Chuyện lạ: Tem phiếu chỉ có thời bao cấp ở Việt Nam nhưng ngày nay vẫn được dùng nhan nhản tại Mỹ
Sổ gạo, tem phiếu, giấy chuyển lương thực... là những thứ vô cùng quan trọng trong các gia đình Việt Nam thời bao cấp. Chuyện lạ là ngày nay loại hình trợ cấp này vẫn được sử dụng ngay tại quốc gia như Mỹ.
Đối với nhiều nước trên thế giới, tem phiếu trợ cấp là một thứ khá quen thuộc với nhiều người, nhất là với những người thuộc tầng lớp lao động. Tuy nhiên, không chỉ có những quốc gia đang phát triển mà nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ cũng đang sử dụng hệ thống tem phiếu để trợ cấp cho người nghèo.
Năm 2017, các nhà bán lẻ Mỹ đang vô cùng lo lắng khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang kêu gọi cắt giảm 191 tỷ USD ngân sách cho chương trình tem phiếu (SNAP) trong khoảng 2018-2028. Hiện mức tem phiếu hỗ trợ bình quân tại Mỹ là khoảng 252 USD/tháng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua sau nhiều lần cắt giảm từ năm 2013.
May mắn là dự thảo của Tổng thống Trump không được thông qua, bởi nếu không hỗ trợ tem phiếu cho người dân sẽ giảm 31% xuống chỉ còn 173 USD/tháng.
Số liệu của hãng tư vấn Alix Partners cho thấy ngành bán lẻ mỹ sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu bản dự thảo này được thông qua với khoảng 70,7 tỷ USD thất thu trong vòng 10 năm tới. Cụ thể, với mỗi USD cắt giảm cho chương trình tem phiếu, ngành bán lẻ nước này sẽ mất khoảng 37 cent doanh số.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hệ thống siêu thị và bán lẻ chiếm tới 81% chi tiêu của chương trình SNAP và việc Tổng thống Trump cắt giảm ngân sách cho khoản này đang khiến hàng loạt những hãng bán lẻ như Walmart, Target, Kroger… đang phải đứng ngồi không yên.
Vậy SNAP là gì và tại sao nó lại ảnh hưởng sâu rộng trong nền kinh tế Mỹ như vậy?
Số trường hợp tham gia chương trình tem phiếu SNAP bắt đầu giảm những năm gần đây (triệu trường hợp)
Di sản của cuộc Đại suy thoái
Chương trình tem phiếu của Mỹ là một trong những hệ thống quan trọng của đất nước nhằm chống lại tình trạng đói nghèo trên toàn quốc. Chương trình này hỗ trợ những người có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập tại Mỹ vẫn có đủ thực phẩm tối thiểu để tồn tại. Bộ Nông nghiệp Mỹ là cơ quan điều hành chương trình này và ngân sách được phân bổ riêng biệt tới từng bang khác nhau.
Năm 2016, chương trình SNAP đã chi tới 70,9 tỷ USD nhằm cứu trợ cho 44,2 triệu người nghèo Mỹ, với bình quân 125,51 USD/người/tháng. Khoảng 70% số người nhận trợ cấp là những gia đình có trẻ em và 25% là những hộ có người tàn tật.
Hệ thống tem phiếu này tại Mỹ ngày càng được hỗ trợ nhiều ngân sách từ cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930 cho đến năm 2013 và bị Cựu Tổng thống Barack Obama cắt giảm dần ngân sách do nền kinh tế đã dần hồi phục.
Thông thường, chương trình SNAP sẽ dựa trên kích thước hộ gia đình, mức chi tiêu, thu nhập của các hộ để định mức trợ cấp. Hệ thống này bao gồm 3 loại tem phiếu cơ bản là Nâu (1 USD), Xanh lam (5 USD) và Xanh lá cây (10 USD). Những loại tem phiếu này có thể sử dụng để mua hàng như tiền mặt nhưng chỉ dùng được 1 lần và không thể tái lưu thông thay tiền.
Với những tem phiếu này, người nghèo Mỹ có thể mua hàng tại 261.000 cửa hàng khác nhau trên toàn quốc và chỉ những công ty được cấp phép mới tham gia được ngành kinh doanh này.
Bởi những tem phiếu này được dùng cho giao dịch mua bán nên chúng được sử dụng những nguyên liệu in không khác gì các đồng USD. Tuy nhiên, việc tốn quá nhiều chi phí để in những chiếc tem phiếu này đã khiến chính phủ quyết định sử dụng hệ thống thẻ EBT vào cuối thập niên 1990. Những khoản trợ cấp sẽ được chuyển khoản thẳng vào thẻ EBT để người nghèo sử dụng khi mua hàng.
Với những hộ gia đình có 3 người, 1 lao động với mức lương toàn thời gian 10 USD/giờ, SNAP giúp thu nhập của họ tăng 14-20%
Lịch sử của chiếc tem phiếu phải lật lại từ cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930 khi lạm phát tăng cao khiến người dân không đủ tiền mua thực phẩm trong khi các hãng sản xuất không chịu hạ giá bởi họ không muốn chịu lỗ.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp Mỹ quyết định phân phát tem phiếu trợ cấp cho người nghèo nhằm hỗ trợ tầng lớp bần cùng trong xã hội. Trong khoảng 4 năm từ 1939-1943, chính phủ Mỹ đã giúp đỡ khoảng 20 triệu người nghèo với tổng chi phí 262 triệu USD.
Dẫu vậy, tình hình kinh tế xấu đi với tỷ lệ thất nghiệp dâng cao, thâm hụt ngân sách nặng đã khiến chương trình này buộc phải chấm dứt vào năm 1943. Phải đến tận năm 1961, hệ thống tem phiếu mới được các nhà hoạch định chính sách xem xét lại và chính thức đưa vào hoạt động vào năm 1964. Trong năm đó, khoảng 75 triệu USD đã được chi để trợ cấp cho khoảng 350.000 người trên khắp nước Mỹ.
Đặc biệt vào năm 1964, Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson kêu gọi thực hiện “Cuộc chiến chống đói nghèo” với hàng loạt các chính sách, bao gồm thúc đẩy chương trình tem phiếu cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến SNAP quay trở lại với nước Mỹ.
Ngay lập tức, số người xin nhận trợ cấp tại Mỹ liên tục tăng từ nửa triệu người năm 1965 đến 15 triệu người vào năm 1974. Dẫu vậy tại thời điểm này, việc ngân sách phải chi một lượng lớn tiền cho những người nghèo khiến nhiều chính trị gia đặt câu hỏi về hiệu quả sử dụng.
Rất nhiều trường hợp tham nhũng, lừa đảo, giao dịch tem phiếu chui đã được thực hiện trong thời kỳ này. Thêm vào đó, nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định nhưng vẫn làm đơn nhận trợ cấp để chi tiêu cho các mặt hàng không phải nhu yếu phẩm, hoặc trở nên lệ thuộc vào trợ cấp thay vì tự vận động để thoát nghèo đã khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả của SNAP.
Hệ quả là hàng loạt những văn bản quy định mới ra đời trong thập niên 1970 nhằm hạn chế những người nhận trợ cấp, như không thể dùng tem phiếu mua rượu bia, thuốc lá hoặc những người thu nhập thấp chỉ được nhận hỗ trợ 30% số thu nhập. Mỗi 6-12 tháng, các gia đình nằm trong chương trình sẽ phải làm đơn xin lại và bị kiểm tra xem có còn thuộc diện cần trợ cấp hay không.
Những năm sau đó, chương trình SNAP được sửa đổi nhiều lần với các thời kỳ cắt giảm hay tăng cường ngân sách khác nhau.
Đến năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế đã buộc chính phủ Mỹ phải gia tăng SNAP nhằm trợ cấp cho bộ phận lớn người thất nghiệp. Trong năm đó, Mỹ đã phải chi 45,2 tỷ USD để trợ cấp cho người nghèo, thất nghiệp và thu nhập thấp.
Chương trình này không chỉ đơn giản là hỗ trợ nghèo đói mà còn tác động rộng lớn đến nền kinh tế. Những khoản tiền trợ cấp sẽ được sử dụng trên thị trường tiêu dùng, qua đó kích thích sản xuất đầu tư, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Từ trợ cấp đói nghèo đến kích thích kinh tế
Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ điều hành khá nhiều chương trình chống đói nghèo và trợ cấp cho người thu nhập thấp nhưng SNAP nổi tiếng nhất bởi những quy định của chương trình này rộng rãi hơn. Ví dụ, những hộ gia đình có sở hữu xe hơi vẫn có thể nhận được trợ cấp từ SNAP nếu chứng minh được có khó khăn trong thu nhập như có người tàn tật, tìm việc làm khó khăn…
Để có thể nộp đơn cho chương trình SNAP, hộ gia đình phải đạt được 3 tiêu chí tối thiểu. Đầu tiên, họ phải có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 130% tiêu chuẩn nghèo đói, tương đương 2.177 USD/tháng trở xuống. Đây là tiêu chuẩn thu nhập của 1 hộ gia đình 3 người bình thường cho năm 2016, những hộ có người tàn tật, người già thì không cần tiêu chuẩn trên.
Tiếp đó, các hộ gia đình này phải có thu nhập sau khi trừ những khoản chi tiêu lớn như tiền nhà trả góp hay học phí, tiền chăm sóc trẻ em… dưới mức chuẩn nghèo, tương đương 1.675 USD/tháng trở xuống.
Ngoài ra, tổng số tài sản hay tiền tiết kiệm của những hộ gia đình này phải dưới mức tiêu chuẩn 2.250 USD cho gia đình thường và 3.250 USD cho hộ có người già, người tàn tật.
Ngoài ra, những lao động thất nghiệp chưa lập gia đình chỉ được nhận trợ cấp tối đa 3 tháng, trừ khi họ đang làm việc bán thời gian ít nhất 20 tiếng mỗi tuần hoặc có được các chứng chỉ nghề, bằng cấp. Quy định này nhằm tránh tình trạng ăn bám của bộ phận lao động vào trợ cấp, thay vào đó hỗ trợ những người thực sự tìm việc làm nhưng chưa có hợp đồng dài hạn.
Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008, chương trình tem phiếu Mỹ đã có hỗ trợ rất lớn đến thị trường. Các nghiên cứu cho thấy cứ mỗi 1 USD chi tiêu của SNAP sẽ khiến nền kinh tế có thêm 1,73 USD. Thậm chí tại California, mỗi USD chi tiêu của chương trình tem phiếu khiến kinh tế nơi đêm có thêm 8,34 USD. Chính phủ Mỹ cũng phải công nhận SNAP khi đó là 1 trong 2 chương trình hỗ trợ hiệu quả nhất đến thúc đẩy kinh tế và việc làm khi đó.
Mặc dù vậy, sự hồi phục của kinh tế Mỹ khiến số người tham gia chương trình tem phiếu tại đây đang giảm. Năm 2016, khoảng 44,2 triệu người nhận trợ cấp, thấp hơn mức 45,8 triệu người năm 2015 và mức đỉnh 47,6 triệu người năm 2013.
Chi tiêu cho chương trình SNAP cũng tăng dần từ 28,6 tỷ USD năm 2005 lên 76,1 tỷ USD năm 2013 rồi giảm xuống 70,9 tỷ USD năm 2016. Khoảng 93% số tiền trợ cấp này được các hộ gia đình chi tiêu cho thực phẩm.
Báo cáo của CBPP cho thấy chương trình SNAP tương đương với khoản kích thích kinh tế trị giá 40 tỷ USD trong khoảng 2007-2011.
Tuy nhiên, sự hồi phục kinh tế khiến tỷ lệ chi tiêu nhờ SNAP trong tổng GDP đã giảm 11% trong năm 2014 và 4% trong năm 2015. Chính quyền Washington dự đoán chi tiêu của SNAP theo phần trăm GDP vào năm 2020 sẽ giảm xuống mức năm 1995.
Nghiên cứu của CBPP cho thấy SNAP đã giúp 10,3 triệu người Mỹ thoát nghèo vào năm 2012, bao gồm 4,9 triệu trẻ em, mức cao nhất so với các chương trình hỗ trợ khác. Thêm vào đó, SNAP đang dịch chuyển dần khi trợ cấp ngày càng nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm thúc đẩy tiêu dùng, việc làm và kinh tế.
Số liệu cho thấy số hộ gia đình thu nhập thấp của SNAP đã tăng từ 2 triệu năm 2000 lên 7 triệu năm 2014. Ngoài ra, đây cũng là chương trình hỗ trợ người nghèo có tỷ lệ mắc sai lầm như trả quá nhiều hay quá thấp thuộc hàng ít nhất trong số các hệ thống trợ cấp của Mỹ.
Nhịp Sống Kinh Tế