MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nhân sự chỉ ra cách nhận diện nhân viên có thái độ tồi: Lười học hỏi, trả lời dài dòng, lợi ích cá nhân, phản xạ thụ động

27-11-2018 - 20:35 PM | Sống

“Bù kiến thức, kỹ năng cho nhân viên thì dễ nhưng thái độ, đạo đức thuộc về bản chất của con người nên rất khó thay đổi”, diễn giả Huỳnh Thị Thu Hằng, Chuyên gia tư vấn chiến lược, quản trị doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực chia sẻ trong sự kiện “Bí quyết tuyển đúng người”.

Ưu tiên yếu tố "đức" trong tuyển dụng

Theo chuyên gia tư vấn Huỳnh Thị Thu Hằng, trong tuyển dụng nhân sự, nhà tuyển dụng nên ưu tiên yếu tố "đức" trước, bởi "có tài mà không có đức là vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó". Nếu không có tài thì có thể bù bằng đào tạo, nhưng nếu thiếu yếu tố đức rất khó để bù, vì đó là bản chất của con người rồi, không thể thay đổi.

Chuyên gia nhân sự chỉ ra cách nhận diện nhân viên có thái độ tồi: Lười học hỏi, trả lời dài dòng, lợi ích cá nhân, phản xạ thụ động - Ảnh 1.

Chuyên gia Huỳnh Thị Thu Hằng

"Những người tiêu cực sẽ tiếp thu những điều tiêu cực. Còn những nhân sự có tư duy, thái độ tích cực sẽ tạo ra hoa trái cho doanh nghiệp. Trong quá trình tuyển dụng, rất dễ nhận ra yếu tố này của ứng viên. Một ứng viên thể hiện thái độ tích cực có thể nhận biết qua cách giao tiếp hiệu quả, ham học hỏi… từ các tình huống mà nhà tuyển dụng đưa ra", chuyên gia Huỳnh Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Bà Hằng đưa ra 1 tình huống cụ thể, chẳng hạn, khi phỏng vấn ứng viên chỉ cần nói "không biết… tại vì" thì nhà tuyển dụng nên loại ngay lập tức. Bởi vì, những ứng viên hay biện lý do thường ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, con người họ. Thái độ tích cực hay tiêu cực cũng từ suy nghĩ này mà ra.

Theo vị chuyên gia này, bí quyết tuyển dụng nhân sự đi theo 3 yếu tố: kỹ năng, kiến thức và thái độ tích cực. Nguyên tắc là năng lực của nhân viên càng cao thì kết quả làm việc hiệu quả càng tốt. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp năng lực càng cao nhưng chưa chắc thành tích đã cao. Kỹ năng chiếm 26%, kiến thức đóng góp 4% của sự thành công, còn lại là thái độ của ứng viên quyết định sự thành công của công việc và doanh nghiệp đó.

Tuyển người vào doanh nghiệp cũng như tuyển người lên một chiếc xe: Đặt đúng chỗ thì ngồi mới chắc

Bà Hằng cho rằng, trong tuyển dụng doanh nghiệp tìm ra một người vừa có năng lực tốt, vừa có đức (thái độ tích cực) không phải câu chuyện dễ dàng. Đó là lý do nhiều CEO hiện nay "khổ sở" đi tìm nguồn nhân lực. Cho nên, đa số họ đặt ra nguyên tắc là làm sao tuyển được người có đức, còn kiến thức vào có thể bù sau.

Chuyên gia này chỉ ra một số yếu tố nhận diện những nhân lực có thái độ không ổn như: Lười học hỏi; trả lời dài dòng; lợi ích cá nhân; phản xạ trước các vấn đề một cách thụ động.

"Tuyển dụng người trong doanh nghiệp cũng giống như tuyển người lên một chiếc xe vậy, phải đặt họ đúng chỗ thì họ ngồi mới vững chắc được. Đúng người, đúng việc sẽ đúng lợi nhuận. Nếu tuyển dụng chính xác nhân sự ngay từ đầu thì doanh nghiệp sẽ giảm được 80% chi phí ban đầu. Nếu tuyển sai người thì doanh nghiệp sẽ tốn tiền để đào tạo, đầu tư. Từ đó cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp", bà Thu Hằng khẳng định.

Chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, người tuyển dụng không nên gợi ý và dẫn dắt, không bám ứng viên. Nếu đặt 1-2 câu hỏi ứng viên không đạt thì không bám vô nữa, mà nên nói chuyện vui vẻ rồi "chia tay" trong sự thoái mái.

"Mặc dù thái độ là yếu tố tiên quyết trong tuyển dụng nhưng qua câu hỏi chuyên môn thì nhà tuyển dụng có thể nhận định thái độ của ứng viên. Nghĩa là kiến thức chuyên môn là cầu nối đánh ngược lại để nhận biết thái độ của ứng viên đó ra sao, tích cực hay không tích cực", chuyên gia Huỳnh Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Theo Phương Nga

Trí thức trẻ

Trở lên trên