MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia SSI: "Đừng chỉ khi thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh mới quan tâm đến vĩ mô, vĩ mô là luôn luôn cần"

Chuyên gia SSI: "Đừng chỉ khi thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh mới quan tâm đến vĩ mô, vĩ mô là luôn luôn cần"

Thị trường chứng khoán thường phản ánh trước, nên chu kì có thể cũng sẽ đi trước chu kì kinh tế, như khi nền kinh tế chính thức tạo đáy, thì chu kì thị trường chứng khoán đã chạy qua rồi.

Trong quá trình đầu tư chứng khoán, việc thị trường xuất hiện những nhịp điều chỉnh, rung lắc mạnh là điều không hiếm gặp. Mỗi khi thị trường điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư thường có xu hướng ngay lập tức tìm kiếm những thông tin vĩ mô và "đổ lỗi" cho nguyên nhân thị trường giảm điểm.

Trao đổi trong buổi hội thảo trực tuyến diễn ra ngày do Người Đồng Hành và CTCK SSI phối hợp tổ chức chiều 4/11, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research phụ trách mảng vĩ mô đánh giá việc thị trường điều chỉnh không liên quan đến vĩ mô.

"Quan điểm về vĩ mô của chúng ta cần luôn luôn có, không phải chỉ đến khi cần mới quan tâm đến vĩ mô", ông Hưng cho biết. Trong đầu tư cần cân bằng hơn với các luồng thông tin, không nên tiếp cận chỉ khi thị trường giảm mạnh còn lúc thị trường tích cực lại tự tin khi thấy “mình khá đúng”.

Chuyên gia đến từ SSI Research khuyến nghị, nhà đầu tư khi xem xét vĩ mô trong ngắn hạn có thể quan tâm đến một số yếu tố như khối lượng và cán cân xuất nhập khẩu để nắm được tình hình sản xuất một số mặt hàng lớn tại Việt Nam; các chỉ số hàng tháng như chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số bán lẻ hay tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cũng là một chỉ số tốt để dự báo kinh tế khi nghiên cứu vĩ mô, đặc biệt như Việt Nam có hệ thống ngân hàng là chủ chốt nền kinh tế

Chuyên gia SSI: Đừng chỉ khi thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh mới quan tâm đến vĩ mô, vĩ mô là luôn luôn cần - Ảnh 1.

Nguồn: Hội thảo tổ chức bởi SSI và NDH

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng nhấn mạnh đến tính ứng dụng luồng thông tin vĩ mô thu nhận được đem vào trong đầu tư. Ông Hưng đưa ra minh họa về chủ trương đẩy mạnh đầu công và thông tin nhen nhóm về gói phục hồi kinh tế - chủ đề đang được toàn bộ giới đầu tư quan tâm.

Ông lưu ý nhà đầu tư rằng, quy mô của các gói phục hồi sẽ không thể quan trọng bằng tiến bộ giải ngân nguồn vốn đó. Đặc biệt, cần quan tâm đến các dự án liên quan đến đầu tư công, qua đó có thể xác định doanh nghiệp chủ thầu, doanh nghiệp hưởng lợi từ các yếu tố đi kèm một cách cụ thể.

"Những thông tin này đều được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm kiếm", ông Hưng cho biết.

Ngoài ra, ông Hưng đánh giá con số ước GDP hàng quý sẽ không gây ra tác động mạnh ở thời điểm công bố. Nguyên nhân vì nhà đầu tư có thể hoàn toàn dự tính được trước đó thông qua tìm kiếm các thông số thành phần theo từng tháng, rồi sử dụng để dự báo GDP cho cả quý. Hơn nữa, chỉ số chứng khoán thường không phản ánh đúng hoàn toàn nền kinh tế do ở đây tập hợp những doanh nghiệp lớn và tăng trưởng tốt bất chấp khi nền kinh tế chịu áp lực tiêu cực.

Đặc biệt, quy mô GDP không quan trọng mà theo ông Hưng tốc độ tăng trưởng GDP mới là yếu tố quan trọng hơn.

Theo chuyên gia của SSI Research, nắm bắt được vĩ mô giúp phân tích được chu kỳ kinh tế đang ở giai đoạn nào, suy thoái, tạo đáy hay hồi phục. Từ đó, nhà đầu tư có thể chủ động hơn, nắm được chu kỳ đi lên hay đi xuống thị trường chứng khoán, kết quả là nghiên cứu đầu tư vào nhóm ngành nào phù hợp.

"Bởi lẽ, thị trường chứng khoán thường phản ánh trước, nên chu kì có thể cũng sẽ đi trước chu kì kinh tế, như khi nền kinh tế chính thức tạo đáy, thì chu kì thị trường chứng khoán đã chạy qua rồi".

Nguyên tắc để không lạc lối giữa biển thông tin vĩ mô

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lớn mạnh rất nhanh kể từ thời điểm đầu năm 2020 đến tận thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 1,1 triệu tài khoản chứng khoán sau 10 tháng, lớn hơn tổng lượng tài khoản của cả 4 năm trước cộng lại. Đồng thời yếu tố tâm lý đã trở nên vững và tích cực hơn rất nhiều.

Việc chỉ chăm chăm hợp lý hóa những cú điều chỉnh của thị trường chứng khoán bằng các yếu tố vĩ mô là điều không nên. Thông tin vĩ mô rất cần thiết trong đầu tư chứng khoán, song cần hiểu rõ về nội hàm và tác động thực chất đến nền kinh tế cũng như hoạt động doanh nghiệp liên quan.

Để tránh không lạc lối giữa biển thông tin vĩ mô rộng lớn, ông Phạm Lưu Hưng đưa ra cho nhà đầu tư cá nhân bốn nguyên tắc tiếp cận. Đầu tiên là không có đúng sai tuyệt đối. Điều này có nghĩa là đúng hoặc sai trong bản thân kinh tế và cả đầu tư chứng khoán cũng chỉ mang tính chất tương đối, tùy vào thời điểm cũng như vị thế. Nhà đầu tư quá căng thẳng về chuyện đúng sai sẽ rất khó trong công việc đầu tư.

Thứ hai, ông Hưng đề cập đến nguyên tắc "danh chính ngôn thuận" - cần phải quan tâm nguồn gốc của các nhận định vĩ mô được đưa ra như từ chính trị gia, nhà kinh tế học, chuyên gia hay người làm chính sách. Mỗi một nguồn gốc khác nhau sẽ theo một trường phái khác nhau, từ đó sẽ xác định được nguyên nhân đưa đến những nhận định vĩ mô đó.

Chuyên gia SSI: Đừng chỉ khi thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh mới quan tâm đến vĩ mô, vĩ mô là luôn luôn cần - Ảnh 2.

Nguồn: Hội thảo chiều 4/11 tổ chức bởi SSI và NDH

Câu hỏi "khi nào" cũng cần được chú ý khi chọn lọc thông tin vĩ mô. Thị trường chứng khoán luôn phản ánh giá trị tương lai, do đó cần nhìn về dài hạn để đưa ra các nhận định. Song, chuyên gia đến từ SSI Research cho rằng nhà đầu tư không nên nhìn về quá dài hạn và cần sống với thực tại là chính.

"Quan điểm của riêng tôi thì thông tin vĩ mô có xúc tác đến thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ từ 3-6 tháng. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên lọc các chỉ tiêu vĩ mô mà có tác động tới thị trường trong khoảng thời gian này, còn lại không cần quan tâm để “tránh rung mất hàng”.", ông Hưng chia sẻ.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên