Chuyện lạ: Doanh nghiệp sắp chia cổ tức 350% bằng tiền, lãnh đạo ồ ạt đăng ký bán sạch cổ phần
Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư "ao ước" có cổ phần để hưởng mức cổ tức "khủng" thì loạt lãnh đạo của PRC lại liên tục thoái hết vốn.
Thời điểm 31/3 khi C TCP Logistics Portserco (mã chứng khoán PRC) chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 ngày càng tới gần. Tỷ lệ chi trả lên tới 350%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu được nhận về 35.000 đồng. Dự kiến PRC sẽ chi khoảng 42 tỷ đồng để hoàn tất đợt chi trả trên, dự kiến diễn ra trong ngày 20/4.
Mức cổ tức "khủng" của doanh nghiệp này đã khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều trồi sụt khiến không ít cổ phiếu giảm sâu, nhiều người có xu hướng “săn” cổ phiếu sắp chia cổ tức cao bằng tiền, vì thế PRC vụt lên như một điểm sáng. Càng ấn tượng hơn khi trong quá khứ, công ty chưa năm nào chi trả cổ tức quá 20% kể từ khi lên sàn năm 2010.
Động thái “dốc hầu bao” lần này diễn ra sau khi công ty ghi nhận lãi ròng gần 51 tỷ đồng quý 4/2022 nhờ khoản thu nhập khác tăng đột biến từ 570 triệu đồng lên hơn 64 tỷ đồng do bán tài sản. Mức lãi này gấp 102 lần cùng kỳ và là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Lũy kế cả năm 2022, PRC ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng đột biến gấp hơn 37 lần so với cùng kỳ, đạt gần 50 tỷ đồng. Kết quả này đồng thời đưa PRC bất ngờ trở thành quán quân EPS trên sàn chứng khoán với EPS đạt 41.537 đồng sau nhiều năm kinh doanh "lẹt đẹt".
Tuy nhiên, nghịch lý lại đang diễn ra tại doanh nghiệp này sau thông tin chia cổ tức được công bố. Cụ thể ngày 23/3, ông Mai Văn Quang, Ủy viên HĐQT đã báo cáo bán ra toàn bộ 51.100 cổ phiếu PRC.
Cùng chiều, bà Âu Thị Mai Hoa, Thành viên BKS đã đăng ký bán 19.000 cổ phiếu PRC, thời gian giao dịch dự kiến từ 24/3 đến 21/4/2023. Trước đó, con gái bà Hoa là Dương Thanh Phương cũng đã đem 1.000 cổ phiếu PRC ra bán từ 15/3 đến 12/4/2023. Lý do đưa ra đều là nhằm giải quyết một số việc gia đình. Đây cũng là toàn bộ cổ phần của hai mẹ con bà Hoa tại PRC.
Chưa dừng lại, bà Mai Thị Trúc Huyền, Thành viên BKS cũng đăng ký bán "sạch" 24.800 cổ phiếu PRC cùng với mục đích giải quyết việc gia đình.
Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư "ao ước" có cổ phần để hưởng mức cổ tức "khủng" thì loạt lãnh đạo của PRC lại liên tục thoái hết vốn. Song, thống kê cho thấy lần gần nhất bà Âu Thị Mai Hoa thực hiện giao dịch là ngày 31/12/2013 khi mua vào 5.000 cổ phiếu PRC để nâng lượng sở hữu lên mức 19.000 như hiện tại. Thị giá PRC chỉ khoảng 4.700 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phần ông Mai Văn Quang vừa bán ra cũng được nắm giữ từ cuối năm 2019. Tại thời điểm này, PRC chỉ có giá khoảng 8.700 đồng/cổ phiếu.
Còn hiện tại, sau khi nổi sóng từ khoảng tháng 11 năm ngoái, PRC âm thầm tăng giá bất chấp thị trường chung có nhiều biến động không thuận lợi. Hiện, thị giá đã gấp 4 lần sau khoảng 5 tháng qua đó đạt đỉnh 73.800 đồng/cp vào ngày 21/3. Như vậy, hoạt động bán ra của các vị lãnh đạo trên có thể coi là "chốt lời" khi giá trị khoản đầu tư đã cao gấp từ 8-15 lần sau nhiều năm nắm giữ.
Ở khía cạnh khác, cần lưu ý rằng, ngoại trừ ông Quang đã bán xong cổ phần, nếu ba cá nhân còn lại bán ra sau ngày 31/3, ước tính vẫn sẽ có thể được nhận thêm gần 1,6 tỷ đồng tiền cổ tức trước khi "chốt lời".
Nhịp Sống Thị Trường