MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam

06-02-2019 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2012, khi trở thành Chủ tịch HĐQT ACB – ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam lúc đó, ông Trần Hùng Huy mới 34 tuổi. Thời điểm ngồi “yên chiến mã”, ông Huy thừa nhận “mình chưa chuẩn bị gì cả” nhưng “nhận trách nhiệm với niềm tự hào lẫn lo lắng”.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Không giống với bất kỳ vị chủ tịch ngân hàng nào tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy được trao trọng trách khi còn khá trẻ (34 tuổi). Hầu hết những người đồng cấp ở nhà băng khác đều ở độ tuổi già hơn rất nhiều. Thế nhưng, thâm niêm gắn bó với ACB của vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng trẻ nhất Việt Nam lại không hề “trẻ”.

Khi ông Trần Mộng Hùng (bố của Trần Hùng Huy), làm đề án thành lập ngân hàng ACB cùng một số người khác, địa điểm làm nơi tụ họp chính là nhà riêng, năm đó Huy 14 tuổi. Ngân hàng thương mại Á Châu (ACB) ra đời, trụ sở của nhà băng này cũng chính là nhà riêng của ông Trần Mộng Hùng.

Chính vì vậy, ông Huy không chỉ nghe chuyện về ngân hàng mà còn được chứng kiến ngân hàng hoạt động từ những ngày đầu tiên. Và một cách tự nhiên, giá trị quan trọng nhất mà ông Huy được ba mẹ dạy dỗ từ khi còn nhỏ – sự chính trực, cũng trùng khớp với một trong 5 giá trị cốt lõi của ACB.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Sau nhiều năm học tập, làm việc ở nước ngoài, ông Huy trở lại ACB với vị trí đầu tiên là làm nhân viên marketing. Người sau này trở thành Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam được “về nhà với người thân” và chấp nhận làm từ đầu để học hỏi.

Năm 2012, sự cố khủng hoảng xảy ra với ACB khi ông Huy đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc ACB. Thời điểm đó, hàng loạt thành viên HĐQT ngân hàng từ nhiệm và vị trí Chủ tịch ACB trở thành “ghế nóng” mà không nhiều người muốn nhận – một số người được đề nghị đã từ chối bởi sự khó khăn cũng như rủi ro mà “cái ghế” này đem đến.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Và ông Trần Hùng Huy – con trai cả của nhà sáng lập ACB, trở thành một lựa chọn của ngân hàng. Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, nhiều người sẽ không hiểu rõ sự lựa chọn của HĐQT ACB, nhưng nếu hiểu rõ câu chuyện bên trong, ông Huy là một lựa chọn có yếu tố hợp lý vào thời điểm đó.

Ông Huy từng chia sẻ dù chưa bao giờ có kế hoạch trở thành chủ tịch HĐQT ACB, nhưng trên thực tế, khi được đặt vào vị thế “phải lựa chọn làm hoặc đứng qua một bên”, ông Huy đã “lựa chọn nhận trách nhiệm trong sự tự hào và lo lắng”.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Trở thành Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam năm đó (khi 34 tuổi), ông Huy cũng thừa nhận: “Việc là con của người sáng lập ACB đem lại cho mình lợi thế lớn”. Thế nhưng, người đứng đầu ACB bổ sung: “Sau 6 tháng bầu lại mà HĐQT vẫn chọn thì mình phải làm được điều gì đó khiến họ đồng ý cho làm tiếp chứ (cười)”. Đó cũng là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử hoạt động của ACB.

Trên thực tế, trong 3 năm đầu tái cấu trúc, ông Huy có sự trợ lực rất lớn đến từ ba mẹ của mình và những thành viên thuộc thế hệ đầu tiên tại ACB. Khi ngân hàng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, ông Trần Mộng Hùng trở lại HĐQT cùng vợ.

Ngoài việc được trợ giúp của ba mẹ, ông Huy còn tìm được tư vấn rất hữu ích của một cựu thành viên HĐQT người Singpore – người có cả kiến thức quốc tế cũng như kinh nghiệm nhiều năm ở Việt Nam với ACB. “Đó là những tư vấn quý giá ở vào thời điểm phải ra nhiều quyết định quan trọng với trách nhiệm rất lớn mà chỉ một thời gian ngắn trước đó mình cũng chưa nghĩ tới”, ông Huy chia sẻ.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Và kỷ niệm khó quên nhất với ông Huy khi nhận ghế Chủ tịch trong năm đầu tiên là cắt giảm nhân sự. “Lúc đó, tôi đứng trước quyết định phải giảm vài nghìn người để tối ưu hóa chi phí, giúp ACB vận hành hiệu quả hơn”, ông Huy cho biết. Đó cũng là sức ép lớn đến từ các thành viên HĐQT nước ngoài và cũng là nguyên lý quen thuộc khi các công ty lâm vào khủng hoảng mà ông Huy học được khi ở nước ngoài.

Thế nhưng, khi ra quyết định cuối cùng, người đứng đầu ACB đã không cắt giảm con số hàng nghìn người như dự kiến. Thay vào đó, ngân hàng thực chất chỉ cắt giảm khoảng vài trăm nhân sự nhưng hiệu quả về tối ưu hóa chi phí vẫn đạt được.

“Đó là nhờ Huy có ba nó là người Việt (cười), đủ kinh nghiệm và ảnh hưởng để cùng thuyết phục HĐQT làm theo cách của ACB”, ông Nguyễn Thanh Toại – nguyên Phó Tổng giám đốc, tiết lộ chuyện hậu trường về quyết định cắt giảm nhân sự tại ACB trong khủng hoảng.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Trong lúc khó khăn nhất, lãnh đạo phải là những người làm gương và chia sẻ khó khăn với tổ chức. Thay vì giảm tối đa lực lượng nhân sự, ACB thực hiện cắt giảm từ 25% đến 40% thu nhập cấp quản lý trước tiên, cấp càng cao, mức cắt giảm thu nhập càng lớn. Từ số lượng dự kiến cắt giảm là vài nghìn người, ACB trên thực tế chỉ phải cắt giảm vài trăm người và chỉ ở các vị trí vận hành hiệu quả thấp.

“Sau khi trải qua việc cắt giảm nhân sự, tôi thấy mình gần gũi hơn rất nhiều với các cấp quản lý tại ACB bởi cảm nhận được sự chia sẻ của họ với mình và ngân hàng. Họ phải thực sự coi ACB là gia đình thì mới đồng lòng cùng vượt qua khó khăn như vậy. Đó cũng là thành công lớn nhất của ACB trong khủng hoảng, mọi người vẫn giữ được niềm tin vào tương lai”, ông Huy tâm sự.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Trong buổi trả lời phỏng vấn báo Trí thức trẻ, khi được hỏi: “Sau 1 nhiệm kỳ chủ tịch HĐQT thì anh tự đánh giá ngắn gọn mình như thế nào?”, ông Huy nói: “Phối hợp tốt”.

Người đứng đầu ACB giải thích thêm: “Trong khoảng thời gian đầu tiên, mình có những thành công nhất định khi phối hợp tốt với các thành viên HĐQT khác và kết hợp tốt với ban điều hành để truyền lửa cho anh em, tạo nên một nền tảng tốt để bắt đầu một thời kỳ mới với nhiều tham vọng hơn”.

Tuy nhiên, ông Huy không nói về những dấu ấn cá nhân mà cho rằng: “Đó là kết quả do rất nhiều thành viên trong gia đình ACB tạo nên và mình chỉ là một trong số đó”.

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Huy nói: “Điều đó không đến từ những người thuộc thế hệ đầu tiên trong HĐQT hay ban điều hành. Họ có sự tự hào khi thấy học trò của mình trưởng thành, thành công nên tìm mọi cách hỗ trợ. Khó khăn lớn nhất là thuyết phục các quản lý cấp trung cần thay đổi nhanh và chấp nhận rủi ro”.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Vị chủ tịch ACB nói về những cán bộ quản lý ở tầm tuổi như mình (người không còn quá trẻ) phải sẵn sàng thay đổi, “dám chấp nhận một cuộc chơi lớn”.

Theo ông Huy, thuyết phục được những quản lý cấp trung thay đổi mạnh mẽ và chấp nhận rủi ro trong bối cảnh ACB đang ở hoàn cảnh khó khăn nhất trong lịch sử là không dễ dàng. Thế nhưng, “người được lựa chọn” ở ACB vẫn kiên trì thực hiện.

Trong buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ACB, ông Trần Hùng Huy và một số cán bộ quản lý của mình thực hiện một tiết mục văn nghệ đặc biệt khi thể hiện hàng loạt hit như: Ngày mai em đi, Sau tất cả, Uptown Funk, Attention…. Điều thú vị như chủ tịch của ACB thú nhận là ông hát và nhảy dở tệ.

Nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện điều mình dở vì theo ông “không biết thì có thể học”. Đây cũng là thông điệp mà người đứng đầu ACB muốn chia sẻ với các cấp quản lý cũng như nhân viên của mình trong giai đoạn phát triển mới: đừng ngại thử những việc bạn chưa từng làm, hãy ra khỏi vùng an toàn để tìm cách bứt phá.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 9.

Kỳ đại hội cổ đông năm 2018, ông Trần Mộng Hùng thoải mái rời HĐQT ACB sau khi nói với Huy “con làm ổn rồi, ba không cần làm nữa, về nghỉ thôi”. Sự chuyển giao đã diễn ra nhẹ nhàng và đầy tin tưởng giữa hai thế hệ.

Và sau hơn 6 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, banker này rất thoải mái và tự tin khi nói về “cái bóng” của thế hệ đầu tiên: “Họ luôn có những ý kiến rất quý giá với mình và HĐQT, đặc biệt là những lời khuyên mang tính cảnh báo. Họ có những linh cảm đặc biệt về rủi ro. Mình và HĐQT luôn lắng nghe nhưng ý thức được trách nhiệm khi ra quyết định”. Điểm khác biệt về ngoại hình của ông Huy là chỉ sau vài năm trở thành Chủ tịch ACB, mái tóc của banker này từ "đầu xanh" đã sang rất nhiều sợi bạc

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 10.

Sự khác biệt của ông Huy với cha mình không chỉ mang tính thế hệ mà còn về “khẩu vị rủi ro”. Thế hệ của ông Trần Mộng Hùng hay Nguyễn Thanh Toại sẽ không quen thuộc với fintech cùng những đối thủ phi truyền thống như Grab, Alibaba, Amazon…. Trong khi đó, ông Huy cùng thế hệ của mình sống và nghĩ về tương lai luôn tính đến những điều phi truyền thống cũng như khả năng chấp nhận rủi ro trong mức cho phép.

Ông Huy chia sẻ thời gian ông ở ACB còn nhiều hơn thời gian ở gia đình. Do đó, khi được đề nghị bình luận về việc “ACB là mang dấu ấn của gia đình ông”, Chủ tịch HĐQT ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vui vẻ cho biết “không ngại”.

“Trên thực tế ngân hàng có tới 20.000 cổ đông. Mọi người nói thì mình thoải mái thôi. Cái quan trọng khi nói như vậy là họ cảm nhận điều đó là tích cực hay tiêu cực. Với nhân viên ở đây, mình nghĩ họ có sự tự hào riêng khi là thành viên của gia đình ACB”, ông Huy nói.

Chuyện ngồi “yên chiến mã” của vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Ảnh 11.
Tùng Lâm - Hoàng Ly
7pm
Theo Trí Thức Trẻ 06/2/2019

Tùng Lâm - Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên