MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ít người biết về các công ty xây dựng chỉ số (K2): Khoản doanh thu không nhỏ

27-12-2017 - 14:12 PM | Tài chính quốc tế

Doanh thu từ mảng chỉ số tại S&P Global, MSCI và FTSE Russell đã vượt quá con số 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng mạnh so với mức 858 triệu USD cùng kỳ năm 2016.

Bất đồng từ các thành phần tham gia thị trường

Như đã nói ở kỳ trước, nhiều nhà đầu tư hiện nay ngày càng tin tưởng vào các benchmark và xem chúng như những cơ sở tham chiếu chuẩn xác, an toàn. Cùng với đó, việc các sản phẩm đầu tư thụ động phát triển mạnh mẽ đã ngày càng gia tăng quyền lực cho những công ty cung cấp chỉ số.

Dẫu vậy, mặc dù tầm quan trọng của các chỉ số tham chiếu cho thị trường (benchmark) là điều không phải bàn cãi, nhưng rủi ro thông tin bất cân xứng và quyền lực quá lớn của những công ty cung cấp chỉ số khiến nhiều thành phần tham gia thị trường bắt đầu xuất hiện bất đồng. Một số nhà quản lý quỹ, đặc biệt trong đó có cả những nhà quản lý quỹ đầu tư thụ động, thậm chí đã bắt đầu từ chối sử dụng các chỉ số do bên thứ ba (những công ty chỉ số) tính toán. Họ bắt đầu xây dựng benchmark riêng cho mình.

Kuwait, quốc gia vùng Vịnh với hơn 4 triệu dân và GDP tăng trưởng khiêm tốn nhưng hiện đang chiếm tới 19% vốn hóa của chỉ số các thị trường cận biên MSCI – một trong những chỉ số ưa thích cho nhà đầu tư thụ động ưa thích rủi ro đổi lại lợi suất cao. Tuy nhiên, việc một quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé với nền kinh tế không có nhiều triển vọng này chiếm tới gần 1/5 vốn hóa của chỉ số thị trường cận biên MSCI khiến cho nhiều nhà đầu tư tập trung vào thị trường cận biên không mấy thích thú.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng có những quốc gia xứng đáng chiếm tỷ trọng cao hơn trong các chỉ số thị trường cận biên. Ông Andrew Howell, một chiến lược gia tại Citigroup, cho rằng nhiều nhà đầu tư thị trường cận biên hiện nay ưa thích các thị trường như Việt Nam hay Bangladesh, những quốc gia với dân số lớn và nhiều tiềm năng phát triển, hơn là những thị trường như Kuwait.

Kuwait chỉ là một trong những trường hợp minh họa cho các quyết định bất hợp lý của nhiều công ty chỉ số, khiến các nhà đầu tư đặt ra nghi vấn về tính khách quan của những công ty này. Trong khi đó, các công ty chỉ số vẫn liên tục biện minh rằng các quyết định thêm bớt hay nâng hạ bậc xếp hạng với một cổ phiếu, trái phiếu hay một quốc gia nhất định đều dựa trên những quy tắc nhất quán, là kết quả tổng hợp của những phân tích độc lập về quy mô, thanh khoản và tất cả những yếu tố liên quan tới khả năng có thể đầu tư (investability) tương ứng với mỗi thị trường hay chứng khoán.

Các công ty chỉ số, chẳng hạn như MSCI, khẳng định luôn đứng trên vị thế của nhà đầu tư và hoàn toàn khách quan khi lựa chọn các cơ hội có thể đầu tư ứng với mỗi chỉ số. Ông Chin Ping Chia, Giám đốc phân tích khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của công ty này tự nhận MSCI giống như một chiếc gương phản chiếu nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư và thúc đẩy truyền bá nhu cầu đó tới thị trường.

Điều đáng lo lắng đó là, các quỹ đầu tư thụ động thường quyết định danh mục đầu tư hoàn toàn theo các benchmark mà quỹ đó lựa chọn. Những quyết định này càng đặc biệt cần chú ý ở những thị trường mới nổi, nơi mà các công ty chỉ số cần phải phục vụ những nhà đầu tư mong muốn là người nhanh chân tận dụng sự tăng trưởng của những thị trường vốn chưa phát triển.

Chẳng hạn, hồi đầu năm nay, JPMorgan Chase đã đưa Argentina trở lại vào danh sách chỉ số trái phiếu của mình sau khi nước này thanh toán được một phần các khoản nợ cũng như giải quyết những mâu thuẫn với chủ nợ, bất chấp nguy cơ vỡ nợ vẫn còn. Việc này giúp cho Argentina có thể huy động vốn sau đó thông qua các khoản trái phiếu phát hành mới, trong khi rủi ro quốc gia vẫn còn đó. Điều này tiếp tục đặt ra câu hỏi liên quan tới những vấn đề đạo đức trong hoạt động của các công ty chỉ số và làm bùng nổ những chỉ trích về việc thêm các quốc gia với những khoản nợ khổng lồ vào chung rổ tính toán chỉ số cùng nhiều quốc gia ổn định khác.

Khoản lợi nhuận không nhỏ

Nhà đầu tư tỷ phú Howard Marks, người đồng sáng lập Oaktree Capital Management LP, cho rằng thực tế một số người có thể can thiệp rất chủ động vào việc ra quyết định cổ phiếu nào sẽ được thêm vào hoặc loại ra khỏi một chỉ số của các công ty chỉ số, qua đó tác động tới việc giải ngân của các quỹ đầu tư thụ động. Do đó, theo ông, có thể nói các quỹ đầu tư bị động đang "outsource" các quyết định về phân bổ danh mục. Và nguồn lực thực hiện công việc đó chính là các công ty chỉ số.

Các quyết định thêm bớt cổ phiếu hoặc nâng hạ bậc thị trường mang đến cho những công ty chỉ số khoản lợi nhuận khổng lồ. Mọi quỹ đầu tư thụ động đều theo dõi và mô phỏng danh mục theo một chỉ số thị trường, do đó được gọi là thụ động. Các quỹ này thường trả phí duy trì (license fee) định kỳ cho các công ty chỉ số. Điều này vừa mang tới lợi nhuận, đồng thời làm gia tăng tầm ảnh hưởng của họ. Doanh thu từ mảng chỉ số tại S&P Global, MSCI và FTSE Russell đã vượt quá con số 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng mạnh so với mức 858 triệu USD cùng kỳ năm 2016.

Dù vậy, các công ty chỉ số vẫn phủ nhận việc họ chính là những người có khả năng can thiệp vào thị trường. Ông Mark Makepeace, Giám đốc điều hành FTSE Russell, cho biết công ty này chỉ nỗ lực thiết lập những tiêu chuẩn tối thiểu được các nhà đầu tư chấp nhận phổ biến để phân chia thành các chỉ số, và đảm bảo sự đồng thuận giữa các nhà đầu tư. Đầu tháng 9 năm nay, FTSE Russell đã nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi, tạo cơ sở để thị trường này kỳ vọng hút thêm dòng vốn khoảng 822 triệu USD sau đó.

MSCI đã từng có thời gian dài vật lộn với quyết định có nên thêm các cổ phiếu ở thị trường Trung Quốc đại lục vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi của mình hay không. Michael Buek, người từng có thời gian quản lý danh mục đầu tư chỉ số cổ phiếu tại Vanguard Group Inc, đã quan sát quá trình này, và cho biết ông đã không hề ngạc nhiên khi MSCI không hề có động thái nâng hạng với thị trường này trong suốt những năm 2014, 2015 và 2016. Thời điểm đó, ông cho rằng các rào cản giao dịch và đầu tư tại Trung Quốc sẽ khiến tình trạng này còn kéo dài thêm nữa.

Tuy nhiên, cuối cùng thì MSCI cũng đã quyết định thêm các cổ phiếu lục địa Trung Quốc vào rổ chỉ số thị trường mới nổi trong kỳ xem xét tháng 6 năm nay. Lẽ dĩ nhiên, một số nhà đầu tư đã nhanh nhạy chớp lấy cơ hội từ trước, trong khi một số khác vẫn băn khoăn tại sao một thị trường bị kiểm soát dòng vốn chặt chẽ cùng nhiều hạn chế giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc lại được thêm vào. Kể từ tháng 6/2017 đến nay, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thẩm Quyến đã tăng từ 1.773 điểm lên hơn 1.900 điểm sau khi đạt đỉnh 2.045 điểm ngày 13/11 .

Đây có thể là một trong số các quyết định của những công ty chỉ số đã khiến ông Buek ngạc nhiên. Mặc dù Buek cũng như những nhà quản lý đầu tư thụ động khác vẫn đang hoạt động dựa trên các chỉ số được cung cấp bởi bên thứ ba, ông cho rằng đang có một sự siêu cạnh tranh diễn ra giữa các công ty chỉ số trên thị trường. Ông nói ‘Khi Vanguard không ưa thích chỉ số của một công ty, sẽ có hàng tá chỉ số khác để lựa chọn thay thế’. Trong thực tế, Vanguard đã không còn sử dụng chỉ số của MSCI từ năm 2012.

Hướng đi mới của các quỹ đầu tư thụ động

Một lựa chọn hấp dẫn khác đối với các công ty quản lý quỹ ETF đã xuất hiện trong thời gian gần đây giúp họ cắt giảm đáng kể chi phí và thoát khỏi sự phụ thuộc mạnh mẽ vào các công ty chỉ số, đó là tự xây dựng chỉ số cho mình. 3 trong số những sản phẩm ETF dựa trên chỉ số S&P 500 (Standard & Poor’s Depositary Receipts – SPDR, lần đầu được giới thiệu bởi công ty tư vấn State Street Global Advisors – SSGA – năm 1993) , cũng đã bị chính SSGA thay thế bởi các sản phẩm mô phỏng chỉ số của FTSE Russell hồi tháng 10/2017 cho mục tiêu cắt giảm chi phí. SSGA thậm chí đang nỗ lực phát triển các chỉ số của riêng mình cho những doanh nghiệp vốn hóa vừa và lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ để tiếp tục thay thế cho các sản phẩm mô phỏng FTSE Russell vừa mới hình thành.

Việc xây dựng thành công các benchmark của riêng mình sẽ giúp những công ty quản lý quỹ như SSGA tránh được các khoản phí duy trì cho các công ty chỉ số, từ đó giảm chi phí cho các nhà đầu tư. Với động thái từ bỏ chỉ số S&P 500 hồi tháng 10, SSGA giảm được 3pbs chi phí ETF của mình và trở thành một trong những ETF có chi phí thấp nhất cùng với một quỹ của BlackRock và hai quỹ khác của Charles Schwab Corp .

Hướng đi mới này mở ra cuộc đua tới mục tiêu giảm chi phí của các quỹ ETF về 0%. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ là những người được hưởng lợi.

Lợi ích khác của các công ty chỉ số

Mặc dù vậy, ông Noel Archard, Giám đốc kinh doanh các sản phẩm SPDR ETF trên phạm vi toàn cầu của SSGA mới đây cho biết chỉ xem việc tự mình xây dựng chỉ số như là một công cụ hay cơ hội khác bổ sung khi tạo ra các sản phẩm ETF mới chứ chưa nghĩ tới việc sẽ hoàn toàn không phụ thuộc vào bất kỳ một bên thứ ba nào trong tương lai.

Thực vậy, mặc dù các ETF đang chịu áp lực giảm phí mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng hiện các tập đoàn sở hữu các ETF lớn nhất thế giới vẫn đang rất mâu thuẫn về tương lai của việc tự xây dựng chỉ số. Nhiều thập kỷ nay, các tập đoàn này vẫn duy trì mối quan hệ khăng khít với những công ty chỉ số lớn như S&P Global, cùng nhau gặt hái sự thành công từ các sản phẩm đầu tư thụ động. BlackRock, State Street (SSGA) và Vanguard hiện cùng nhau quan lý hơn 80% các tài sản dưới dạng ETF trên thế giới, đều nói rằng họ chưa có bất cứ kế hoạch nào về việc thay thế hoàn toàn các chỉ số được cung cấp bởi bên thứ ba bằng các chỉ số do tự mình xây dựng.

Ông Mark Wiedman, Giám đốc toàn cầu của quỹ đầu tư chỉ số iShare thuộc BlackRock Inc cho biết MSCI hiện là một trong các đối tác thân thiết nhất của công ty ông. MSCI, ngoài việc cung cấp chỉ số, còn giúp kết nối quỹ này với các khách hàng. Đó là một trong các giá trị to lớn mà các công ty chỉ số mang lại cho các quỹ như iShare, bởi các nhà đầu tư khách hàng thường có xu hướng tin tưởng vào các chỉ số cung cấp bởi những công ty chỉ số chuyên nghiệp như MSCI.

Nhưng thậm chí nếu việc tự xây dựng chỉ số của các quỹ đầu tư cũng không thể ngay lập tức làm sứt mẻ quyền lực của các công ty chỉ số, một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu dùng luật lệ để thắt chặt hoạt động của những công ty này. Theo Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu, các quy định về benchmark sẽ bắt buộc các công ty chỉ số phải tuân thủ sự giám sát và kiểm soát khi đưa ra các quyết định.

Bởi hình dung về những quỹ đầu tư dựa trên chỉ số do tự mình xây dựng hiện vẫn chưa rõ ràng, nên các nhà cầm quyền vẫn ưa thích chỉ số được cung cấp bởi bên thứ ba hơn. Nhưng gần đây đã xuất hiện chút dấu hiệu căng thẳng. Ông Alex Matturri, Tổng Giám đốc điều hành của S&P Dow Jones Indices cho biết, tại châu Âu, tất cả đều có quy định. Việc tự xây dựng chỉ số mặc dù không trực tiếp bị điều chỉnh, nhưng có rất nhiều quy định ở đây xung quanh việc loại bỏ những mâu thuẫn về lợi ích giữa quản lý danh mục đầu tư với việc tự mình xây dựng chỉ số để định hướng cho các danh mục đầu tư đó. Với lập trường như vậy, ông cho rằng việc tự xây dựng chỉ số là mâu thuẫn với khái niệm về sự độc lập.

Gần đây, ngày càng có nhiều quyết định gây tranh cãi được đưa ra bởi các công ty chỉ số, nổi bật là việc MSCI dự kiến thêm các cổ phiếu Arab Saudi vào rổ tính chỉ số các thị trường mới nổi của mình. Nếu được thêm vào, vương quốc này sẽ không còn là một thị trường cận biên mà tham gia vào danh sách các thị trường mới nổi trên thế giới. Sân chơi rộng lớn này có thể thu hút dòng tiền lên tới 4 tỷ USD từ những nhà đầu tư bên ngoài đổ vào quốc gia vùng vịnh này. Các trái phiếu ở thị trường Trung Quốc đại lục cũng đang đứng trước triển vọng này khi có thể được lựa chọn thêm vào các chỉ số chính được quản lý bởi những công ty lớn, chẳng hạn như JPMorgan.

Trong khi đó, những người tham gia thị trường dường như chỉ tập trung vào sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng các chỉ số cũng như những công ty cung cấp chỉ số, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thị trường liên tiếp tăng trưởng đạt những đỉnh cao mới bởi động lực từ những nhà đầu tư đua theo dòng tiền chứ không phải các nguyên tắc cơ bản.

Vậy khi số lượng các chỉ số thị trường quá nhiều, chuyện gì sẽ xảy ra? Ông Wiedman, một quản lý cao cấp của BlackRock, cũng như nhiều nhà quản lý quỹ thụ động khác cho rằng dòng tiền đổ vào các quỹ chỉ số sẽ tự điều chỉnh. Nếu các quỹ hoạt động không hiệu quả, dòng tiền sẽ tìm tới những nhà đầu tư chủ động. Trên thực tế, thị trường vẫn có nhiều cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động tạo ra thành tích vượt trội so với chỉ số.

Trở lại câu chuyện của cựu Bộ trưởng tài chính Peru, ông Vasi, ở đầu bài viết. Đất nước này có thể chưa hết cảm thấy bức xúc. Sau khi nghe các quan chức chính phủ Peru trình bày những kế hoạch cải cách thị trường, MSCI vẫn quyết định hạ bậc nước này xuống hạng thị trường cận biên. Theo ông Vasi, việc này có thể là giọt nước tràn ly tạo ra một làn sóng mạnh mẽ dòng tiền rút ra khỏi thị trường này, bởi sự thông tin chưa đầy đủ trong kế hoạch của Peru.

Ông nói thêm ‘Khi bạn quyết định chơi với các công ty chỉ số, cơ hội sẽ không do bạn nắm bắt nữa. Quyết định của các nhà đầu tư toàn cầu sẽ phụ thuộc vào quyết định của các công ty này. Việc họ quyết định nâng hạng hay hạ bậc thị trường của các bạn sẽ định hướng cho dòng tiền ra, vào thị trường. Có thể nói, các công ty này đang gián tiếp kiểm soát số phận của các doanh nghiệp niêm yết, cũng như điều tiết việc gia nhập các thị trường vốn của dòng tiên quốc tế.

Quang Huân

Bloomberg

Trở lên trên