Chuyên gia quốc tế và cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam
Tham dự Hội thảo quốc tế về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh lần thứ 7 do Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã tổ chức, các diễn giả đã mang tới nhiều đóng góp có giá trị.
Ngày 17/10, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế (CIEMB) lần thứ 7, với chủ đề Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh. CIEMB là một trong những sự kiện quốc tế hàng đầu của NEU.
Diễn đàn này quy tụ các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý để trình bày và trao đổi nghiên cứu. Hội nghị thúc đẩy thảo luận về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh, với mục tiêu phát triển các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng bền vững và phát triển toàn cầu.
Các diễn giả tham dự sự kiện:
Giáo sư Paul Burke, Đại học Quốc gia Úc
Tiến sĩ Dorsati Madani, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Giáo sư Peter J. Morgan, Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI)
Phó Giáo sư Anna Kwek, Đại học Griffiths, Úc
Giáo sư Tom Baum, Đại học Strathclyde, Anh
Ban tổ chức đã nhận được 170 bài báo từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và giảng viên từ Việt Nam và nhiều quốc gia khác, bao gồm Úc, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Phần Lan, Indonesia, Malaysia, Mauritius, Nigeria, Philippines, Slovakia, Nam Phi, Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số đó, khoảng 91 bài báo đã được chọn để trình bày trong 21 phiên họp.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc Dân, cho biết, những hiểu biết sâu sắc có giá trị được chia sẻ bởi các chuyên gia sẽ cung cấp cái nhìn sâu hơn về những thách thức đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh.
Tại sự kiện, Giáo sư Peter J. Morgan đã đưa ra nhận định về thách thức và cơ hội của kinh tế Việt Nam. Theo ông, Việt Nam có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt tạo tiền đề cho thương mại phát triển và cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng và từ đó phát triển nền kinh tế hơn.
Giáo sư Morgan cho biết thêm, lĩnh vực kinh tế số đang phát triển khá nhanh và Việt Nam đang chưa theo kịp được với tốc độ đó. Để giải quyết vấn đề đó, nền tảng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Nhiệm vụ của giáo dục là cải thiện chất lượng nhân lực thông qua những khía cạnh rất quan trọng như nâng cao chuyên môn lao động hay kiến thức về tài chính và số hoá.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng tương đối tốt, châu Âu chỉ chậm lại một chút và Trung Quốc đang đưa ra những biện pháp kích thích, GS. Morgan cho rằng môi trường bên ngoài có phần thách thức nhưng không “quá tệ”. Bởi vậy, khi Việt Nam thực hiện những bước cải cách cần thiết và hợp lý thì nền kinh tế vẫn có thể phát triển mạnh mẽ.
Phân tích về triển vọng kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani của WB tại Việt Nam đưa ra bức tranh lạc quan về kinh tế Việt Nam và triển vọng. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, tăng trưởng thương mại được dự đoán sẽ ở mức vừa phải. Nhu cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện nhưng vẫn dưới mức đạt được trước dịch Covid. Niềm tin người tiêu dùng vẫn ở mức thấp.
Trong phần trình bày của mình, GS. Paul Burke, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, có tiềm năng rất lớn về năng lượng sạch. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang dẫn đầu thế giới về phất thải. Nếu không thay đổi châu Á - Thái Bình Dương có thể khiến thế giới tăng nhiệt tới 2 độ C.
Tuy nhiên, các quốc gia như Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để tạo ra thay đổi. “Việt Nam thật là hạnh phúc vì tiềm năng cho năng lượng sạch lớn. Các bạn có cả nắng và gió. Có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến năng lượng sạch, rất nhiều nguồn tài chính tư nhân sẵn sàng chảy vào nếu đầu tư có lợi và rủi ro được chia sẻ. Vì thế các chính sách cần được thiết kế tốt”, ông Pau Burke cho biết.
Nhịp sống thị trường