MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nội tiết tư vấn cách phát hiện và phòng ngừa bệnh suy tuyến giáp

23-06-2017 - 13:36 PM | Sống

Khu vực tuyến giáp là một bộ phận hình cánh bướm nhỏ nằm ở phần cổ, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát trao đổi chất cũng như điều khiển hoạt động hô hấp, nhịp tim và thân nhiệt. Rối loạn chức năng tuyến giáp, bệnh suy tuyến giáp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 13 triệu người suy tuyến giáp. Theo nghiên cứu của bệnh viện Bạch Mai, khoảng 5% người Việt Nam trên 60 tuổi mắc bệnh, trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn 20 lần nam giới.

Trong chương trình Cùng bạn sống khỏe, phát trên sóng VOV FM89 ngày 23/6, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phong đã tư vấn về cách phát hiện và điều trị bệnh suy tuyến giáp.

Suy tuyến giáp hay bệnh nhược giáp trạng là tình trạng thiểu năng hoạt động tuyến giáp dẫn đến nồng độ hormone tuyến giáp giảm trong khi nồng độ kích thích tố tuyến giáp TSH lại tăng. Bệnh suy tuyến giáp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như tăng nguy cơ tai biến tim mạch, gây hôn mê, ngừng thở đột ngột, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ...

Các nguyên nhân gây bệnh có 2 nhóm. Suy tuyến giáp tiên phát cho biến chứng sau phẫu thuật vùng cổ, xạ trị ung thư, hoặc do bẩm sinh rối loạn khâu tổng hợp hormone tuyến giáp vì mẹ dùng thuốc kháng giáp trạng trong giai đoạn mang thai.

Một nguyên nhân tiên phát quan trọng khác là thiếu hụt i-ốt, một nguyên tố không thể thiếu trong quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp của cơ thể. Suy giáp thứ phát do rối loạn tuyến yên và vùng dưới đồi, ức chế sản xuất hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, các biểu hiện của bệnh cũng khó được phát hiện hoặc khởi phát muộn.


Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh suy tuyến giáp cao gấp 20 lần nam giới.

Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh suy tuyến giáp cao gấp 20 lần nam giới.

Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh suy tuyến giáp cao hơn do đặc điểm giới tính. Phụ nữ thường có nguy cơ mắc suy tuyến giáp ở 3 giai đoạn chính: khi dậy thì, khi mang thai và giai đoạn tiền mãn kinh. Bởi đó là những thời điểm cơ thể thay đổi nội tiết tố, dễ rối loạn sản xuất hormone và dẫn tới hiện tượng suy tuyến giáp.

Hầu hết các triệu chứng của bệnh suy tuyến giáp khó được phát hiện sớm. Người lớn bị suy tuyến giáp thường béo phì, người như phù nề, thường xuyên mệt mỏi, uể oải, tóc và lông rụng, tay chân thường xuyên lạnh toát, lãnh cảm tình dục... Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng là vàng da kéo dài, phát triển chậm, gương mặt thiếu linh hoạt, lưỡi to, thò ra ngoài, ít khóc, tóc cứng và khô...

Bệnh suy tuyến giáp là bệnh nội tiết nên thường khó phát hiện, người bệnh thường chủ quan với các triệu chứng. Ở người lớn, khi phát hiện các dấu hiệu bị bướu cổ, phù nề, béo phì bất thường thì nên đến các cơ sở y tế để được khám và phát hiện bệnh sớm. Phụ nữ mang thai cần thực hiện đầy đủ các đợt thăm khám định kỳ, có thể siêu âm đa chiều để phát hiện bệnh đối với thai nhi sớm. Người mẹ mang thai mắc bệnh suy giáp, nếu tuân thủ các phương pháp điều trị, uống thuốc đều đặn sẽ không ảnh hưởng đến con.

Thu Hoài

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên