MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện lạ: Hãng hàng không quốc gia Italia vừa tuyên bố phá sản do không thể cạnh tranh với... đường sắt

16-10-2021 - 10:16 AM | Tài chính quốc tế

Chuyện lạ: Hãng hàng không quốc gia Italia vừa tuyên bố phá sản do không thể cạnh tranh với... đường sắt

Hãng hàng không quốc gia Italia vừa phá sản nhưng lý do khiến nhiều người bất ngờ: Họ không thể cạnh tranh với... đường sắt.

Cách đây hơn 10 năm khi anh Francesco Galietti phải di chuyển từ thủ đô Rome-Italy đến Milan thì chắc chắn anh sẽ phải dùng máy bay. Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác khi tàu cao tốc mới là lựa chọn hợp lý nhất.

Câu chuyện của anh Galietti, vốn là CEO của hãng tư vấn Policy Sonar chỉ là một trong số vô vàn trường hợp tại Italy ngày nay khi hệ thống tàu cao tốc đang ảnh hưởng lớn đến ngành hàng không. Số liệu của Tổng công ty quốc doanh đường sắt Ferrovie dello Stato cho thấy tổng số hành khách đi tàu cao tốc từ Rome đến Milan đã tăng gần 4 lần trong 10 năm, từ 1 triệu người năm 2008 lên 3,6 triệu khách năm 2018.

Hiện 2/3 số người di chuyển thường xuyên giữa 2 thành phố này dùng tàu cao tốc và con số này vô cùng ấn tượng bởi hệ thống này mới đi vào hoạt động từ năm 2008.

Cái chết của Alitalia

Nếu dùng tàu cao tốc, hành khách chỉ mất 2 tiếng 59 phút đi từ Rome đến Milan. Sân ga thì ngay trung tâm thành phố chứ không xa xôi vùng ngoại ô như sân bay, hành khách cũng chẳng cần phải đến sớm check-in hay làm thủ tục như đi máy bay mà họ chỉ cần có mặt mua vé trước khi ga tàu đóng cửa.

Để so sánh, người dân dù chỉ tốn nửa tiếng bay từ Rome đến Milan nhưng họ sẽ phải check-in sớm 90 phút tại sân bay, đợi tầm 1 tiếng để làm thủ tục hành lý cũng như chờ máy bay sẵn sàng rồi mới cất cánh được, đó là chưa kể đến thời gian lấy đồ khi đã đến Milan. Tiếp đó, do sân bay ở Milan ở vùng ngoại ô nên họ sẽ phải lái xe tiếp 20 phút để vào thành phố.

Với những lý do trên, không quá khó hiểu khi hãng hàng không lớn nhất Italy tuyên bố đóng cửa vào ngày 15/10/2021.

"Alitalia cứ như một con chim bị bó cánh ngay từ đầu vậy. Mang tiếng là hãng hàng không quốc tế nhưng họ lại tập trung quá nhiều vào thị trường nội địa", anh Galietti nói.

Tất nhiên, Italy là một quốc gia với vô số những danh lam thắng cảnh và khu du lịch đẹp khiến vô số người muốn trải nghiệm dọc miền đất nước. Thế nhưng việc bay liên tục chỉ quen thuộc với những du khách như người Mỹ, nơi họ thường xuyên du lịch, nhưng lại chẳng hợp lý với người dân địa phương.

Theo anh Galietti, việc Alitalia tập trung quá nhiều vào thị trường nội địa khiến họ khó lòng cạnh tranh được với những hãng hàng không giá rẻ cũng như hệ thống tàu cao tốc đang ngày một thịnh hành. Việc các sân bay cách trung tâm thành phố đến cả chục km khiến tàu cao tốc có lợi thế vô cùng lớn trước các hãng hàng không Italy hiện nay.

Chuyện lạ: Hãng hàng không quốc gia Italia vừa tuyên bố phá sản do không thể cạnh tranh với... đường sắt - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: CNN

Đồng quan điểm, chị Cristina Taylor đến từ Anh cũng cho biết bắt tàu cao tốc tại Italy dễ dàng hơn cho việc du lịch.

"Bạn đến và đi từ trung tâm thành phố với tàu cao tốc, trong khi chẳng có sân bay nào có vị trí như thế cả. Thêm nữa, dịch vụ vận tải bằng tàu cao tốc đã ngày càng tốt hơn trong những năm qua về vấn đề phục vụ du khách nước ngoài. Tôi cho tàu cao tốc đem lại lợi ích hơn khi chúng tiết kiệm được thời gian lẫn tiền bạc cho bạn", cô Taylor cho biết.

Tương lai không ngờ tới

Trước đây, không ai nghĩ rằng hệ thống đường sắt có thể khiến một hãng hàng không quốc gia đóng cửa bởi các chuyến tàu tại Italy thời kỳ đó thường chậm, hay trễ giờ và cũ kỹ.

Thế nhưng cuộc cách mạng tàu cao tốc đã làm thay đổi tất cả. Hiện Italy là quốc gia duy nhất trên thế giới có 2 công ty đồng thời vận hành tàu cao tốc là Trenitalia của nhà nước và Nuovo Trasporto Viaggiatori của tư nhân. Đây cũng là nước đầu tiên trên thế giới cho ra mắt tàu cao tốc chở hàng.

Giá vé đi tàu cũng khá mềm khi chúng được chính phủ trợ giá. CEO Galietti cho biết nếu so sánh, giá vé đi tàu tại Italy chẳng hề đắt so với Pháp, Đức hay Thụy Sĩ.

Một điểm mạnh nữa là du khách có trải nghiệm hoàn toàn khác khi đi tàu cao tốc so với máy bay khi có thể ngắm cảnh, điều mà những chuyến bay khó làm được. Việc chen chúc hay vội vàng kiếm chỗ ngồi cũng không diễn ra khi hành khách được phép lựa chọn ghế khi mua vé.

Ngoài ra, du khách có thể đi lại trên tàu cao tốc hoặc tận hưởng chuyến đi mà không cần ngồi im một chỗ. Những lo lắng về độ an toàn như khi đi máy bay là không hề có với tàu cao tốc. Với việc sử dụng được di động hay wifi, hành khách có thể tự do làm việc hay giải trí tùy ý muốn.

Chuyện lạ: Hãng hàng không quốc gia Italia vừa tuyên bố phá sản do không thể cạnh tranh với... đường sắt - Ảnh 2.

Những nhà ga tàu cao tốc xịn không kém các sân bay ở Italy. Nguồn ảnh: CNN

Trong một báo cáo năm 2019 của Trenitalia, số tàu cao tốc của hãng tại Italy đã tăng gấp đôi tính trong khoảng thời gian 10 năm đầu kể từ khi ra mắt. Tổng số hành khách sử dụng phương tiện này cũng tăng từ 6,5 triệu người năm 2008 lên 40 triệu khách vào năm 2018, đó là chưa kể đến số liệu của doanh nghiệp tư nhân đối thủ Nuovo.

Trái lại, thống kê mới nhất vào năm 2018 cho thấy thị phần ngành hàng không lại giảm gần 7% trong khoảng 3 năm tính đến 2018, chỉ còn khoảng 19,5% so với các kênh giao thông khác tại Italy.

Cuộc cách mạng đường sắt Italy cũng tác động đến những ngành khác. Trong khi giá bất động sản ở Milan giảm 20,5% từ năm 2008 đến 2018, giá văn phòng xung quanh các ga tàu cao tốc Rogoredo và Porta Garibaldi tăng khoảng 10%.

Số lượng khách du lịch đi tàu tăng vọt từ 1,8 triệu trong năm 2008 lên 7,3 triệu năm 2018. Rome đến Florence và Venice là những tuyến du lịch bằng tàu phổ biến nhất, dù từng là những tuyến bay chính của Alitalia.

Alitalia là hãng hàng không lớn nhất Italy với 75 năm hoạt động trong ngành. Được thành lập từ năm 1946, Alitalia là kết quả hợp tác giữa chính phủ Italy với hãng hàng không British European Airways theo tỷ lệ 60-40.

Tính đến năm 2018, Alitalia là hãng hàng không lớn thứ 12 tại Châu Âu với 34 đường bay nội địa và có thoả thuận hợp tác với 42 hãng hàng không khắp thế giới.

Tuy nhiên, Alitalia bắt đầu không có lợi nhuận từ năm 2017 và đến tháng 3/2020 thì bị chính phủ Italy tiếp quản lại hoàn toàn. Đến tháng 8/2021, Alitalia buộc phải tuyên bố đóng cửa vào ngày 15/10/2021 sau quãng thời gian dài lỡ hẹn trả nợ và mất khả năng thanh toán.

Tất cả những vé máy bay được mua sau ngày 15/10 sẽ được hoàn tiền nếu hành khách yêu cầu. Bản thân Alitalia được tái cơ cấu thành hãng hàng không quốc gia Italia Transporto Aereo (ITA) và tiếp quản lại toàn bộ tài sản cũng như dịch vụ cũ. Chuyến bay đầu tiên của ITA dự kiến sẽ được khởi hành từ ngày 15/10/2021, đúng vào thời điểm Alitalia đóng cửa.

*Nguồn: CNN

Theo Huyền Băng

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên