Chuyên gia VPBankS gọi tên nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng Fed giảm lãi suất
Theo ông Trần Hoàng Sơn, việc hạ lãi suất còn có độ trễ nhất định, phải mất từ 3 đến 6 tháng sau mới thấm vào nền kinh tế.
Nhận định tại chương trình Khớp Lệnh – Tài chính thịnh vượng, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường - VPBankS nhấn mạnh: " Không phải lần nào, Fed hạ lãi suất cũng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Thống kê cho thấy, lịch sử không ít lần Fed hạ lãi suất là suy thoái ".
Theo góc nhìn của vị chuyên gia VPBankS, làn sóng cắt giảm lãi suất cho thấy bức tranh kinh tế toàn cảnh ở hầu hết các quốc gia từ Châu Âu đến Châu Á sụt giảm rõ rệt. Riêng ở Châu Âu, dù kinh tế thoát khỏi lo ngại suy thoái nhưng nhiều quốc gia như Ý, Pháp, Đức có tốc độ tăng trưởng trong năm qua khá trì tệ.
Tại Châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản tăng trưởng khá thấp trong quý vừa rồi, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Do đó, nếu không hạ lãi suất hợp lý và kịp thời, suy thoái hoàn toàn có thể xảy ra.
Các ngành sản xuất từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều "đi xuống" khi chỉ số PMI của hầu hết quốc gia đều dưới 50. Để vực lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, cần hành động giảm lãi suất phải nhanh.
Theo chuyên gia VPBankS, việc hạ lãi suất còn có độ trễ nhất định, phải mất từ 3 đến 6 tháng sau mới thấm vào nền kinh tế. Thông thường, dù nền kinh tế có suy thoái hay không, thị trường chứng khoán thường có một khoảng gap down (điều chỉnh giảm) trong 3 đến 6 tháng sau khi hạ lãi suất, rồi mới đi lên.
Tuy nhiên nhìn xa hơn về trung và dài hạn, Fed hạ lãi suất sẽ tác động tích cực đến TTCK và nền kinh tế. Nếu có suy thoái kinh tế thị trường sẽ giảm sau 6 tháng và tăng sau 1 năm. Trong trường hợp nền kinh tế không có suy thoái, TTCK sẽ tăng tốt sau 6 tháng và tăng mạnh mẽ sau 1 năm.
Nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi theo xu hướng hạ lãi suất?
Đáng chú ý, ông Sơn nhận định việc Fed hạ lãi suất sẽ giúp chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa giảm lãi suất, đặc biệt là sau thảm họa bão Yagi. Qua đó, doanh nghiệp sẽ "dễ thở" hơn, và có dư địa phục hồi tốt hơn khắc phục hậu quả sau bão.
"Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, khi các doanh nghiệp đầu ngành phục hồi, cổ phiếu ắt sẽ đi lên", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Với xu hướng này, các doanh nghiệp đang vay nợ nhiều như bất động sản, sản xuất và xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Lãi suất hạ nhiệt giúp chi phí vốn giảm xuống, biên lợi nhuận kỳ vọng tăng lên.
Nhìn lại chu kỳ 2012-2015, Fed đưa lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử, Việt Nam vừa có chính sách hỗ trợ lãi suất, vừa đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Nhờ đó, thị trường bất động sản đóng băng giai đoạn 2011-2012 đã phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn 2014-2016
Thêm vào đó, ông Sơn chỉ ra rằng khi trong giai đoạn hạ lãi suất năm 2015, các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Về cơ cấu thu nhập của các ngân hàng hiện nay, thu nhập lãi thuần giảm trong khi thu nhập từ dịch vụ đang cải thiện nhiều và chiếm tỷ trọng lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh giúp nợ xấu ngân hàng giảm, từ đó giảm trích lập dự phòng giúp sức khỏe của cả hệ thống ngân hàng tốt hơn.
"Kinh tế phục hồi mọi thứ sẽ tốt dần lên. Ngân hàng là ngành xương sống của nền kinh tế, kỳ vọng có nhiều dư địa tốt để tăng trưởng", chuyên gia VPBankS cho hay.
Nhịp sống thị trường