Chuyện lạ ở Thụy Điển: Người dân cố tình nộp thừa thuế cho chính phủ để hưởng lãi
Nhà chức trách Thụy Điển vừa đưa ra lời phàn nàn khó tưởng tượng về việc người dân nộp thuế quá nhiều, bắt nguồn từ việc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển hạ mức lãi suất xuống dưới 0% từ 2 năm trước.
- 03-01-2017FIKA - Công thức bí mật để người Thụy Điển không bị stress trong công việc
- 06-06-2016Ở Thụy Điển, mua 1 cái kẹo cũng dùng thẻ ngân hàng hoặc thanh toán qua điện thoại
- 16-03-2016Đây là cách người Thụy Điển kiếm tiền trong thời lãi suất thấp
- 10-01-2016Đằng sau câu chuyện "ngày làm 6 tiếng" của Thụy Điển
Mức lãi suất âm khiến doanh nghiệp và cá nhân đua nhau nộp tiền cho nhà nước vì mức lợi nhuận lớn mà các khoản tiền này tạo ra thay vì gửi ở các ngân hàng vì lãi suất dưới 0%. Theo dữ liệu được công bố ngày 22/2, chính phủ Thụy Điển có thặng dư ngân sách 85 tỷ SKr, tương đương 9,5 tỷ USD vào năm 2016. Tuy nhiên, gần một nửa trong số này, tương đương 4,3 tỷ USD, tới từ tiền thuế trả dư. Kéo theo đó, chính phủ sẽ phải trả thêm tiền lãi cho số tiền 4,3 tỷ USD này.
Việc người dân và doanh nghiệp nộp thừa thuế là hậu quả nằm ngoài sự tính toán khi Ngân hàng Trung ương Thụy Điển nỗ lực ngăn chặn lạm phát kinh tế địa phương thông qua việc hạ lãi suất xuống dưới 0% từ 2 năm trước.
Hiện tại, chính phủ muốn khuyến khích người dân và doanh nghiệp gia tăng các khoản thuế trả dư nhưng Văn phòng nợ Quốc gia đã phát đi cảnh báo rằng họ không thể quản lý được những khoản tiền thuế trả thừa. Marten Bjellerup, người đứng văn phòng dự báo nợ quốc gia Thụy Điển, cho biết: “Chúng tôi chẳng thể làm thêm điều gì. Nó đơn giản chỉ là hệ quả của chính sách lãi suất hiện hành”.
Chính sách về lãi suất là nguyên nhân khiến người dân và doanh nghiệp Thụy Điển để tiền thừa trong các tài khoản thuế.
Trong khi lãi suất ngân hàng giảm mạnh, quy định về thuế của Thụy Điển cho phép người dân để dư tiền trong tài khoản nộp thuế và được hưởng mức lãi suất tối thiểu là 0,56%/năm. Chính vì thế, nhiều cá nhân và doanh nghiệp sử dụng chính tài khoản thuế để cất giữ tiền tạm thời, động thái không chỉ giúp họ bảo toàn giá trị mà còn hưởng thêm lãi.
Hầu hết các chính phủ sẽ hài lòng với thặng dư ngân sách hàng năm cao gấp đôi so với dự báo. Tuy nhiên, Stockholm lại đang phàn nàn về những khoản vay “không tự nguyện” này. Nó cũng khiến chính phủ chịu nhiều thiệt hại hơn nếu so với việc huy động tiền từ người dân thông qua ngân hàng, theo đúng giá thị trường.
Olle Holmgren, chuyên gia về chiến lược trong lĩnh vực ngân hàng, nhận định, số tiền phải thanh toán rất lớn nhưng không thể đoán trước “là vấn đề với văn phòng nợ”. Theo Holmgren, chính việc không biết tiền sẽ nằm trong tài khoản bao lâu tạo ra sự không chắc chắn trong vấn đề nguồn tiền, từ đó tác động tới sự không chắc chắn của ngân sách.
Trước tình hình này, Chính phủ Thụy Điển đã loại bỏ việc trả lãi cho tiền dư trong các tài khoản trả thuế. Tuy nhiên, văn phòng nợ công vẫn cảnh báo rằng, ngay cả lãi suất 0% vẫn sẽ là sự hấp dẫn cho các doanh nghiệp bởi nguy cơ cắt giảm lãi suất với các khoản tiền được gửi trong các nhà băng, vốn đã ở mức dưới 0% từ 2 năm trước.