đặt cái tâm vào công việc và cố gắng đạt được mục tiêu đề ra. Song song, người nhượng quyền với kinh nghiệm đã có sẽ sát cánh, hỗ trợ trong lúc sơ khai, khó khăn.

Thứ hai, doanh nghiệp phải minh bạch. Theo bà Vân, cái này cực kỳ quan trọng, và thực tế bản thân bà cũng gặp nhiều trường hợp nhờ tư vấn xem rằng việc kinh doanh của công ty có đang hiệu quả không. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó phải chia sẻ con số thực mới có thể đánh giá chính xách được hiệu quả hoạt động?

Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại hiện nay, rất nhiều thương hiệu nhượng quyền không chia sẻ số liệu kinh doanh vì ngại rủi ro, dẫn đến nhà đầu tư không thể đánh giá chính xác được mô hình có hiệu quả hay không?

Cuối cùng, theo bà Vân là mô hình nhượng quyền. "Người đi mua nhượng quyền thường chọn doanh nghiệp lâu năm, thậm chí đã làm mấy chục năm để cho chắc, nhưng đây không hẳn là hiệu quả nhất", chuyên gia nhấn mạnh.

Minh chứng nhiều thương hiệu lâu năm trên thế giới chưa cập nhật kịp thời "trend" đang đi xuống rất nhanh, chúng ta những năm gần đây nghe rất nhiều trưởng hợp các chuỗi bán lẻ lớn có thâm niên tại Mỹ đóng cửa liên tục. Đây là kết quả tất yếu của những đơn vị không chuyển đổi kịp thời được theo dòng chảy kinh tế sáng tạo hiện nay.

70% mô hình nhượng quyền hiện nay chuyên về dịch vụ, và chăm sóc cá nhân sẽ là ngành dẫn đầu của năm 2020

Tiếp tục vấn đề mô hình nhượng quyền, như đã đề cập từ những năm 2007 khi Việt Nam mở cửa đã có rất nhiều chuỗi ẩm thực gia nhập thị trường, đó là xu hướng cũ – 60% tỷ trọng chuyển nhượng trên thế giới thiên về mảng ẩm thực, và dịch vụ rất hạn chế.

Song, 5 năm trở lại đây khi toàn thế giới chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ, mô hình nhượng quyền cũng dịch chuyển nhanh chóng với tỷ trọng 70% hiện nay thiên về mảng dịch vụ, và đây cũng là mảng ghi nhận những ‘deal’ hiệu quả nhất.

Tại sao nhượng quyền phát triển ở ngành dịch vụ?, bà Vân đặt vấn đề.

Có thể nói, nhượng quyền vẫn là mô hình hiệu quả nhất để phát triển thương hiệu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau đợt khủng hoảng kinh tế thế giới thì doanh nghiệp "bự quá" sẽ dễ chết, và mô hình mới lúc này phải giúp người chơi lấy "cash" lại nhanh nhất, tức phải đạt hiệu quả về kinh doanh giữa thời đại mới.

"Ngành đó có phải là xu hướng mới nhất không, kinh doanh có lời không, làm có hiệu quả không, có lấy tiền về nhanh không… quan trọng khi kinh doanh nhượng quyền phải thấy số tiền đầu tư như thế nào và tiền quay trở lại như thế nào?", bà Vân chốt vấn đề.

Trong đó, ngành dịch vụ phát triển nhanh nhất hiện nay là chăm sóc cá nhân (personal care). Theo nhiều chuyên gia, là xu hướng mới nhất của nhượng quyền, mảng chăm sóc cá nhân dự kiến sẽ phát triển trong 10 năm tiếp theo, từ năm 2020.

Ngoài ra, khác với trước kia các thương hiệu lớn thường mở chi nhánh của chính mình, thì bây giờ sẽ lấy chi nhánh bán lại cho người nhận quyền để họ tiếp tục phát triển, đó là chuyển động số 2 trên thế giới.

Lấy ví dụ về mô hình ngày xưa thường phải xây dựng trên quy mô lớn như siêu thị, phòng gym (big box gym)... tuy nhiên đến nay không cần diện tích quá lớn mà ngược lại phải đề cao tính tiện (tiện lợi về di chuyển cho khách hàng).

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dự là ngành đi đầu về nhượng quyền từ năm 2020 - Ảnh 1.

Công ty Retail & Franchise Asia của bà Vân ký kết hợp tác nhượng quyền với thương hiệu gym 25 Fit.

Đón đầu xu hướng, Công ty Retail & Franchise Asia của bà Vân mới đây cũng đã ký kết hợp tác nhượng quyền với thương hiệu gym công nghệ EMS – 25 Fit. Được thành lập từ tháng 7/2019 với 1 chi nhánh, đến nay 25 Fit đã mở thêm chi nhánh thứ 2 sau 5 tháng, với doanh thu trung bình 500 triệu/tháng. Không đi theo hướng của các thương hiệu lớn như Citygym, California… 25 Fit xây dựng phòng tập chỉ từ 60-90m2, thay thế sẽ tạo hiệu quả thông qua công nghệ EMS.

Được biết, mô hình nhượng quyền thương hiệu ngành gym công nghệ EMS tại châu Âu, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia đang khá thành công. Theo đó, với đối tác Retail & Franchise Asia, 25 Fit dự kiến mở rộng thêm 10 chi nhánh trong năm 2020 theo mô hình nhượng quyền. Song song, thông qua sự hỗ trợ để thấu hiểu sâu hơn insight thị trường, 25 Fit đặt tham vọng 5-10 năm sẽ trở thành thương hiệu gym đứng đầu châu Á, và tiếp tục mở rộng sang các châu lục khác.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên