Chuyên gia VNDIRECT: "Thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh vào tháng 11, nhà đầu tư nên xem đây là cơ hội để mua vào cổ phiếu giá rẻ"
Chuyên gia VNDIRECT cho biết, hiện tại khi những tin tức được cho là xấu nhất về GDP và kinh tế đã được công bố thì sức ép ngắn hạn đè lên thị trường đã được tiêu biến, do đó vận động trong quý 4 của chứng khoán Việt Nam sẽ rất tích cực.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước - đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2021 Việt Nam cũng đã nhập siêu tới 2,13 tỷ USD.
Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến được tổ chức trong chiều 29/9 bởi CTCK VNDIRECT, ông Phạm Thiên Quang – Giám đốc khối dịch vụ đầu tư VNDIRECT đánh giá đây là những mảng màu xám của nền kinh tế Việt Nam và đã được dự báo từ trước đó. Tuy nhiên, cũng phải nói tới khía cạnh tích cực hơn khi chỉ số lạm phát tháng 9 và lũy kế 9 tháng so với cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng lần lượt 2,06% và 1,82%. Mức tăng thấp rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung vào mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia VNDIRECT trong buổi tọa đàm trực tuyến (ảnh chụp màn hình)
"Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 4% là điều khó thực hiện"
Theo bà Trần Khánh Hiền – Giám đốc khối phân tích VNDIRECT, điểm sáng cho kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm 2021 là tỷ lệ bao phủ vaccine đang được đẩy nhanh, tiến tới mục tiêu 70% dân số cả nước được tiêm chủng vào quý 1/2022. Ngoài ra, xuất khẩu - mũi nhọn của tăng trưởng kinh tế - vẫn duy trì ổn định với mức giảm trong tháng 9 vừa qua chỉ 0,6% so với cùng kỳ, tích cực hơn nhiều so với tháng 8 trước đó. Lượng FDI đăng ký mới và giải ngân duy trì tích cực cùng với sự đôn đốc của Chính Phủ về giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ là đầu kéo cho tăng trưởng kinh tế những tháng sắp tới.
Thách thức tại thời điểm này, theo chia sẻ của bà Hiền, là sự chưa đồng nhất về chiến lược chống dịch giữa các tỉnh thành, từ đó vẫn có những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, trong khi sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực ít nhất là trong tháng 10/2021. Yếu tố lực lượng lao động giảm mạnh cũng như cầu tiêu cực ở mức thấp sẽ tiếp tục gây ra mức cản nhất định cho sự phục hồi của kinh tế vĩ mô. "Do đó, chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng GDP đạt 4% trong năm 2021 sẽ là điều khó thực hiện", bà Hiền cho biết.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang vô cùng rẻ
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, sau giai đoạn thăng hoa 2 quý đầu năm, xu hướng sideway đã được duy trì kể từ thời điểm đợt sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ vào hồi đầu tháng 7/2021. Nếu tính từ đầu năm 2021 tới nay, vẫn có nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ như dịch vụ tài chính (khoảng 92%), công nghệ thông tin (khoảng 83%), tài nguyên cơ bản (khoảng 76%), bán lẻ (khoảng 62%), hóa chất (40%)…
Tăng trưởng các nhóm ngành so với cùng kỳ
Động lực quan trọng cho thị trường tới từ lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào thị trường, đóng góp thanh khoản khổng lồ trong bối cảnh khối ngoại đang liên tục rút ròng khỏi chứng khoán Việt Nam. Quan điểm của chuyên gia VNDIRECT cho rằng sự gia tăng ồ ạt của các nhà đầu tư cá nhân là không hề "nóng" khi tỷ lệ dân số tham gia đầu tư trên thị trường tài chính của Việt Nam mới chỉ ở mức 3%.
Về mặt định giá, tính toán của VNDIRECT cập nhật đến hết phiên 29/9 thì P/E của VN-Index chỉ giao dịch quanh mức trung bình lịch sử là 16,2 lần – ông Phạm Thiên Quang đánh giá đây được xem là mức định giá vô cùng rẻ.
Chuyên gia VNDIRECT trong buổi tọa đàm trực tuyến (ảnh chụp màn hình)
"Sẽ có một cú điều chỉnh vào tháng 11/2021, nhà đầu tư nên xem đây là cơ hội để mua vào cổ phiếu giá rẻ"
Câu chuyện thị trường trong ngắn hạn, ông Hoàng Anh Tuấn – Trưởng phòng tư vấn đầu tư VNDIRECT cho biết, thông thường khi thị trường đang chờ đợi một thông tin nào đó sẽ vận động theo xu hướng đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ – trùng khớp với diễn biến trong thời gian qua của VN-Index.
Tới nay, khi những tin tức được cho là xấu nhất về GDP và kinh tế đã được công bố thì sức ép ngắn hạn đè lên thị trường đã được tiêu biến, do đó vận động trong quý 4 của chứng khoán Việt Nam sẽ rất tích cực.
Ngược lại, một thông tin khác có khả năng tác động tới thị trường trong ngắn hạn là việc FED sẽ ngừng mua tài sản, khi đó thị trường Mỹ rất có thể phải chịu cú điều chỉnh mạnh từ 5-10%, ít nhiều gây ra lan tỏa tới Việt Nam.
Xét chung về tổng thể, tầm nhìn ngắn hạn theo chuyên gia tới từ VNDIRECT thiên về kịch bản tích cực, khi triển vọng của Việt Nam là rất lớn trong khi định giá thị trường đang ở mức khá rẻ. "Tuy nhiên, vào khoảng tháng 11 tới đây, khả năng cao thị trường sẽ có một cú điều chỉnh và nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng giải ngân khi đây sẽ là cơ hội rất tốt để mua vào cổ phiếu với giá rẻ", ông Tuấn chia sẻ.