MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Mua xe hạng sang cao hơn tiêu chuẩn, Nhà nước cần yêu cầu phải trả tiền túi"

Sử dụng có trách nhiệm từng đồng thuế của người dân là thông điệp được lòng dân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, song bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng tư tưởng này phải thấm nhuần vào hành động từng bộ ngành, địa phương khi vẫn còn cán bộ, công chức có suy nghĩ làm cán bộ thì được đặc quyền.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Chi Lan cho rằng việc sử dụng có trách nhiệm từng đống thuế của người dân cần bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như yêu cầu không tặng hoa cho các thành viên Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay dừng ngay chuyện chi ngân sách để cắt cỏ, tỉa cây của Chủ tịch TP Hà Nội.

Bà có suy nghĩ gì khi Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn đưa ra thông tin đã chi ra tới 700 tỷ đồng mỗi năm cho cắt cỏ, trồng cây, cùng với yêu cầu phải dừng ngay hoạt động này?

Tôi hoan nghênh và rất mừng khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra con số đó, công khai cho xã hội và người dân Hà Nội biết, số tiền cho hoạt động này lớn như thế nào.

Riêng con đường ở Đại lộ Thăng Long chi tới 53 tỷ/năm, đó là con số kinh khủng. Tức là trung bình mỗi tuần mất 1 tỷ cho việc cắt cỏ, tỉa cây thì không thể tưởng tượng sao lại có một con số lớn đến thế.

Thực tế này thể hiện, ai đó đã dựng lên chuyện chi tiêu như vậy, đã không hiểu được chân lý đơn giản rằng đây là tiền thuế của dân, sao lại có quyền chi tiêu lớn đến mức như vậy?

Do đó, việc Chủ tịch UBND TP yêu cầu dừng ngay là rất đúng, thể hiện cách hiểu của ông chủ tịch Hà Nội về khó khăn của ngân sách hiện nay. Hơn cả, lãnh đạo hiểu được rằng không thể tiêu tiền thuế của dân theo kiểu như vậy.

Tuy nhiên, không có nghĩa là dừng chi cho hoạt động này là để cho cây cỏ đã trồng không được chăm sóc. Dừng để có biện pháp chi tiêu hợp lý hơn, làm sao giữ và bảo tồn được cho hệ thống cây xanh phát triển hơn.

Chủ tịch Chung đã có quan điểm là phát triển 1 triệu cây xanh Hà Nội, nên cần tìm phương cách hợp lý hơn. Có thể thực hiện xã hội hóa, huy động sự tham gia của người dân và DN, làm xanh Hà Nội với chi phí thấp hơn.

Đồng thời, cũng cần minh bạch rõ con số đó, tại sao 53 tỷ, tại sao 700 tỷ, tiêu ở những khâu nào, ai là người làm, ai là người thực hiện? Cần công bố minh bạch rõ ràng như trước đây đã công bố danh sách đơn vị trồng cây bị bật gốc.

Không riêng gì chuyện chỉnh trang cây cỏ, Hà Nội hay nhiều địa phương trên cả nước có rất nhiều công trình, dự án đầu tư nghìn tỷ kém hiệu quả, “đắp chiếu”. Theo bà, chuyên gì có thể xảy ra tiếp theo động thái Chủ tịch Hà Nội công khai việc lãng phí, vô lý tại thủ đô?

Tôi tin là khi Chủ tịch đưa ra 1 chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng lãng phí lớn như thế, sử dụng bất hợp lý tiền thuế của dân thì sẽ là nền tảng để làm tiếp các vấn đề khác, chứ không dừng ở đó và tôi kỳ vọng như vậy. Bởi tình trạng này thực sự đang diễn ra ngày càng nhiều và rất đáng lo ngại.

Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ xây dựng một Chính phủ phục vụ chứ không phải là Chính phủ hưởng thụ. Chỉ đạo này theo bà có mối liên hệ gì với việc sử dụng tiền thuế còn kém hiệu quả?

Thủ tướng mới, với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, và liêm chính. Với việc kiến tạo, hiện Thủ tướng đang tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, phát động phong trào khởi nghiệp, đưa ra chính sách tốt hơn là rất cần thiết, song còn phải làm tiếp.

Với Chính phủ phục vụ, Thủ tướng nói thêm đó không phải là Chính phủ hưởng thụ. Đây là thông điệp tốt để tránh tình trạng đáng buồn là lâu nay, công chức ở bộ ngành và địa phương vẫn có tâm lý là khi làm việc trong bộ máy nhà nước, sẽ được quyền hưởng cái này cái khác.

Ngay cả chế độ xe cộ, hiếm hoi những người như ông Lê Như Tiến trả các phương tiện, xe cộ khi về nghỉ hưu. Lẽ ra những việc đó phải làm thường xuyên, trong ý thức thấm vào mọi người, nhưng lại trở thành trường hợp cá biệt, nên giờ phải thúc đẩy tinh thần đó lên.

Hoặc có nhiều đơn vị, cá nhân vẫn chi tiêu quá chế độ, như mua hạng xe cao hơn so với tiêu chuẩn được hưởng. Không ít lần Bộ Tài chính báo cáo trước Quốc hội về chi trội lên trong mua sắm xe, vượt mức quy định. Nếu vượt quy định, Nhà nước cần yêu cầu ai muốn thì phải trả tiền túi của mình, chứ không chi vượt.

Và cũng cần khuyến khích chế độ dùng xe công, Bộ Tài chính nói thừa tới 4.000 xe công, cứ nhiệm kỳ mới lên lại thay xe mới, không đi xe cũ, không đi xe của người trước thì đó là tâm lý hưởng thụ.

Ngay khi họp sau khi nhậm chức, Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu không sắm xe mới, không tặng hoa là sự thể hiện tinh thần không hưởng thụ, nhưng việc này phải mở rộng ra nhiều nơi.

Quốc hội cũng cần giữ quyền của mình là ai chi vượt quá ngân sách thì người đó phải chịu trách nhiệm, cần làm mạnh vài vụ, thì mới có hiệu quả. Còn nếu chi vượt xong đều được bấm nút thông qua hết thì rồi sẽ còn chuyện chi vượt và lợi dụng chức vụ để hưởng thụ.

Các đại biểu Quốc hội khi bấm nút, xem đó là “chuyện đã rồi” để bấm cho thông qua, cần phải có trách nhiệm với đồng thuế của dân, là những cử tri đã bầu họ.

Trong lễ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng cần phải có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của người dân. Vậy bà có khuyến nghị gì để từ lời nói của Thủ tướng thành hành động ở từng cán bộ, công chức của bộ, ngành và địa phương?

Với thông điệp rất được lòng dân này, tôi rất mong Thủ tướng thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương thực hiện việc đó.

Theo đó, Thủ tướng cần cho tổng rà soát lại những quy hoạch đưa ra. Ví dụ như vừa rồi báo chí thông tin khiến tôi giật mình, khi Bộ Giao thông rồi An Giang đưa ra đề xuất là làm sân bay mới, đó là cực kỳ lãng phí nhưng họ đã lấy quan điểm là đã có quy hoạch và đưa ra để làm.

Tất cả việc dựa vào căn cứ là quy hoạch đã có để rồi đẩy ra để làm thì lãng phí nằm ở đó. Trong những quy hoạch trước đây hoàn toàn không có gì đảm bảo là không có sự lãng phí, như sân bay An Giang sẽ là điển hình lãng phí.

Hà cớ gì cả vùng đồng bằng như vậy, cách sân bay Cần Thơ 60 km mà phải làm sân bay khác, trong khi đi đường bộ mất chỉ có 1 tiếng đồng hồ, thậm chí còn không cạnh tranh nổi với xe bus, thì làm sao mà vẽ ra chuyện xây dựng sân bay được?

Những gì được gọi là quy hoạch, rất dễ dẫn tới chuyện sân bay mới, cảng mới, công trình nọ, công trình kia. Như đợt vừa rồi đề xuất xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và vay Trung Quốc 300 triệu USD thì liệu rằng tính chính xác của quy hoạch có hay không, có hợp lý không vào thời điểm bây giờ?

Quy hoạch đã có trước đây, hoàn toàn có thể xem lại tính xác đáng, có cần thiết hay không? Bởi khi quy hoạch được xây dựng lên, có thể có nhiều lợi ích nọ, lợi ích kia từ các nơi đưa vào, nhưng giờ thì trong điều kiện nền kinh tế, ngân sách khó khăn thì phải rà soát lại tất cả quy hoạch đó.

Rất mong là Thủ tướng là phải rà soát lại tất cả các quy hoạch đã có trên tinh thần cái gì lãng phí không cần thiết cương quyết cắt bỏ. Chính phủ cần giữa quyền của mình là dù đã có trong quy hoạch, nếu bộ ngành địa phương đề xuất làm tiếp mà thấy không hợp lý, thì Chính phủ hoàn toàn có thể dùng đội ngũ chuyên gia thẩm định, đánh giá lại có nên tiến hành tiếp hay không, hay có thể lùi lại vào thời gian tới khi điều kiện kinh tế tốt hơn.

Cũng phải tính đến yếu tố tư duy nhiệm kỳ. Những lãnh đạo mới lên, phải chăng vẫn có người có tư tưởng trong nhiệm kỳ của mình, phải có công trình nọ, công trình kia và bám vào quy hoạch cũ để yêu cầu làm cái này cái khác. Tất cả phải rà soát lại, Thủ tướng phải làm mạnh và yêu cầu các bộ ngành và địa phương làm.

Đồng thời, Thủ tướng cũng cần công bố công khai tất cả quy hoạch đó, cho người dân là người đóng thuế có quyền ý kiến, có nên, có cần làm dự án này, dự án kia hay không? Không thể có chuyện người dân đóng thuế xong một ngày nào đó bật ngửa ra, đóng thuế để tiêu những khoản như 700 tỷ kia thì không ổn.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên