Chuyên gia SSI "mách nước" quản lý danh mục cho nhà đầu tư chứng khoán cá nhân
"Nhà đầu tư nên chuẩn bị các kịch bản về vùng mua - bán và ngưỡng chấp nhận rủi ro của bản thân; từ đây đưa ra mức giá mục tiêu để bán ra khi đã đạt kỳ vọng lãi và điểm "dừng lỗ" (3-5%) nhằm hạn chế thua lỗ lớn" - Chuyên gia đến từ SSI Research cho hay.
Sau những nhịp điều chỉnh gần đây, mức định giá của thị trường đã dần trở nên hấp dẫn hơn. Sự trở lại của dòng tiền cũng cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư đã tích cực và lạc quan hơn. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều rủi ro, đặc biệt là với các nhà đầu tư cá nhân mới bước chân vào thị trường, một trong số đó chính là sự thiếu sót về chiến lược đầu tư, quy mô tài sản nhỏ cũng như ít kinh nghiệm.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến mới đây được tổ chức bởi CTCK SSI, các chuyên gia đã "mách nước" cho các nhà đầu tư về các phương pháp phân tích cũng như chiến lược mỗi khi quyết định mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, từ đó quản lý danh mục đầu tư thật sự hợp lý.
Đánh giá về thị trường hiện tại, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Chuyên gia Chiến lược đầu tư của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) cho rằng, VN-Index đã chinh phục vùng kháng cự 1.340 điểm, sau đó đã vượt ngưỡng cản tiếp theo là 1.360 điểm, đi cùng với việc thanh khoản trở lại. P/E hiện tại lùi từ mức 19 lần về khoảng 17 lần, và kỳ vọng cả năm 2021 đạt 15-16 lần, mức khá hấp dẫn.
Đáng chú ý, dòng tiền ngoài việc tập trung vào các ngành có sức tăng mạnh như cảng biển, logistics, phân bón thì đã bắt đầu quay lại với cổ phiếu mía đường, và đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?
Với cái nhìn của một nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng thông thường phương pháp phân tích cơ bản sẽ được sử dụng khi ra quyết định đầu tư. Cụ thể, các vấn đề được xét đến là tình hình vĩ mô, lãi suất, báo cáo tài chính để xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp đó; từ đây đưa ra định giá cổ phiếu. Nhìn chung, định giá doanh nghiệp sẽ tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng lợi nhuận trong một vài năm tới và tỷ lệ nghịch với lãi suất thị trường.
"Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng phải kể tới chính là ban lãnh đạo doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần xem xét đội ngũ điều hành có hoạt động vì lợi ích chung của cổ đông hay không, có khả năng thực hiện được các kế hoạch đề ra hay không" – Giám đốc đến từ SSIAM cho biết.
Góc nhìn cho nhà đầu tư cá nhân
Thực tế, nhà đầu tư cá nhân mới – lực lượng lớn trong thị trường hiện tại – với tiềm lực và kiến thức có hạn có lẽ sẽ không thể đi theo được đầy đủ cách nghiên cứu của các tổ chức chuyên nghiệp. Do đó, ông Tâm cho rằng phương pháp phân tích kỹ thuật thường được các cá nhân ưa chuộng hơn thông qua các đường chỉ báo về điểm mua – bán.
Tuy nhiên, NĐT cần thận trọng với việc lựa chọn các chỉ báo để phù hợp với từng mã cổ phiếu, tránh nhận tín hiệu sai lệch. Khối lượng giao dịch cũng cần được xem xét đến nhằm xác định lực cung cầu, từ đó truy vết dòng tiền lớn đang hướng tới nắm giữ cổ phiếu nào.
Bên cạnh đó, thông tin tiếp cận cần phải rõ ràng, chuẩn xác từ các như cơ quan quản lý, website các công ty niêm yết và báo cáo của các công ty chứng khoán. Chuyên gia đến từ SSI Research cho rằng, "thời gian" là một điều quan trọng trên thị trường chứng khoán – chính là tốc độ phản ánh các thông tin vào sự vận động của giá cổ phiếu. Thông thường, các luồng thông tin tốt sẽ cần một khoảng thời gian mới phản ánh vào lợi nhuận cũng như thị giá cổ phiếu của các công ty.
Bổ sung thêm khuyến nghị về phương pháp cho NĐT cá nhân, ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức - Phát triển Khách hàng tổ chức, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, việc lựa chọn phương pháp còn phụ thuộc vào "khẩu vị" đầu tư ngắn hạn hoặc dài hạn. NĐT cá nhân mặc dù thường xuyên sử dụng phân tích kỹ thuật, song cũng cần quan sát các yếu tố phân tích cơ bản về nội tại doanh nghiệp vì các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự sẽ dễ dàng thay đổi do yếu tố cơ bản tác động.
Cần xác định kịch bản về giá mục tiêu và điểm "dừng lỗ"
Ngoài ra, ông Minh cho biết thị trường chứng khoán thường phản ánh với những yếu tố của tương lai. Nếu giá trị tương lai của doanh nghiệp, triển vọng lợi nhuận vẫn tích cực, giá cổ phiếu theo đó sẽ tiếp tục đi lên mặc dù kết quả hiện tại không khả quan.
Một điểm phổ biến tại các nhà đầu tư cá nhân là việc quyết định xuống tiền rất dễ dàng, và chỉ thực sự khó khăn khi xác định điểm bán. Đây cũng chính là rủi ro phổ biến khi quản lý danh mục đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới mức lãi lỗ thu về. Ông Tâm cho rằng, với trường phái đầu tư ngắn hạn chiếm chi phối, yếu tố lớn nhất là biến động của giá cổ phiếu.
"Nhà đầu tư nên chuẩn bị các kịch bản về vùng mua - bán và ngưỡng chấp nhận rủi ro của bản thân. Từ đây đưa ra mức giá mục tiêu để bán ra khi đã đạt kỳ vọng lãi và điểm "dừng lỗ" (3-5%), vùng hỗ trợ mạnh nhằm hạn chế thua lỗ lớn" - Chuyên gia đến từ SSI Research cho hay.
Động thái của nhà đầu tư ngoại hiện tại đã không còn tác động mạnh trên thị trường khi giá trị giao dịch chỉ chiếm 3-5%. Đây vẫn là yếu tố nên tham khảo tuy nhiên không quá quan trọng. Đồng thời, nhà đầu tư cần đánh giá chất lượng của những lời khuyên, khuyến nghị về mua bán từ đối tượng bên ngoài.
Triển vọng ngành nửa cuối năm 2021: xuất khẩu là điểm sáng
Triển vọng các ngành trong nửa cuối năm 2021, dựa trên kỳ vọng về diễn biến dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, chuyên gia cho biết yếu tố lãi suất thấp và dòng tiền sẽ tác động tích cực và lan tỏa nhiều nhóm ngành như BĐS, cảng biển, logistics, hàng không...
Đáng chú ý, các nhóm ngành về xuất khẩu như gỗ, may mặc... sẽ là điểm sáng khi cầu thế giới phục hồi trở lại. Một số doanh nghiệp được hưởng lợi sẽ có các yếu tố như (1) có năng lực sản xuất và liên quan đến mặt hàng thiết yếu; (2) quy mô và vị thế để tận dụng ưu thế thương mại và (3) định giá cổ phiếu tốt.
Nói riêng về ngành thép, ông Minh cho rằng mặc dù giá thép lên đỉnh trong nửa đầu năm 2021 và hiện đang có xu hướng giảm, song cơ hội vẫn còn nhờ hưởng lợi từ đầu tư công giúp tăng cầu về xây dựng và nguyên vật liệu sắt thép.
Cũng liên đới bởi giá thị trường là cổ phiếu nhóm ngành dầu khí và phân bón khi chịu tác đông trực tiếp bởi giá dầu khí. Ông Đức đánh giá ngành dầu khí là nhóm được kỳ vọng phục hồi khi cầu thế giới về dầu sẽ tăng trở lại, đưa giá đi lên; tuy nhiên ngành phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực bởi lẽ giá dầu ảnh hưởng trực tiếp tới đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành.