MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nhận định: 'Thị trường tiền số lao dốc cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế'

20-06-2022 - 16:00 PM | Tài chính quốc tế

Chuyên gia nhận định: 'Thị trường tiền số lao dốc cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế'

Tờ CNBC trích dẫn lời một số chuyên gia cho biết họ không quá lo lắng về tác động của thị trường tiền số lên nền kinh tế Mỹ rộng lớn.

Trong phiên giao dịch chiều ngày hôm qua 19/6, Bitcoin có thời điểm rơi vào vùng giá 18.000 USD, mức thấp nhất được dự báo cách đây ít lâu. Điều này đồng nghĩa với việc đồng tiền số lớn nhất thế giới vừa mất tới 34,38% giá trị chỉ trong vòng 1 tuần.

Do là đồng mã hoá giá trị nhất toàn cầu, đà mất giá của Bitcoin kéo theo sụp đổ của toàn thị trường. Chỉ trong vòng 24 giờ, toàn bộ các đồng coin mất 7,24% giá trị và rơi khỏi mốc 1.000 tỷ USD. 

Một số người dự báo Bitcoin có thể về giá 10.000 USD, thậm chí là thủng mốc 8.000 USD trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới. Điều này, kết hợp với làn sóng sa thải nhân viên của một loạt tập đoàn tiền số đã khiến các nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo lượng coin trị giá 2.000 tỷ USD trên thị trường. Khoản tiền tiết kiệm cả đời của rất nhiều người bị xóa sổ do đặt niềm tin mù quáng vào các dự án tưởng chừng như an toàn. Sự sụt giảm khủng khiếp này đã làm dấy lên nhiều lo ngại, rằng cú sụp đổ của thị trường tiền số có thể khiến đà suy thoái kinh tế đứng trước nguy cơ bị lan rộng.

TÍNH RÀNG BUỘC 

Theo CNBC, vốn hóa thị trường dưới 1.000 tỷ USD của thị trường tiền số (thấp hơn một nửa vốn hóa tập đoàn Apple) chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với thị trường nhà đất trị giá 43.000 tỷ USD. Các hộ gia đình Mỹ sở hữu 30% thị trường tiền số toàn cầu, theo ước tính từ Goldman Sachs. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng chỉ ra rằng 16% người trưởng thành tại Mỹ đã đầu tư, giao dịch và sử dụng tiền số. 

Chuyên gia nhận định: Thị trường tiền số lao dốc cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế - Ảnh 1.

Bitcoin tuột mốc 20.000 USD

Tờ CNBC trích dẫn lời một số chuyên gia cho biết họ không quá lo lắng về tác động của thị trường tiền số lên nền kinh tế Mỹ rộng lớn vì một lý do: tiền số không bị ràng buộc với các khoản tín dụng.

“Mọi người không sử dụng tiền số làm tài sản thế chấp khi vay nợ. Vì vậy, đây chỉ là những khoản lỗ trên giấy tờ và chúng nằm ở mức rất thấp trong danh sách các vấn đề có thể ảnh hưởng lên nền kinh tế”, Joshua Gans, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Toronto cho biết, đồng thời khẳng định đó là lý do vì sao thị trường tiền số vẫn luôn chỉ được coi là “bộ phận phụ’’. 

Thực tế, đối với hầu hết các tài sản truyền thống, giá trị của chúng ổn định vừa phải trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, những loại tài sản sở hữu này có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp vay nợ. 

“Tiền số mới chỉ được sử dụng để mua một số loại tài sản trong thế giới thực. Mọi người cũng sử dụng chúng để vay các loại tiền số khác, nhưng điều này chỉ diễn ra trong thị trường coin mà thôi’’, Gans nói.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như MicroStrategy đã thực hiện một khoản vay được hỗ trợ bởi Bitcoin trị giá 205 triệu USD hồi tháng 3 với ngân hàng Silvergate vốn tập trung vào tiền số. 

Chuyên gia nhận định: Thị trường tiền số lao dốc cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế - Ảnh 2.

Tiền số chủ yếu được vay nợ qua lại trong nhóm các nhà đầu tư coin hoặc công ty thuộc lĩnh vực tiền số

Theo một nghiên cứu gần đây của Morgan Stanley, tiền số chủ yếu được vay nợ qua lại trong nhóm các nhà đầu tư coin hoặc công ty thuộc lĩnh vực tiền số. Do đó, rủi ro sự sụp đổ của thị trường tiền số lan sang nền hệ thống ngân hàng bằng đồng USD gần như “sẽ bị hạn chế.”

Ngoài ra, theo nhà đầu tư nổi tiếng Kevin O’Leary, hầu hết các tài sản tiền số đang được nắm giữ đều không có tính tổ chức. Nhận định này cũng nhận được sự đồng tình của chuyên gia kinh tế Gans.

“Chắc chắn một vài ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính đã từng quan tâm đến việc coi tiền số như một loại tài sản để khách hàng có thể đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta không có nhiều loại tài sản như vậy’’, Gans nói, đồng thời lưu ý rằng các ngân hàng có bộ quy chuẩn riêng cho những khoản đầu tư thích hợp. “Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đang chứng kiến không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây’’.

SỨC ẢNH HƯỞNG KHÔNG ĐÁNG KỂ 

Theo đa số các chuyên gia, thiệt hại trên thị trường tiền số không đáng kể so với tổng giá trị 150.000 tỷ USD của các hộ gia đình Mỹ. Goldman Sachs hồi tháng 5 cũng lưu ý rằng, tỷ lệ nắm giữ tiền số chỉ rơi vào khoảng 0,3%, trong khi đối với cổ phiếu là 30%. 

Chuyên gia nhận định: Thị trường tiền số lao dốc cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế - Ảnh 3.

Sự sụp đổ của các dự án tiền số là thông tin tích cực cho toàn ngành

“Bitcoin hay Ether chỉ là những khoản đầu tư phi tập trung. Bitcoin giảm thêm 20% nữa cũng không thực sự quan trọng vì sức ảnh hưởng của nó bị chia nhỏ sau khi lan rộng ra khắp nơi’’, O’Leary, một nhà đầu tư đang nắm giữ Bitcoin cho biết.  

Để so sánh, tờ CNBC dẫn chứng BlackRock, tập đoàn trị giá 10.000 tỷ USD và 4 công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ hiện trị giá 5.000 tỷ USD ngay cả khi đã bị điều chỉnh.

Một số nhà phân tích Phố Wall còn tin rằng sự sụp đổ của các dự án tiền số là thông tin tích cực cho toàn ngành. Chúng chính là “bài kiểm tra căng thẳng” để “thanh lọc’’ thị trường. 

“Sự sụp đổ của các mô hình kinh doanh yếu kém, chẳng hạn như TerraUSD và Luna sẽ có lợi về lâu về dài cho lĩnh vực tiền số’’, Alkesh Shah, chuyên gia về tài sản số và tiền số tại Bank of America nói, đồng thời cho biết đây chỉ là sự điều chỉnh tất yếu. Tiền số không chịu được áp lực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát xoắn ốc và chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED.

“Việc tăng lãi suất cao hơn dự kiến ​​cùng rủi ro kinh tế suy thoái đã tác động lớn tới các loại tài sản rủi ro, trong đó có tiền điện tử. Với sự thắt chặt hơn của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, chúng tôi dự đoán các cơ quan này sẽ lấy đi khoảng 3.000 tỷ USD thanh khoản từ các thị trường”, Shah nói. 

Chuyên gia nhận định: Thị trường tiền số lao dốc cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế - Ảnh 4.

Tiền số không chịu được áp lực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát xoắn ốc và chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED

Mati Greenspan, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư và nghiên cứu tiền số Quantum Economics cũng nhấn mạnh sức ảnh hưởng từ các chính sách của FED. 

“Các ngân hàng trung ương đang nhanh chóng in tiền, song điều này lại không thực sự cần thiết. Chúng đang dẫn đến việc chấp nhận rủi ro quá mức và tạo đòn bẩy một cách thiếu thận trọng. Giờ đây, họ lại hạ bớt tính thanh khoản và mọi thứ bị thắt chặt hơn’’.

Theo: CNBC, Bloomberg 

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

https://cafebiz.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-thi-truong-tien-so-lao-doc-cung-khong-anh-huong-den-nen-kinh-te-20220620101155324.chn

Theo Vũ Anh

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên