Chuyên gia Savills: Việt Nam nên chọn lọc giữa dòng vốn FDI ồ ạt dịch chuyển
Việt Nam cần đặt mục tiêu rõ ràng và nhất quán trong việc thu hút các dự án ưu tiên, giá trị cao và thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, năng lượng tái tạo, thành phố thông minh…
- 30-08-2019Việt Nam cần làm gì để thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới?
- 28-08-2019Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: “Chúng ta sẽ thu hút được các nguồn vốn FDI chất lượng cao”
- 22-08-2019Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư vốn FDI
Ông John Campbell, Tư vấn cấp cao, Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam, có cuộc trao đổi với BizLIVE về sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ), nhằm "tránh bão" thương chiến Mỹ - Trung của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc nhắm đến Việt Nam khiến bất động sản khu công nghiệp "dậy sóng".
Những thông tin cập nhật gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có kế hoạch và xu hướng chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo ông, có phải do ưu đãi thuế của Chính phủ Việt Nam hấp dẫn hơn các quốc gia khác không?
Đúng vậy. Chính sách ưu đãi thuế là một trong những chính sách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, các ưu đãi thuế vẫn có những quy định nhất định đối với những đơn vị được hưởng ưu đãi, chẳng hạn những lĩnh vực sẽ được hưởng thuế ưu đãi cao hơn như: công nghệ cao, các khu vực chính phủ ưu tiên thu hút đầu tư... mới nhận được các ưu đãi tốt về thuế.
Ưu đãi thuế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thuế chỉ là một trong những điểm cạnh tranh. Do đó, trong thời gian tới Việt Nam phải xây dựng chiến lược thu hút các nguồn vốn tốt từ nước ngoài tới đầu tư.
Có góc nhìn cho rằng, nhiều công ty nước ngoài chuyển sản xuất sang Việt Nam nhưng công nghệ chủ yếu sử dụng lao động giản đơn cho lắp ráp sản phẩm. Vậy thương chiến Mỹ - Trung có phải chỉ là cái cớ giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến nơi có chi phí nhân công lao động rẻ hơn như Việt Nam, vì chi phí nhân công Trung Quốc đắt gấp 3,6 lần Việt Nam không, thưa ông?
Tất nhiên. Chi phí lao động rẻ luôn là yếu tố thúc đẩy các đơn vị sản xuất chọn địa điểm nào đó để xây dựng nhà máy sản xuất. Nhưng để có chiến lược lâu dài trong 50 năm thì các doanh nghiệp phải cân nhắc rất nhiều yếu tố.
Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài bởi vị trí địa lý, nguồn lực dân số trẻ… Chẳng hạn, Samsung thiết lập nhà máy sản xuất ở đây để tạo nguồn khách hàng lớn của họ tại Việt Nam, cũng như kéo các đơn vị thiết bị vệ tinh thiết lập tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế là dân số đông, trẻ, năng động… sẽ tạo nên các quyền lợi đối với các đơn vị nước ngoài khi đầu tư tại đây.
Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam để việc thu hút FDI là động lực phát triển thực chất nền công nghiệp nước nhà, để không xảy ra tình trạng doanh nghiệp FDI chuyển giá trong 30 năm thu hút nguồn vốn này của Việt Nam, mà điều này cũng tác động tới việc Việt Nam không thể trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020?
Các quốc gia đang quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam đang thay đổi, vì vậy giáo dục và đào tạo cần được đặc biệt quan tâm để cung cấp cho lực lượng lao động những kỹ năng, kiến thức và hiểu biết cần thiết như: công nghệ thông tin, toán học, khoa học... để đáp ứng cho các dự án giá trị cao, tận dụng ưu thế của cuộc cách mạng 4.0. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ.
Việt Nam cần đặt ra một mục tiêu rõ ràng và nhất quán trong việc thu hút các dự án ưu tiên, giá trị cao và thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, năng lượng tái tạo, thành phố thông minh…
Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối giao thông đa phương thức để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và kho vận; tận dụng tối đa tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên thành lập một đơn vị để giúp đẩy nhanh tiến độ pháp lý của việc giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp để đảm bảo nguồn cung mới cho thị trường.
Nhìn chung, tôi tin rằng Việt Nam hiện đang đi đúng hướng và sẽ tránh lặp lại sai lầm của Trung Quốc – quốc gia công nghiệp hóa quá nhanh, thay vào đó sẽ đề cao các yếu tố môi trường và thương mại bền vững song hành với phát triển kinh tế.
Tôi cũng tin rằng những yếu tố này sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh và dịch chuyển lên trên chuỗi giá trị và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Xin cảm ơn ông!
BizLive