Chuyện khởi nghiệp của đôi bạn trẻ dưới chân núi Langbiang
Đối diện với trang trại hoa hồng đa màu sắc đang bước vào thời kỳ cho thu hoạch những lứa bông tốt nhất, khó ai có thể ngờ rằng chủ sở hữu hàng chục nghìn gốc hoa hồng ấy lại là đôi vợ chồng trẻ quê tận Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mới vào chân núi Langbiang này lập nghiệp.
- 15-04-2019Khăn gói đi học chăn nuôi, trở về quê làm giàu trên vùng đất khô cằn
- 21-01-2019Làm giàu từ hoa hồng organic
- 17-12-2018Làm giàu từ chanh tứ quý bonsai
Nhìn anh Hoàng Xuân Thanh (31 tuổi), cẩn thận nâng niu, cắt tỉa, chăm sóc cho từng gốc hoa hồng mới thấy được nghề làm bông không dễ dàng như ta vẫn thường mường tượng. Không phải cứ có tiền, mua giống tốt, trồng hoa xuống, bón phân, tưới nước là cây cho hoa, được thu hoạch, lấy tiền về... Sự cẩn trọng tới từng cử chỉ của ông chủ trẻ này cho thấy trồng hoa hồng là nghề vất vả và đôi khi cũng lắm công phu.
Cách đây hai năm, được sự giúp đỡ, giới thiệu của những người thân quen, vợ chồng anh Hoàng Xuân Thanh rời quê nhà huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào chân núi Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) thuê 3.000m2 đất bên ven hồ Đan Kia - Suối Vàng để trồng hoa hồng.
Anh Hoàng Xuân Thanh thu hoạch hoa hồng.
Vay mượn thêm tiền, cặp vợ chồng trẻ này dựng toàn bộ nhà kính trên phần đất thuê được, đầu tư thêm hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt và lựa chọn nhiều loại hoa hồng giống mới, đang được thị trường ưa chuộng để gieo trồng. Dưới sự giúp đỡ về kỹ thuật của những người đồng hương đã vào Lạc Dương lập nghiệp theo nghề trồng hoa từ nhiều năm trước, vợ chồng anh Thanh bắt tay ngay vào công việc vỡ đất, làm hoa đầy lạ lẫm này.
Ngày ra vườn chăm sóc từng luống hoa, đêm về vợ chồng anh Thanh lại lên mạng tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng hoa hồng. “Học trên mạng chưa đủ đâu, những lúc rảnh rỗi tôi còn tranh thủ tìm tới những người có nhiều kinh nghiệm trồng hoa hồng trong vùng hay ngoài Đà Lạt để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức về hoa hồng. Nhìn thì tưởng dễ nhưng thực tế không như thế!... Nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật, cây bị nấm, sâu bệnh, còi cọc là thất thu đấy!..”, anh Thanh chia sẻ.
Tất cả các gốc hoa hồng khi vừa xuống giống đều được vợ chồng anh Thanh chọn loại hoa hồng dại. Khi cây đã trưởng thành, phát triển khỏe mạnh, vươn cành ra xa được gia đình anh Thanh cắt ngang gốc cách mặt đất khoảng 20cm sau đó dùng gốc hồng dại này để ghép với các loại hoa hồng giống mới. Sở dĩ phải làm vậy vì gốc hồng dại thường rất khỏe, rễ nhiều, cắm sâu xuống lòng đất, có sức đề kháng và chống dịch bệnh tốt, tuổi thọ của cây lại kéo dài tới hơn 10 năm.
Có công “vun cây” có ngày “hái quả”. Sau 9 tháng cực nhọc chăm sóc, ăn ngủ với trang trại hoa hồng, hàng nghìn bông hồng nhiều màu sắc mập ú cũng đã được vợ chồng anh Thanh thu hoạch trong sự thán phục của nhiều người dân địa phương, nhất là khi biết đây là lần đầu tiên vợ chồng anh đến với nghề làm hoa.
Chất lượng hoa tốt, đồng đều nên ngay lần đầu “ra mắt”, sản phẩm hoa hồng của vợ chồng anh Hoàng Xuân Thanh đã được các thương lái ở chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh tin tưởng, nhận bao tiêu sản phẩm lâu dài. Đôi vợ chồng trẻ này chọn cách gửi hoa trực tiếp xuống TP Hồ Chí Minh bán theo hình thức ký gửi.
Theo anh Thanh, với cách bán này, vợ chồng anh sẽ có lãi nhiều hơn, nhất là vào những dịp lễ, tết hay thời điểm khan hiếm hoa hồng trên thị trường, giá hoa hồng có thể lên tới 5.000 đồng/bông tại vườn. Hiện trang trại hoa hồng giống mới với đủ loại màu sắc của gia đình anh Hoàng Xuân Thanh đã bước sang năm thứ hai và đang cho những lứa hoa có chất lượng tốt nhất.
Hằng tháng, sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, đôi vợ chồng trẻ này thu về hàng chục triệu đồng tiền lãi, là niềm mơ ước của nhiều người xa hương lập nghiệp, tu chí làm ăn như vợ chồng anh Thanh.