Chuyện làm CEO ở tuổi 28: Nguyễn Vũ Linh - giám đốc Ivy Moda và quyết định khai tử "đứa con tinh thần"
Vào năm 2021, Linh - 26 tuổi - gây ra cơn dư chấn “nho nhỏ” đầu tiên trong thị trường thời trang Việt Nam với việc được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc khối kinh doanh bán lẻ toàn quốc của Ivy Moda.
- 14-07-2023Con trai CEO 33 tuổi đi làm quần quật 16 tiếng/ngày, mở nhà hàng tự kinh doanh: Dù có bố là tổng thống cũng phải tự phấn đấu mà thôi!
- 10-07-2023Hé lộ thu nhập ngất ngưởng của 10 CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ
- 07-07-2023Nữ CEO 8x sau 3 năm chọn cách sống xanh: “Không cần nhiều tiền bạc, nhà cửa vẫn có cuộc sống chất lượng cao”
Việc những người trẻ 9X ngồi vào các vị trí cốt cán tại các tập đoàn lớn hiện nay không còn là điều gì quá mới mẻ nữa. Tuy nhiên, với Linh Nguyễn, câu chuyện làm CEO IVY Moda của cậu là một trường hợp hay hay lạ lạ. Nguyễn Vũ Linh là con trai cả của ông Nguyễn Vũ Anh - nhà sáng lập thương hiệu thời trang IVY Moda. Linh sinh năm 1995 - 9X đời giữa - một độ tuổi không hẳn quá non nớt nhưng để ngồi vào vị trí CEO quản trị một doanh nghiệp lớn đã có tiếng tăm trên thị trường như IVY Moda thì chắc hẳn vẫn còn cần thêm thời gian và nhiều yếu tố khác để đánh giá.
Linh gợi nhớ nhiều về Alexandre Arnault (cậu ba gia tộc Arnault) được chỉ định ngồi vào vị trí CEO của Rimowa vào năm 24 tuổi: "Cảm giác khi ấy giống như việc bị ném vào một cái bể, không biết bơi và phải cố gắng vẫy vùng tự tìm cách sinh tồn". Linh có cách vẫy vùng, sinh tồn của riêng cậu. Đó là những quyết định sắc bén như khai tử dòng sản thời trang dành cho nam của IVY Moda, thành lập một thương hiệu Metagent hoàn toàn mới để phục vụ phân khúc khách hàng mà Linh theo đuổi, tổ chức các hoạt động mới mẻ dành cho IVY Moda,... Những quyết định không chỉ phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp mà cậu tiếp quản từ cha mình mà còn những cột mốc quyết định tạo nên vị thế của một CEO Nguyễn Vũ Linh.
Học cách chấp nhận làm những điều có thể bản thân mình không thích lúc đầu
Được biết, Linh rất thích avant-garde, darkwear. Tại sao Linh không lựa chọn làm điều mình thích mà lại quyết định trở về IVY Moda?
- Mình luôn tách biệt điều mình thích và việc mình cần làm. Trước đây, mình rất cực đoan trong việc chấp nhận những góc nhìn của người khác, có lẽ lúc đó mình còn hơi ích kỷ. Mình luôn thấy mình hơn người khác vì những điều mình từng được trải nghiệm, những gì mình thích có vẻ hay ho hơn mặt bằng thị trường chung khi mình trở về Việt Nam. Đúng là mình đam mê avant-garde thật nhưng đó cũng chỉ là điều mình thích thôi, chưa chắc đã phù hợp với thị hiếu và thị trường tại đây. Sau này về nước, va chạm nhiều hơn trong công việc, có nhiều trải nghiệm hơn mình thấy những suy nghĩ trước đây của mình thực sự rất ngốc. Và mình cũng nhận ra rằng mỗi thị trường, mỗi cá nhân sẽ có những nhu cầu khác nhau.
Có thể những sản phẩm tại IVY Moda và Metagent không phải là những điều mình thích nhưng đó lại là những thứ mang tới giá trị cụ thể cho xã hội, phù hợp với thị hiếu tại Việt Nam. Với IVY Moda và Metagent, mình học cách chấp nhận làm những điều có thể bản thân mình không thích lúc đầu. Nhưng khi nhìn thấy giá trị thực tế mà các sản phẩm của hai thương hiệu này mang lại cho khách hàng, thấy được cảm xúc vui vẻ của họ khi mua hàng; mình hiểu rằng đây là công việc có ý nghĩa, mình toàn tâm toàn ý cho nó.
Theo mình được biết, cấu trúc đồ cho nam giới khác hoàn toàn cấu trúc đồ nữ. Mà bản chất IVY Moda lại là thương hiệu làm đồ cho nữ giới. Vậy, để thành lập Metagent, bạn có gặp khó khăn trong việc giao tiếp và làm việc cùng nhà thiết kế, team sản xuất để thực hiện được các sản phẩm chỉn chu dành cho nam giới không?
- Mình đứng trên phương diện khách hàng và xem xem khi mình mặc sản phẩm có vấn đề gì thì sẽ đưa vấn đề đó lên bàn tranh cãi với đội ngũ sản xuất. Mình là người rất khó tính trong ăn mặc nên mình nghĩ nếu mình thấy những thứ chưa phù hợp, chưa thực sự ổn trong sản phẩm thì khách hàng của mình cũng có thể thấy những điều đó. Ví dụ: việc cho điện thoại vào túi quần mà dễ bị rơi là một thứ cực kì khó chịu.
Có lẽ phụ nữ hay cho điện thoại vào túi xách thì sẽ không để ý mấy tới điều này, nhưng cánh đàn ông bọn mình thì lại hay cho điện thoại vào thẳng túi quần. Mình hay mặc sản phẩm từ 1 - 2 ngày xem có vấn đề gì không, tự mình đặt ra câu hỏi xem món đồ này có dễ mix và match không, có đúng định hướng thương hiệu không… Từ đó mình mới ngồi lại với các bạn và nói rằng mẫu này không ổn ở đâu, có phương án sửa như thế nào.
Mình đóng vai trò khách hàng để nói chuyện với đội ngũ của mình, đảm bảo sự cân bằng giữa chuyện đẹp, tiện dụng lại vừa có thể phù hợp với nhiều hoàn cảnh khách hàng. Nếu mình chỉ bán được một cái quần mặc đẹp khi đứng mà lại tệ khi ngồi thì mình đang không làm đúng với tinh thần thương hiệu rồi.
Việc tham gia trực tiếp vào khâu định hình sản phẩm như vậy tốn khá nhiều thời gian đấy. Vừa điều hành hai thương hiệu chuỗi lại vừa đưa ra các quyết định, cũng lại can thiệp vào quá trình hoàn thiện sản phẩm, bạn ổn chứ?
- Lúc đầu mệt chứ, sau thì mình quen hơn, chia nhỏ việc ra, việc nào làm vào lúc nào cho hiệu quả nhất. Có những thứ bất chợt xảy ra (như hôm trước mình phải lùi phỏng vấn lại) thì mình cũng cho đó là điều bình thường rồi, nhất là với thế hệ này. Không phải lúc nào mình cũng tươi cười vui vẻ, nhưng mình tin rằng nếu làm việc với tinh thần tích cực thì sẽ luôn có cách giải quyết. Mình hay có tâm thế: cái gì không trôi thì đi ngủ đã, mai tính tiếp. Không phải cái gì trong một ngày cũng đã giải quyết xong xuôi.
CEO Nguyễn Vũ Linh nhận giải thưởng BUSINESSMAN OF THE YEAR
Có nhiều quyết định sai, có nhiều thứ lại phải chờ thời gian trả lời xem làm thế liệu có đúng. Chắc chắn là mình từng hối hận về nhiều quyết định của mình rồi. Nhưng mình nghĩ thà quyết định sai còn hơn không có quyết định gì cả. Không quyết định thì tức là bạn không thay đổi được điều gì cả. Còn có quyết định sai thì chí ít bạn cũng biết là bạn chưa sai và nhận lấy nó như một bài học. Hơn nữa, kể cả có những quyết định giờ nghĩ lại thấy không đúng lắm thì ở vào thời điểm đó, quyết định ấy cũng là lựa chọn mình đã cân nhắc, thấy tốt nhất rồi mới làm.
Một tinh thần rất khởi nghiệp! Nói về IVY Moda thêm nhé - di sản mà Linh được kế thừa và có trách nhiệm phát triển. Bạn đã làm IVY Moda từ hơn 1 thập kỷ trước. Điều này có đúng không?
- Mình bắt đầu đi làm thêm ở IVY Moda từ mùa hè 2009 (khi vào lớp 9). Mình bắt đầu từ những việc như gấp quần áo, thu ngân, bán hàng, kho… Rồi sau đấy khi lên ĐH, mỗi mùa hè về Việt Nam mình lại được làm ở những phòng ban khác nhau. Cho đến khi mình tốt nghiệp vào năm 2018, mình bắt đầu làm toàn thời gian tại IVY Moda với vị trí Cửa hàng trưởng. Dù làm ở IVY Moda lâu nhưng phải đến khi mình tốt nghiệp năm 2018 rồi về Việt Nam và làm ở đây thì mình mới hiểu về thương hiệu, trước đó thì mình thực sự chưa có cái nhìn tổng quát về thị trường Việt Nam. Mỗi mùa hè về Việt Nam thì mình lại làm ở những phòng khác nhau các vị trí khác nhau: phòng marketing, chạy việc phòng sale cũng có, đi xuống cửa hàng, đi xuống nhà máy.
Trước kia là trách nhiệm, bây giờ là đam mê
Câu hỏi này mình không dành cho Linh Nguyễn - CEO của IVY Moda. Câu hỏi này mình dành cho Linh Nguyễn - một người có nền tảng giáo dục thời trang vững chắc và có trải nghiệm sống cùng thời trang đặc sắc. Bạn thích, ghét hay là yêu IVY Moda, trả lời thật lòng nhé?
- Hồi mình mới về Việt Nam thì IVY Moda là trách nhiệm, thực sự là trách nhiệm. Mình hiểu rằng mình là con cả trong gia đình, mình không làm thì không ai làm cả. Nhưng càng làm thì nó lại càng sinh tình cảm, thế mới kỳ lạ chứ. Đến thời điểm này, mình nghĩ rằng mình đang đặt thương hiệu lên trên cả mình. Những thứ mình quyết định, mình sẽ nghĩ tới thương hiệu đầu tiên. IVY Moda bắt đầu từ 1 cửa hàng bé tí ở Bà Triệu, sau 18 năm phát triển đã trở thành chuỗi gần 100 cửa hàng.
Nếu mọi người nhìn nhận "Đây là 1 thứ rất hoàn hảo, không phải sửa chữa" thì sẽ rất buồn chán, trách nhiệm đúng là trách nhiệm. Nhưng nếu nhìn nhận rằng đây là cơ hội, cả thương hiệu IVY Moda và doanh nghiệp IVY Moda còn nhiều đất để phát triển vượt trội hơn nữa; thì mình lại thấy hào hứng vì còn nhiều thứ cho mình phải xắn tay vào làm.
Vậy từ lúc tiếp quản IVY Moda đến giờ, một người chú trọng về data như Linh thì số thu về từ IVY Moda trong thời gian Linh tiếp quản đã đi đúng với mong muốn của Linh chưa?
- Mình phải đặt ra từng cột mốc nhỏ, từng mục tiêu rất nhỏ cho các bạn team sale. Bản chất của việc đặt ra những mục tiêu nhỏ này giúp các bạn sale từng bước từng bước đạt được kết quả, có vậy họ mới có động lực đi tiếp. Bản thân mình thì nhìn nhận những con số bọn mình thu về được đang khá tích cực, bọn mình đang đi một con đường đúng. Và những con số thu về hiện nay về sự thay đổi hành vi mua sắm cũng như trung bình đơn của khách khi tới IVY Moda là những nhân tố giúp mình tích cực tin vào những gì bọn mình đang làm.
Quyết định khai tử dòng thời trang nam của IVY Moda rồi lập ra một Metagent độc lập
Linh đã có một quyết định táo bạo: Đó là khai tử dòng thời trang menswear của IVY Moda rồi lập ra thương hiệu Metagent.
- Metagent là một dự án tách biệt hoàn toàn với IVY Men trước kia. Đến một thời điểm, IVY Men không tăng trưởng được thêm bởi trong tâm trí khách hàng IVY Moda luôn gắn liền với thời trang nữ, cụ thể hơn là dòng thời trang công sở dành cho nữ. Để đi từ "thời trang công sở" đến "thời trang" thôi đã là một câu chuyện dài với IVY Moda trong những năm qua. Vậy nên việc biến IVY Moda trở thành một thương hiệu thời trang cho cả nam nữa còn khó hơn rất nhiều. Chính vì vậy, mình quyết định dừng nhánh IVY Men và tạo ra Metagent. Metagent tập trung vào những form dáng trẻ trung, casual smart dành cho nam giới - tệp khách này tách biệt hoàn toàn so với tệp khách mục tiêu trước kia của IVY Men.
Mình thấy ở Việt Nam, các thương hiệu thời trang cho nam theo hướng casual smart không thiếu. Nhưng những thương hiệu này đa phần chỉ dừng lại ở việc đưa tới các giải pháp thời trang căn bản thôi. Metagent được lập ra để đánh vào cuối ngách của thị trường: Sản phẩm casual smart chỉn chu trong phom dáng, kĩ càng trong chất liệu, đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của người dùng yêu thích thời trang. Mức giá của Metagent hiện nay cũng cao hơn khoảng 20 - 30% so với các thương hiệu thời trang local theo đuổi casual mart. Metagent cũng có hệ thống cửa hàng riêng thay vì được bán trong các cửa hàng IVY Moda.
Linh có thể chia sẻ kĩ hơn về sự khác biệt trong giá trị sản phẩm cốt lõi mà Metagent mang lại cho thị trường hiện nay không?
- Mình muốn nói về phom dáng của các sản phẩm tại Metagent. Đội ngũ thiết kế của thương hiệu đã dành nhiều thời gian nghiên cứu phom dáng kết hợp cùng công năng thực tế của sản phẩm. Mọi người có thể hình dung, đó là những công việc tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng tới từng chi tiết trên quần áo: làm phần này để làm gì, liệu túi này có thể sử dụng cho việc gì và tiện lợi cho người mặc hay không, khách hàng đi ô tô hay xe máy thì lúc đứng hay ngồi sẽ khác nhau như thế nào, giả sử vào ngày mưa cái áo này sẽ thấm nước đến không có mát thoáng thấm mồ hôi nhanh trong những ngày nắng không…
Bên cạnh đó, mình nghĩ giá trị cốt lõi của Metagent còn nằm ở cảm xúc thương hiệu có thể mang lại cho khách hàng. Khi mình lựa chọn thị trường cho Metagent - lựa chọn phương án punching-above-league thì chắc chắn câu chuyện này còn cần liên quan tới cảm xúc khách hàng. Cảm xúc trong hành vi tiêu dùng là thứ cần thời gian để kiến tạo và cảm nhận. Khách hàng ở tệp giá tầm dưới có thể với lên, đặt mục tiêu. Hướng đi này sẽ không thể đi được nhanh, nhưng chắc chắn nó sẽ đi được xa. Mình và team cũng có nhiều đất để đào sâu được hơn nữa.
Một trong những hành vi tiêu dùng đặc trưng của thị trường Việt Nam và đặc biệt là tệp khách hàng mục tiêu mà Metagent hướng tới: Đó là tiêu dùng dựa trên xu hướng sáng tạo của các kênh social media. Linh có thể chia sẻ một số hướng đi làm thương hiệu hay marketing mà team Metagent đang ấp ủ để có thể thu hút khách hàng mục tiêu không?
- Để trả lời câu hỏi này thì hơi rộng quá. Bản chất marketing qua thời gian không thay đổi nhiều: Đó là hành vi con người, đưa ra các quyết định mua hàng khi bị tác động bởi những thứ họ tiếp nhận, nghe thấy, nhìn thấy. Quy luật không thay đổi, chỉ có cách mình vận hành thực hiện là khác.
Từ quan điểm của mình, ai có data người đó thắng. Bọn mình sử dụng những dữ liệu khách hàng đã cung cấp và xử lý lại dữ liệu đó thông qua các chiến dịch nhỏ, các thời điểm ra mắt BST mới. Dựa trên những data này mình cùng team nghiên cứu và đưa ra các kịch bản cho thời gian sắp tới, đó sẽ là những thứ mang nhiều giá trị hơn cho khách hàng hơn là những đợt chạy quảng cáo trên các kênh social media hoặc những nội dung ngắn (short-form content) trên Tiktok.
Khi xác định việc bán ở một miền giá tầm trung cao như Metagent, mình muốn bán cả lifestyle, nguồn cảm hứng chứ không chỉ là sản phẩm đơn thuần. Khách hàng vẫn có mong cầu tận dụng được sự xa xỉ trên quần áo để truyền tải thông điệp: Tôi quan tâm tới thời trang và tôi bỏ tiền ra để sở hữu những món quần tấm áo này.
Cảm ơn Linh về cuộc trò chuyện này!
Phụ nữ số