Chuyên gia Trần Đình Thiên: Nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế ngày càng gia tăng
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đầu tư
TS. Trần Đình Thiên cho rằng, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp hấp hối nhưng lại không thể tiếp cận vốn đang đặt nền kinh tế đứng trước một rủi ro rất cao.
- 22-09-2021Bloomberg: GDP, CPI của Việt Nam có thay đổi gì trong báo cáo mới nhất về triển vọng phục hồi?
- 21-09-2021Giải mã điều kỳ diệu trong chống dịch ở Bến Tre: Chỉ sau 2 tháng, người dân đã quay lại bình thường mới
- 20-09-2021Từ các dự án xây cầu ở Mỹ, Thuỵ Điển, Trung Quốc đến cầu 8.900 tỷ đồng nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Tác động kinh tế mang lại là gì?
-
Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được
Việt Nam đang bước đầu kiểm soát được dịch bệnh khi số lượng vaccine được triển khai tại một số thành phố lớn đạt mức tương đối. Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua cũng đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần chuẩn bị ngay các bước để phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh nội dung này.
Theo ông đâu là yếu tố cần lưu tâm trong bối cảnh hiện nay để thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế"?
PGS-TS. Trần Đình Thiên: Điều đầu tiên cần phải thay đổi, đó là tư duy về dịch phải khác đi. Tư duy chống dịch không được xung đột với tư duy kinh tế thị trường. Tư duy kinh tế thị trường là phải "thông", phải "mở", phải đảm bảo cho các luồng hàng hóa và luồng tiền tệ lưu thông.
Nếu mà "đóng" như hiện nay rất nguy hiểm cho nền kinh tế thị trường. Hiện tại, chúng ta không những "đóng" mà còn khiến gia tăng chi phí. Kiểu "đóng" hành chính hiện nay làm chi phí tăng lên rất nhiều, chi phí này là chi phí thời gian, khiến cho doanh nghiệp mắc kẹt. Cho nên khái niệm về dịch cần phải thay đổi.
Công tác sàng lọc cộng đồng nên xem lại, cần nghĩ tới việc sống chung với dịch. Với cách xét nghiệm như hiện tại thì không có chi phí của dân nào chịu được. Chưa nói gì xa xôi, chỉ nói chuyện đơn giản là sức mua xã hội trong bối cảnh thu nhập suy giảm, việc làm kém. Người dân khó có thể chịu được áp lực này.
Vậy theo ông, Chính phủ cần hành động như nào?
PGS-TS. Trần Đình Thiên: Để doanh nghiệp phục hồi được, bên cạnh việc giảm chi phí theo cách cũ (giảm lãi suất, miễn giảm thuế…) vẫn nên duy trì, thì có lẽ cũng phải tính tới việc hỗ trợ thêm nữa, bởi doanh nghiệp giờ có thể nói là rất yếu. Thực trạng doanh nghiệp theo một số cuộc điều tra khảo sát gần đây cho thấy tình hình khá là bi đát. Việc hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp Nhà nước cần phải tính thêm, tức là mọi doanh nghiệp đều được hưởng phần hỗ trợ đấy.
Bên cạnh đó, cũng cần giãn áp lực tài chính ra, tuy nhiên theo cách nhìn "bao dung" hơn, nghĩa là việc nới lỏng cần phải kéo dài ra một khoảng thời gian nhất định sau dịch. Chứ không phải tuyên bố hết dịch, hay giãn cách xong, đạt miễn dịch cộng đồng lại thu hồi tất cả sự hỗ trợ. Khi đó áp lực tài chính đè nặng trở lại, doanh nghiệp chưa kịp hồi tỉnh đã chết rồi.
Thực trạng doanh nghiệp theo một số cuộc điều tra khảo sát gần đây cho thấy tình hình khá là bi đát.
PGS-TS. Trần Đình Thiên
Còn thời hạn hỗ trợ thêm được bao lâu thì thứ nhất tùy thuộc vào năng lực chịu đựng của bộ máy; thứ hai cần căn cứ vào thời điểm lúc nào tuyên bố kiểm soát được dịch theo nghĩa thông thường của thế giới; thứ ba là phải đo lường được sức khỏe của doanh nghiệp. Khoảng thời gian hỗ trợ phải đủ để doanh nghiệp có thể đứng dậy được.
Một vấn đề nữa cần lưu ý, đó là nền kinh tế thị trường lưu thông hàng hóa phải nhất quán toàn bộ nền kinh tế chứ không phải theo địa phương, không phải bị chia cắt theo lãnh thổ. Trong khi đó hiện nay ở nước ta, quyền lực hành chính đang chia cắt điều này. Chính phủ cần phải đảm bảo nguyên tắc tối thiểu của kinh tế thị trường, luật lệ để lưu thông hàng hóa phải thống nhất quốc gia, chứ không phải mỗi nơi một kiểu. Cách tiếp cận kinh tế thị trường kể cả cấu trúc không gian hay cấu trúc tuyến sản phẩm cần phải được bảo đảm.
Ông có nhắc đến việc doanh nghiệp đang rất yếu, không thể phục hồi và phát triển kinh tế nếu không có một cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
PGS-TS. Trần Đình Thiên: Chuyện doanh nghiệp tiếp cận vốn hiện nay có thể xem là chuyện sinh tử, không những của riêng doanh nghiệp, mà an nguy cả nền kinh tế. Doanh nghiệp cần phải được tiếp "máu", tức là vốn. Hiện nay, tình trạng kiệt quệ về vốn bắt đầu xuất hiện. Nếu bị đứt mạch lưu thông, đứt mạch tiền là "tắc tử" ngay. "Tắc tử" này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng khiến cho nền kinh tế đứng trước rủi ro rất cao. Cho nên việc cần ưu tiên là phải đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp cần phải được tiếp "máu", tức là vốn. Hiện nay, tình trạng kiệt quệ về vốn bắt đầu xuất hiện. Nếu bị đứt mạch lưu thông, đứt mạch tiền là "tắc tử" ngay.
PGS-TS. Trần Đình Thiên
Nhưng vốn bây giờ tiếp cận lại rất khó vì doanh nghiệp đang yếu, rủi ro rất cao, nên ngân hàng rất khó cho vay vốn. Nhiều doanh nghiệp muốn đứng dậy nhưng không có vốn, vì không đủ điều kiện vay, mà số lượng doanh nghiệp kiểu này càng ngày càng tăng thì phải có ngay những giải pháp để tháo gỡ. Nếu không nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế sẽ gia tăng rất nhanh.
Chính phủ cần lập một quỹ bảo đảm cho vay doanh nghiệp, Nhà nước cần phải đứng ra. Như vậy, điều kiện cho vay có thể được nới lỏng ra và doanh nghiệp sẽ có khả năng tiếp cận dễ dàng nguồn vốn hơn.
Nói đến việc phục hồi kinh tế, theo ông lĩnh vực nào sẽ có dư địa lớn nhất hồi phục lớn nhất?
PGS-TS. Trần Đình Thiên: Tôi luôn quan điểm sống chung với dịch trên nền tảng đảm bảo an toàn. Việc tiêm vaccine hai mũi để làm gì, chính để những người tiêm rồi đạt một mức độ an toàn cao. Để phục hồi trước mắt có thể khoanh vùng ra từng vùng, từng khu vực, tức phục hồi về mặt không gian.
Ví dụ như tỉnh nào việc mở cửa đem lại hiệu quả cao, thì nên tập trung ưu tiên vaccine cho họ để mở cửa với thế giới, như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Những khu vực này nên ưu tiên, không phải ưu tiên cho địa phương mà là ưu tiên cho những trung tâm mở cửa quốc gia để có thể hồi phục sớm.
Các chuỗi ngành cũng cần phải có sự phân tích lại về thực trạng doanh nghiệp. Ngành nào có triển vọng phục hồi tốt? Trong ngành đấy bao doanh nghiệp có khả năng phục hồi? Những doanh nghiệp nào cần được cứu để chuỗi ngành không bị đứt gãy? Điều này cần có sự phân tích cụ thể, không thể nói chung chung. Nếu chỉ nói chung chung thì những giải pháp rất dễ bị lợi dụng thao túng chính sách nhằm kiếm lợi cho nhóm lợi ích.
Tóm lại, phải có sự tập trung ưu tiên, có chính sách dự báo về tọa độ không gian lẫn chuỗi ngành, chuỗi nghề và các tuyến doanh nghiệp để chính sách có thể đi đúng và đi trúng mục tiêu, đối tượng.
Xin cảm ơn ông!
Nhà đầu tư