Chuyên gia ung thư cảnh báo: Ai có dấu hiệu này trên 3 tuần, đi khám ung thư ngay kẻo muộn
TS. Đàm Trọng Nghĩa khuyến cáo, khi bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt là có hút thuốc lá hoặc tiền sử hút thuốc lá cần đi khám ngay để tầm soát ung thư thanh quản.
Đột nhiên thay đổi giọng nói
Cách đây 3 tháng, bệnh nhân N.V.Đ (66 tuổi, tại Sóc Sơn – Hà Nội) bỗng nhiên thấy khàn cổ, giọng nói thay đổi. Tình trạng ngày càng nặng hơn khiến ông Đ bị mất tiếng, hụt hơi.
Ông Đ đã đi khám tại các cơ sở y tế tại tuyến dưới và được chẩn đoán nấm thanh quản. Tuy nhiên, do điều trị không hiệu quả nên bệnh nhân Đ đã được chuyển lên Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Tại đây, kết quả khám nội soi sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư thanh quản và được chỉ định phẫu thuật sớm.
Qua khai thác tiền sử các bác sĩ phát hiện, ông Đ hút thuốc từ lúc còn rất nhỏ và bị nghiện nặng gần 20 năm nay. Trung bình mỗi ngày bệnh nhân hút số lượng 1 bao/ngày. Bệnh nhân Đ còn có thói quen lạm dụng rượu mỗi ngày uống khoảng 300ml/ngày.
Bệnh nhân Đ được phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi bằng dao laser.
TS.BS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, bệnh nhân được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, u còn khu trú nên có thể phẫu thuật điều trị triệt căn.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi bằng dao laser giúp bệnh nhân tổn thương ít nhất, không phải rạch mở cổ, hạn chế mất máu và nguy hiểm.Việc mổ nội soi laser nhìn qua kính hiển vi cũng giúp cắt, đốt khối u được triệt để hơn và tỉ lệ tái phát thấp hơn...
Ca phẫu thuật nội soi bằng laser kết hợp tạo hình thanh quản cho bệnh nhân Đ kéo dài chưa đến 1 giờ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, thở tốt. Nhờ được tạo hình thanh quản nên giọng nói của bệnh nhân được bảo tồn tối đa.
TS. Đàm Trọng Nghĩa khuyến cáo, khi bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt là ở người có hút thuốc lá hoặc tiền sử hút thuốc lá, cần đi khám bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa ngay để được làm các xét nghiệm, kiểm tra, tầm soát ung thư thanh quản. Nếu bệnh được điều trị sớm thì khả năng phục hồi, hiệu quả chữa trị cao.
Ung thư thanh quản thường gặp ở người nghiện thuốc lá kèm uống rượu. Ở người hút thuốc lá, khả năng mắc ung thư thanh quản là 70%, còn nếu thêm cả uống rượu thì tỷ lệ tăng lên khoảng 88%.
Rượu và thuốc lá thủ phạm gây ra ung thư
Rượu và thuốc lá là 2 yếu tố nguy cơ gây ung thư.
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, Việt Nam được xếp vào quốc gia tiêu thụ rượu bia với số lượng lớn trên thế giới.
Việc lạm dụng rượu có thể phải đối mặt với nhiều căn bệnh ung thư trong đó có: ung thư gan, ung thư vùng đầu cổ, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tuỵ…
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng một người càng uống nhiều rượu và kéo dài uống rượu theo thời gian, thì nguy cơ mắc ung thư liên quan đến rượu càng cao.
GS. Hùng cho biết thêm, ngoài rượu bia khói thuốc lá cũng là tác nhân khiến cho con người mắc ung thư sớm hơn. Một người nghiện rượu và nghiện thuốc lá thì nguy cơ ung thư sẽ luôn cận kề.
Theo chuyên gia để phòng tránh ung thư cần ngưng hút thuốc lá hạn chế uống rượu; Trong ăn uống cần tránh ăn mặn, thức ăn nhanh, ăn nhiều chất đạm, chất béo… Ngoài ra, cần tăng cường luyện tập thể chất, vận động để có sức khoẻ tốt.
Trí thức trẻ