MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Nhật: Sở TN&MT TP.HCM chưa hiểu công nghệ làm sạch sông Tô Lịch

16-08-2019 - 11:36 AM | Xã hội

Chuyên gia Nhật Bản cho rằng báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM có nhiều nhận định sai về công nghệ Nano-Bioreactor đang áp dụng tại sông Tô Lịch.

Sở TN&MT TP.HCM mới đây có công văn gửi UBND TP về đề xuất xử lý nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 của công ty cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE).

Sau khi tham khảo thông tin và tài liệu, Sở TN&MT đưa ra đánh giá, nhận xét ban đầu về khả năng phân hủy bùn và các chất ô nhiễm, khả năng cung cấp oxy mà JVE đưa ra. Sở TN&MT cho biết cần theo dõi, đánh giá sự hiệu quả việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor rồi mới tính chuyện áp dụng cho xử lý nước kênh rạch ở TP.HCM.

Các chuyên gia thuộc Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho rằng báo cáo mà Sở TN&MT gửi có nhiều nhận định sai về công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Do vậy, phía chuyên gia Nhật Bản chính thức phản đối báo cáo này.

Nguồn oxy được cung cấp "vô tận"

Sở TN&MT TP.HCM cho rằng khả năng cung cấp oxy “vô tận” là không thể vì các máy tạo khí cần cung cấp năng lượng, nếu ngưng cung cấp điện thì các máy này sẽ không hoạt động.

Chuyên gia Nhật: Sở TN&MT TP.HCM chưa hiểu công nghệ làm sạch sông Tô Lịch - Ảnh 1.

Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết công nghệ Nano-Bioreactor có 2 nguồn tạo ra oxy. Thứ nhất là hệ thống máy Nano (có dùng điện) tạo ra trực tiếp oxy, thứ hai yếu tố tạo ra oxy “vô tận” là các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (không dùng điện).

Vật liệu Bioreacror được làm từ đá núi lửa dạng tổ ong, xốp, được chế tạo qua bí quyết đặc biệt của phát minh tại Nhật Bản, sau khi được đặt trong nước là việc cung cấp các “giá thể” dạng tổ ong để vi sinh vật trú ngụ và phát triển, do vậy nó kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả 3 dạng hiếu khí, thiếu khí nhưng chủ yếu là vi sinh vật yếm khí, các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme.

Theo nghiên cứu khoa học tại Nhật Bản, các enzyme này cung cấp năng lượng rất lớn và liên tục cho phân tử nước, giải phóng oxy từ trong phân tử nước từ đó cung cấp nguồn oxy vô tận.

Chuyên gia Nhật: Sở TN&MT TP.HCM chưa hiểu công nghệ làm sạch sông Tô Lịch - Ảnh 2.

Chứng minh cho nhận định sai của Sở TN&MT TP.HCM, JVE cho biết tháng 5/2017, công nghệ Bioreactor phiên bản đầu tiên đã thực hiện tại hồ Hạnh Phúc (Kiến An, Hải Phòng). Sau theo dõi sau hơn 2 năm, mặc dù không cần bổ sung hay bảo trì, nhưng theo kết quả phân tích của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ VN) hàm lượng oxy hòa tan trong nước vẫn luôn duy trì, cá sinh trưởng tốt không bị tái ô nhiễm.

Kích hoạt vi sinh vật

Trong báo cáo, Sở TN&MT TP.HCM cho biết giải pháp Nano-Bioreactor không kích hoạt đủ số lượng vi sinh vật mà cần kết hợp việc sử dụng các loại thực vật nước mới mang lại hiệu quả.

Chuyên gia Nhật: Sở TN&MT TP.HCM chưa hiểu công nghệ làm sạch sông Tô Lịch - Ảnh 3.

Chuyên gia Nhật Bản cho rằng đây là thông tin không chính xác. Công nghệ Nano kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, công nghệ Bioreactor là giá thể để kích hoạt vi sinh vật yếm khí (có thêm một phần vi sinh vật thiếu khí và hiếu khí).

Công nghệ này hiện đang áp dụng tại dự án xử lý tại hồ Hùng Thắng (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), thí điểm tại một góc Hồ Tây. Kết quả phân tích số liệu khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN thực hiện cho thấy chất lượng nước, lượng vi sinh vật có hại giảm, số lượng vi sinh vật có lợi tăng hàng chục ngàn lần.

Sở TN&MT TP.HCM nhận định một yếu tố nữa mà công nghệ của JVE chưa đáp ứng là thời gian xử lý, phục hồi cần 2-3 tháng trong khi nước thải ra hàng ngày.

Chuyên gia Nhật: Sở TN&MT TP.HCM chưa hiểu công nghệ làm sạch sông Tô Lịch - Ảnh 4.

Về vấn đề này, Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết Sở TN&MT chưa hiểu về quy trình công nghệ đang áp dụng tại sông Tô Lịch. Sau khi phân hủy lượng bùn hữu cơ ô nhiễm ở tầng đáy thành khí CO2 và nước H2O, dù nước thải từ bên ngoài có đổ vào liên tục hàng ngày nhưng sẽ được xử lý ngay mà không cần thu gom, tách nước thải từ nguồn, không luân chuyển nước thải đi nơi khác, không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu.

Còn thời gian 2-3 tháng là xử lý phân hủy bùn hữu cơ mà không cần nạo vét cơ học chứ không phải là riêng thời gian xử lý nước thải.

Ngoài ra, chuyên gia Nhật cũng cho rằng những thông tin trong báo cáo mà Sở TN&MT TP.HCM đưa ra về khả năng phân hủy bùn và các chất ô nhiễm, nguyên lý phân hủy chất ô nhiễm của công nghệ Nano-Bioreactor, nguyên lý xử lý nitơ, phốt pho của công nghệ Nano-Bioreactor cũng đều chưa chính xác.

Theo Thành Nam

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên