MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ít biết về bố của nữ CEO BluSaigon vừa lên Shark Tank: Sở hữu công ty hàng đầu thế giới trong ngành, là đối tác của Dior, Lacoste, Hugo Boss...

26-05-2021 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Chuyện ít biết về bố của nữ CEO BluSaigon vừa lên Shark Tank: Sở hữu công ty hàng đầu thế giới trong ngành, là đối tác của Dior, Lacoste, Hugo Boss...

Từ tay trắng, ông Tôn Thạnh Nghĩa gây dựng nên công ty sản xuất nút áo khảm trai tầm cỡ nhất nhì thế giới trong ngành này và là đối tác của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp.

Mở đầu tập 4 Shark tank Việt Nam mới đây, startup BluSaigon xuất hiện ấn tượng với lời chia sẻ tâm huyết của vị chủ tịch đồng thời là cha của nữ CEO. Trong dáng bộ hồi hộp, doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa chia sẻ: "Hôm nay tôi theo con gái tôi tới đây để gọi vốn. Đưa con gái đi gọi vốn như tâm trạng hơn 10 năm trước gả con gái về nhà chồng. Tôi tự hào và kỳ vọng rất nhiều vào con. Mong rằng mai mốt con hơn cha là nhà có phước.

Tôi cũng xin nhắn gởi con gái. 30 năm trước ba 35 tuổi rồi. Ba lại bắt đầu đi học tiếng Nhật để mong có công việc tốt hơn. Năm 40 tuổi ba mới có cơ hội khởi nghiệp sản xuất hạt nút áo xuất khẩu và duy trì nghề này 25 năm đến bây giờ. Tất nhiên hàng này xuất khẩu nên trong nước ít người biết mặc dù mình ra nước ngoài cũng tầm cỡ nhất nhì thế giới".

Vị doanh nhân này cũng không quên dặn dò con trước khi lui vào cánh gà: "Ba chỉ lưu ý con một điều là làm cái gì cũng phải đam mê. Và nếu như chung chạ thì nhớ phải chân thật. Gãi cho đúng chỗ".

Câu chuyện khởi nghiệp của ông Nghĩa từ tay trắng trở thành một trong những nhà sản xuất nút áo bằng vỏ sò, ốc, ngọc trai hàng đầu thế giới, chưa được nhiều người biết tới.

Khởi nghiệp từ căn gác xép

Ông Tôn Thạnh Nghĩa tốt nghiệp kỹ sư thủy lợi thuộc Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh, đam mê kỹ thuật nhưng những năm 1990 không tìm ra được việc thích hợp. Sau một thời gian làm việc, theo lời kể lại từ doanh nhân này năm 35 tuổi ông bắt đầu học tiếng Nhật để tìm công việc tốt hơn. Sau một năm học tiếng Nhật, ông Nghĩa vào làm cho một nhà máy sản xuất nút áo bằng vỏ ốc của Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tiên ông làm phiên dịch dần dà ông Nghĩa kiêm cả làm thủ tục nhập máy móc, chạy công văn giấy tờ, xin giấy phép… rồi lên làm phó giám đốc. Lên làm lãnh đạo suốt ngày ngồi bàn giấy khiến ông Nghĩa chán và rút lui đi làm việc khác. Được chừng hai năm, nhớ nghề ông lại quyết định đi làm nút áo.

Năm 1995, ông Nghĩa kéo người em ruột tên là Tôn Thạnh Hoài khởi nghiệp cùng. Ông Hoài lúc này đang làm cho công ty Nhật Bản cũ. Khi đặt tên thương hiệu, ông Nghĩa lấy luôn từ Văn trong tên con trai để gắn với họ làm thương hiệu cho dễ nhớ, dễ đọc, nhất là với người nước ngoài. Thích làm cái gì lạ và không đụng hàng nhưng vốn liếng không có, ông mày mò tự chế tạo máy móc mất một năm, năm 1996 thì bắt đầu cho máy chạy thử.

Đến năm 1997, những chiếc nút áo thành phẩm đầu tiên ra đời từ căn gác xép chật chội, ẩn mình trong con hẻm thuộc quận Phú Nhuận, Tp.Hồ Chí Minh. Mua vỏ trai, ốc từ thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội về, tuyển sáu công nhân, ông Nghĩa vừa tự làm vừa dạy họ theo lối cầm tay chỉ việc.

Sau một thời gian lao tâm khổ tứ, vị doanh nhân này đem sản phẩm đầu tay đi giới thiệu với một số công ty may mặc, nhưng chỉ nhận được sự từ chối khéo. Không bán được cái nút áo nào ở thị trường trong nước, ông chào hàng với các đối tác nước ngoài. Ông Nghĩa liên lạc với một người quen cũ là ông Ohno Kazuo, doanh nhân Nhật có cửa hiệu buôn bán ở Hong Kong để chào hàng. Vị doanh nhân người Nhật bảo ông gửi hàng sang và góp ý thêm cho ông Nghĩa về sản phẩm.

Bắt đầu có đầu ra nhưng Tôn Văn đối mặt với bài toán năng suất khi làm cả tuần mới được một thùng từ 20kg đến 30kg. Đến năm 1998 - 1999, nhờ mua được một dàn máy cũ của Hàn Quốc, sự phập phù về chất lượng, mối rủi ro tai nạn lao động đã chấm dứt và năng suất cải thiện đáng kể.

Có sản phẩm tốt, ông Nghĩa lại gửi cho ông Ohno Kazuo. Để tạ ơn, ông để cho vị khách Nhật định giá miễn sao không lỗ thì sẽ nhận đơn hàng. Đơn hàng đầu tiên suôn sẻ, ông Ohno Kazuo yêu cầu được độc quyền phân phối. Tuy nhiên, ông Nghĩa từ chối vì muốn đa dạng hóa khách hàng nhằm học hỏi, phát triển sản phẩm. Ông Ohno Kazuo không những không giận mà còn giới thiệu cho ông nhiều bạn hàng khác.

Quyết định đầu tư lớn, ông Nghĩa nhập ba máy khắc chữ laser từ Ý, mỗi chiếc giá còn cao hơn giá một xe hơi sang trọng, để nâng chất lượng sản phẩm. Công nghệ tốt, kỹ thuật vững, khách hàng tự tìm đến với Tôn Văn. Ông Nghĩa cũng mày mò tham khảo thị trường rồi định giá thành sản phẩm.

Chơi với hàng hiệu thời trang

"Hiện ở Việt Nam chỉ có Tôn Văn khoan được đủ hình dạng lỗ. Mặt ngoài nút áo được dập hơn mười hoa văn. Chúng tôi bắn laser vẽ hoa, chi tiết. Mẫu mã luôn luôn phải đổi mới vì cứ vài ba tháng là lỗi mốt, có người bắt chước. Đổi mẫu cũng làm tăng thích thú cho khách hàng. Trình độ kỹ thuật, mỹ thuật của Tôn Văn so với các nước tiên tiến như Ý, Nhật Bản là như nhau, mình hơn họ ở chỗ khéo tay hơn, thế nên có gì khó họ gửi sang cho mình làm hết", nhà sáng lập Tôn Văn tự hào chia sẻ trên báo giới cách đây không lâu.

Ở Việt Nam có khoảng mười doanh nghiệp làm nghề giống Tôn Văn và đều xuất khẩu đến hơn 90% sản lượng. Người Việt khi sử dụng sản phẩm của các hãng thời trang danh tiếng như Lacoste, Adidas, Hugo Boss, Dior, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren… ít ai biết rằng những chiếc nút áo, quần được làm từ vỏ ốc xà cừ do Tôn Văn sản xuất.

Chuyện ít biết về bố của nữ CEO BluSaigon vừa lên Shark Tank: Sở hữu công ty hàng đầu thế giới trong ngành, là đối tác của Dior, Lacoste, Hugo Boss... - Ảnh 1.

Ngoài nút áo, Tôn Văn còn sản xuất cả ngàn loại sản phẩm như: thìa ăn trứng cá muối, dao ăn bánh, kem, trái cây, dĩa, bút.

"Khách hàng tìm đến đưa mẫu yêu cầu mình làm. Khách hàng của tôi đa số đã làm ăn với nhau cả chục năm nay rồi, khách hàng mới điện thoại đến đặt hàng nhiều nhưng mình làm không xuể cũng phải từ chối bớt. Mấy năm gần đây khách hàng nội địa mới có, là các công ty may xuất khẩu. Trước đây, họ có tâm lý bụt chùa nhà không thiêng, nay đi một vòng thế giới rồi mới nhận ra nhau nên quay về đặt hàng Tôn Văn", ông Nghĩa chia sẻ thêm.

Khác biệt giữa các doanh nghiệp với nhau, theo ông Nghĩa là phải nhận ra ưu thế về tay nghề, máy móc, nguyên liệu để tiết giảm được chi phí sản xuất. Tôn Văn cũng chọn lựa phân khúc hàng cao cấp để đua tranh với hàng của Ý, Nhật Bản, chứ không cạnh tranh về giá được với hàng Trung Quốc.

Theo Thảo Nguyên

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên