MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Quy mô gói hỗ trợ tài khóa khoảng 3,8-4,1% GDP là an toàn

Chuyên gia: Quy mô gói hỗ trợ tài khóa khoảng 3,8-4,1% GDP là an toàn

Ông Vũ Sỹ Cường, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng dư địa tài khóa vẫn còn nhưng không quá lớn.

Cũng theo ông Cường dư địa cho chính sách tài khóa vẫn còn nhưng cần hết sức chú ý đến thách thức từ tính bất định của dịch Covid-19, bởi nếu dùng hết dư địa tài khóa sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến rủi ro từ vay nợ. Trường hợp vay nợ trong nước lớn có hiệu ứng lấn át sẽ tạo thách thức đối với chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, những  thách thức từ việc chấp hành chính sách nhất là trong giải ngân; tính bền vững nguồn thu cũng cần phải lưu tâm. Từ những phân tích vừa nêu, ông Cường kết luận dư địa tài khóa có nhưng không quá lớn.

Ngoài ra, ông Cường còn cho rằng quy mô của chính sách tài khoá trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nên xác định ở quy mô vừa phải và được thực hiện trong 2 năm. Ước tính quy mô của gói chính sách tài khóa trong khoảng 4% GDP (chưa tính chi phí cho y tế) và khoảng 5,8%-6% GDP nếu tính đến các chi phí y tế. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022-2023 khoảng 3,8-4,1% GDP là ở mức an toàn.

Cùng với đó, ông Vũ Sỹ Cường cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp các chính sách và chỉ rõ điều này sẽ nhằm tăng tính hiệu lực của chính sách, khắc phục độ trễ chính sách, bảo đảm tính linh hoạt cao hơn và ổn định của chính sách.

Từ phân tích trên, đưa ra gợi ý chính sách việc hỗ trợ và thực hiện chính sách tài khóa PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề nghị cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo nên không thể có gói hỗ trợ quá lớn, cần có sự hỗ trợ với chính sách tiền tệ bảo đảm hài hòa chính sách và cần có kế hoạch kịp thời đẩy mạnh giải ngân chính sách tài khóa và thực hiện các giải pháp hỗ trợ đầu tư công, giải ngân đầu từ công.

Trước đó, cũng có góp ý liên quan đến việc phối hợp chính sách tài chính và tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu quan điểm mục tiêu của chính sách phải hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu, thực hiện đa mục tiêu, có sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Đồng thời, các chính sách được ban hành có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, có trọng tâm, trọng điểm, khả năng, khả thi và triển khai nhanh.

Về chính sách tài khóa, chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất tiếp tục giảm VAT, giảm phí bảo hiểm xã hội, thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế, phí trước bạ ôtô trong nước, có bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gói hỗ trợ lãi suất, cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng chống dịch Covid-19 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động dầu tư cơ sở hạ tầng thì cần số cụ thể cần rà soát; ưu tiên các dự án liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa, trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời (cả vốn đối ứng dự án nguồn ODA) cần bổ sung.

Về chính sách tiền tệ, chuyên gia Cần Văn Lực nêu rõ tiếp tục thực hiện Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước; sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở (cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp; cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở; nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023; tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (gồm cả Fintech…) tham gia cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh; góp phần kích cầu tiêu dùng lành mạnh); đề xuất phương thức luật hóa xử lý nợ xấu…

Nhấn mạnh nguồn lực và huy động nguồn lực thực hiện chính sách là điều quan trọng, ông Lực cho rằng cần phải chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm mỗi năm trong 2022-2023; thực hiện tiết giảm chi phí, đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, rà soát các quỹ ngoài ngân sách…

Khẳng định vai trò của tổ chức thực hiện, ông Lực đề nghị quan tâm tháo gỡ các rào cản thể chế để tăng khả năng hấp thụ, mới đảm bảo các chính sách phát huy hiệu quả tác động chính sách, kiểm soát rủi ro. Bên cạnh đó là có giải pháp kiểm soát rủi ro những cân đối lớn  như nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ… cũng như kiểm tra, giám sát chống lãng phí và lợi ích nhóm.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên