MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia VCBF: Thời điểm tốt để nhà đầu tư phân một phần tài sản vào cổ phiếu với tầm nhìn trung, dài hạn

Chuyên gia VCBF: Thời điểm tốt để nhà đầu tư phân một phần tài sản vào cổ phiếu với tầm nhìn trung, dài hạn

Chuyên gia cũng nhấn mạnh nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ các công ty trước khi ra quyết định và nếu không có đủ thời gian hoặc chưa tích lũy đủ kiến thức phân tích đầu tư thì có thể đầu tư thông qua các quỹ mở được quản lý bởi các đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp.

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn biến động mạnh bởi ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như lãi suất, lạm phát, tỷ giá. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF) đã có những chia sẻ quan điểm về tác động của các yếu tố vĩ mô tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: N ền kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi tích cực, ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất, sự ổn định về tỷ giá và lạm phát ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF )

Nói về lãi suất, tỷ giá và lạm phát, trước hết chúng ta cần biết là ba yếu tố này có sự tác động qua lại lẫn nhau, mặc dù đôi khi có độ trễ nhất định. Ở Việt Nam, đối với lãi suất, vừa qua 4 ngân hàng quốc doanh lớn đã đưa mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân về mức 5,3%, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm. Lãi suất cho vay cũng đã giảm đáng kể. Theo quan sát của chúng tôi thì một số ngân hàng đang cho vay mua nhà với mức lãi suất cố định trong 1 - 2 năm đầu khoảng 8,5%, lãi suất cho vay vốn lưu động ở mức khoảng 5%. Đây là yếu tố rất tích cực cho tiêu dùng và đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới. Môi trường lãi suất thấp sẽ gây áp lực lên lạm phát.

Nhưng theo tôi quan sát thì đây chưa phải là điều đáng lo, ít nhất là trong vài quý tới, vì tổng cầu trong nước còn kém. Chúng ta có thể thấy điều này qua mức tăng trưởng GDP khá khiêm tốn trong quý 3 vừa qua. Tăng trưởng tín dụng cũng đang ở mức thấp mặc dù có cải thiện trong 1 - 2 tháng gần đây. Về tỷ giá, áp lực lên tiền đồng đã gia tăng đáng kể trong các tháng gần đây. Đây cũng là điều dễ hiểu vì trong khi Việt Nam đang duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì Mỹ lại đang tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kìm hãm lạm phát. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tương quan cung cầu đồng nội tệ và ngoại tệ. Do đó để hỗ trợ đồng nội tệ và tránh tình trạng đầu cơ, trong khoảng 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn với tổng giá trị 185.700 tỷ đồng tính đến ngày 12/10/2023 để giảm lượng VND dư thừa trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, tôi cho rằng tỷ giá cũng sẽ được hỗ trợ tích cực từ thặng dư thương mại gần 22 tỷ USD và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài gần 16 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Ông đánh giá sao về việc FED vẫn duy trì chính sách lãi suất cao?

Tôi cho rằng FED sẽ sớm kết thúc chương trình tăng lãi suất. Theo dự phóng hiện nay thì tổ chức này sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11 nhưng gần đây cũng có nhiều nhận định cho rằng FED không cần thiết phải tăng lãi suất thêm nữa. Nhưng một điều khá chắc chắn là tổ chức này sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao cho đến khi họ kiểm soát lạm phát thành công. Mặc dù lạm phát bên Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua, nhưng chỉ số lạm phát lõi trong tháng 9 vừa qua vẫn ở mức tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức kỳ vọng trong dài hạn là 2,0%. Trong báo cáo gần nhất, FED đã nâng mức dự phóng lãi suất lên so với trước đây cho năm 2024 (5,1% so với 4,6%) và năm 2025 (3,9% so với 3,4%). Với triển vọng lãi suất như vậy, áp lực lên đồng nội tệ và xuất khẩu sẽ duy trì trong thời gian tới.

Khi đồng USD tăng giá, mà chủ yếu do FED duy trì quan điểm giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để kìm hãm lạm phát ở Mỹ, thì áp lực lên VND sẽ là đáng kể trong thời gian tới. Nhưng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để ổn định tỷ giá và để cân đối hai mục tiêu tỷ giá và lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, chúng ta cần ghi nhận là mặc dù đồng VND mất giá khoảng 3,5% từ đầu năm, nhưng mức này thấp hơn khá nhiều so với mức mất giá của các đồng nội tệ khác ở châu Á như Baht Thái (giảm khoảng 5,1%), Nhân Dân Tệ (giảm khoảng 5,3%), Ringgit của Malaysia (giảm khoảng 6,6%) và Yên Nhật (giảm khoảng 12,7%).

Một mối lo khác nữa của nhà đầu tư là mức lạm phát trên thế giới tuy đã giảm hoặc chững lại đà tăng, nhưng gần đây lại có dấu hiệu tăng trở lại như giá năng lượng, giá lương thực tăng? Ô ng đánh giá như thế nào về điều này?

Các yếu tố chi phí đẩy xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Ví dụ, giá dầu Brent đã tăng 27,2% trong quý 3, chủ yếu do nguồn cung thắt chặt khi các nhà sản xuất lớn bao gồm Ả Rập Xê-út và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung và do căng thẳng địa chính trị. Một số sản phẩm nông nghiệp như đường và gạo cũng tăng giá đáng kể do hiện tượng thời tiết El Nino đe dọa nguồn cung và vì một số nước trong đó có Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu. Tuy vậy do nguồn cung gạo của Việt Nam rất dồi dào, chúng ta là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới và giá dầu chúng cũng khó có thể cao hơn nhiều nữa do nhu cầu toàn cầu vẫn còn yếu nên áp lực là có nhưng sẽ không tăng trong thời gian tới.

Sau những phân tích ở trên thì các yếu tố này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán của Việt Nam, theo ông?

Tôi cho rằng với điều kiện vĩ mô hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới. Với mức tăng trưởng GDP đáng khích lệ nhưng còn khá thấp trong quý 3, nhiều khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Về mặt tài khoá, giải ngân đầu tư công đã hoàn thành 51,3% mục tiêu Chính phủ tính đến cuối tháng 9, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử tỷ lệ giải ngân đạt hơn 50% trong 9 tháng. Và giải ngân đầu tư công dự kiến sẽ tăng tốc hơn nữa trong quý cuối cùng của năm nay. Một động lực tăng trưởng kinh tế khác trong năm nay, ngành du lịch, đã phục hồi nhanh chóng với lượng khách quốc tế trong 9 tháng đã vượt mục tiêu cả năm và đạt 69% so với cùng kỳ trước Covid và có triển vọng tích cực nhờ những nỗ lực của Chính phủ và các công ty lữ hành như cấp thị thực điện tử và gia hạn thời gian lưu trú để tăng lượng khách quốc tế, đặc biệt trong mùa cao điểm sắp tới. Nhưng kinh tế Việt Nam cũng còn phải đối diện với nhiều thách thức đặc biệt là triển vọng kém khả quan của tổng cầu trên thế giới. Ở Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tình hình khá kém khả quan do chính sách tiền tệ thắt chặt như tôi đã nói trên. Tương tự tại châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa tăng lãi suất trong tháng 9 do áp lực lạm phát còn cao mặc dù đã hạ nhiệt. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng đang phải đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế ảm đạm.

Vậy nhà đầu tư nên làm gì vào lúc này?

Đối với thị trường chứng khoán, với mức điều chỉnh khoảng 9,2% kể từ ngày 08/08/2023, định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn với mức P/E trượt của VN-Index là khoảng 14,4 lần. Và do thu nhập doanh nghiệp được dự báo sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024 khi kinh tế hồi phục, định giá của thị trường chứng khoán dựa vào lợi nhuận năm 2024 còn hấp dẫn hơn với mức P/E 10,8 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E bình quân trung vị của chỉ số trong 15 năm qua là 14,5 lần. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp và điều đó có lợi cho nhu cầu đầu tư vào các loại tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu.

Tôi cho rằng việc lựa chọn cổ phiếu luôn là yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công trong đầu tư. Chúng tôi yêu thích các công ty có thể duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ngay cả trong điều kiện kinh tế gặp nhiều thách thức như một số công ty trong ngành công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích và dược phẩm. Một số cổ phiếu ngân hàng cũng có định giá hấp dẫn đặc biệt là khi rủi ro suy giảm chất lượng tài sản đã giảm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực hơn và lãi suất giảm. Cũng vì lý do này, tôi cho rằng cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng là sự lựa chọn phù hợp. Nhìn chung, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư phân bổ một phần tài sản của mình vào cổ phiếu và đầu tư với tầm nhìn trung và dài hạn. Nhưng nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ các công ty trước khi ra quyết định đầu tư và nếu không có đủ thời gian hoặc chưa tích lũy đủ kiến thức phân tích đầu tư thì có thể đầu tư thông qua các quỹ mở được quản lý bởi các đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp.

Bảo Anh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên