MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia VDSC: Kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đang dần đi qua

Chuyên gia VDSC: Kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đang dần đi qua

Theo chuyên gia VDSC, việc biên lợi nhuận gộp của các ngành như phân bón, hóa chất giảm cũng hàm ý rằng giá hàng hóa và nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất kinh doanh đã và đang hạ nhiệt.

Số liệu kinh tế quý 1 được công bố cho thấy những thách thức nhất định với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp. Dù vậy, với những chính sách được tung ra, các chuyên gia kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đang dần qua đi. Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt đã có những chia sẻ về bức tranh kinh tế cũng như TTCK trong giai đoạn tới.

BTV Mùi Khánh Ly: C ác doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, bà đánh giá như thế nào về bức tranh quý I của các doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt

Khi tổng hợp kết quả kinh doanh của quý I/2023 của hơn 1.000 tổ chức niêm yết, bao gồm cả doanh nghiệp và ngân hàng, trên ba sàn chứng khoán, chúng tôi nhận thấy lợi nhuận trong quý I của các doanh nghiệp nhìn chung đã giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Chỉ một vài ngành đơn lẻ với các doanh nghiệp đơn lẻ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao như nhóm khu công nghiệp và văn phòng cho thuê, hay du lịch và giải trí và nhóm hàng không. Đây là những nhóm ngành hay doanh nghiệp chịu hưởng nặng nề bởi dịch bệnh covid nên có sự hồi phục trong quý I/2023 cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó hầu hết các nhóm ngành còn lại đều cho thấy bức tranh tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ, đặc biệt ở các ngành bán lẻ, dịch vụ tài chính, hóa chất, ô tô phụ tùng, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu xây dựng, với mức giảm lợi nhuận từ trên 60% đến trên 80% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp tổng thể quý I/2023 vẫn đang trong xu hướng giảm, ước giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 1,8 điểm % so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy sức ép về giá vốn còn cao, hoặc do sức mua yếu mà doanh nghiệp gặp hạn chế trong khả năng tăng giá bán đề bù đắp cho chi phí đầu vào cao. Tuy nhiên cũng có điểm tích cực là nhóm ngành hóa chất, gồm các doanh nghiệp phân bón, cao su tự nhiên, hay hóa chất cơ bản có mức biên lợi nhuận gộp giảm mạnh nhất. Đây vốn là những ngành kinh doanh đầu vào của nhiều ngành khác, do vậy, việc biên lợi nhuận gộp của các ngành này giảm cũng hàm ý rằng giá hàng hóa và nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất kinh doanh đã và đang hạ nhiệt.

T heo bà, những khó khăn mà các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt hiện nay là gì?

Khi chúng tôi theo dõi các khảo sát của các hiệp hội và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, có thể thấy rằng đang nổi lên hai khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải: một là nhu cầu cả trong và ngoài nước giảm, và thứ đến nữa là khó tiếp cận vốn vay và chi phí lãi vay cao.

Cụ thể như khảo sát 100 doanh nghiệp do Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM thực hiện vào tháng hai cho thấy, 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn với các khó khăn chính gồm thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%), thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%). Còn theo báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I/2023 và dự báo quý I/2023 của tổng cục thống kê thì các doanh nghiệp cho rằng, các khó khăn của doanh nghiệp bao gồm nhu cầu thị trường, trong nước và quốc tế thấp, chiếm 52,4% và 32,2%, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao chiếm 48%, lãi suất vay vốn cao và các khó khăn về tài chính, chiếm 47,8% và 30,2%.

Ngoài ra, tôi cho rằng khó khăn trong lĩnh vực bất động sản cũng lan sang các ngành khác như xây dựng, nguyên vật liệu xây dựng và tiêu dùng. Số liệu cho thấy là số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đã giảm khoảng 61% so với cùng kỳ trong khi tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh và giải thể tăng đến 57%.

Số liệu kinh tế bốn tháng đầu năm cũng đang cho thấy kết quả không mấy tích cực, khi mà tổng kim ngạch xuất khẩu ước giảm 12% trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm hơn 15% so với cùng kỳ, chỉ số toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% trong khi số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm 2022.

Quốc hội, Chính phủ, các bộ ban ngành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ như thúc đẩy đầu tư công, giảm lãi suất...để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể do độ trễ của chính sách mà nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó? B à đánh giá sao về điều này?

Theo tôi, một là do độ trễ chính sách, hai là do năng lực thực thi chính sách dẫn đến tác động không mạnh và nhanh được. Đơn cử như việc thúc đẩy đầu tư công, vẫn có tình trạng ì ạch ở nhiều địa phương. Với giải pháp nhà ở xã hội cho thị trường bất động sản dù mong muốn là tốt cho sự phát triển bền vững của thị nhưng lại chưa tạo được động lực cho các bên tham gia. Trong khi đó, lãi suất đã giảm một đoạn khá nhưng vấn đề là doanh nghiệp vẫn đang khó khăn vay vốn, doanh nghiệp lớn cũng giảm nhu cầu đầu tư. Về vấn đề này, chúng tôi kỳ vọng là sau khi thông tư 02 về cho phép giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn nợ có hiệu lực thì khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Với các phân tích ở trên kết hợp với bối cảnh kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Một giải pháp nữa đang được trông chờ là giảm thuế VAT 2% cho các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm 2023? B à đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ này nếu được Quốc hội thông qua?

Sau khi chính sách giảm thuế VAT 2% năm 2022 hết hiệu lực, chúng tôi đã kỳ vọng chính sách này sẽ được gia hạn ngay sau đó. Do việc giảm thuế VAT 2% là một trong những giải pháp hỗ trợ mà chúng tôi nhận thấy là khả thi nhất về mặt thực hiện, nhưng đến giữa năm mới thực hiện thì có hơi thiếu tính tiên phong.

Trong Quý I/2023 thì nền kinh tế chỉ tăng trưởng 3,32%, nếu muốn đạt được mục tiêu 6,5% thì phải tăng tốc kể từ quý II. Vậy theo ông bà đâu sẽ là động lực giúp cho các DN tăng tốc từ quý II, qua đó thúc đẩy nền kinh tế và thị trường chứng khoán tích cực hơn?

Có thể thấy là các động lực hiện giờ đều suy giảm từ xuất khẩu đến tiêu dùng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm, kỳ vọng lớn nhất hiện giờ vẫn là vào đầu tư công và sự khởi sắc trở lại của các đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, lãi suất hạ nhiệt cũng là một điểm then chốt, cùng với triển vọng chính sách đối với thị trường bất động sản trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là vấn đề pháp lý đối với dự án bất động sản sẽ giúp thị trường dần ấm lại và lan tỏa sang nhiều ngành kinh doanh khác.

Thêm vào đó, nếu gọi là điểm sáng thì đó là số liệu về kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các tổ chức niêm yết, trong tổng thể cả năm, các doanh nghiệp vẫn đặt đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng dương. Nếu như tin vào khả năng phán đoán và lên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, thì có thể kỳ vọng rằng giai đoạn khó khăn nhất đang dần đi qua, và các quý tới sẽ có sự phục hồi nhất định.

Bảo Anh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên