MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện nhà đầu tư thắng đậm tiền tỷ khi đi “săn” đất tỉnh đã là quá khứ

21-09-2022 - 10:10 AM | Bất động sản

Chuyện nhà đầu tư thắng đậm tiền tỷ khi đi “săn” đất tỉnh đã là quá khứ

Những năm gần đây, thị trường bất động sản khắp nơi đều lên cơn sốt nóng. Theo đó, không ít nhà đầu tư bỏ tiền vào bất động sản ở tỉnh cũng lãi đậm tiền tỷ.

Cuối năm 2020, có trong tay 1,7 tỷ đồng từ việc kinh doanh online, anh Trần Văn Vinh nghĩ tới nhiều hướng đầu tư để tích lũy tài sản. Thời điểm này, “cơn sốt” bất động sản diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, theo đó anh Vinh cũng bắt đầu tìm hiểu về thị trường. Khảo sát tại ngoại ô Hà Nội, nhưng anh Vinh lại không dám “xuống tiền” vì nhận thấy giá đất tăng quá cao, với số tiền này anh chỉ có thể mua được vài chục m2.

Khi đó, thấy bất động sản tại quê anh (Nam Định) liên tục tăng nóng, anh Vinh nhận thấy thị trường này cũng khá sôi động và có khả năng sinh lời. "Yếu tố tôi thấy đất ở tỉnh hấp dẫn là giá rẻ hơn nhiều so với khu đô thị lớn như Hà Nội, có thể sở hữu được mảnh đất diện tích lớn. Cũng chính giá rẻ vừa túi tiền đầu tư của tôi nên tôi quyết định mua", anh Vinh nói.

Thời điểm tháng 11/2020, anh Vinh xuống tiền mua mảnh đất tại Nam Định rộng 180m2 có vị trí 2 mặt tiền ở mặt đường rộng 7m, với giá 1,7 tỷ đồng, tương đương hơn 9,4 triệu đồng/m2. Nhờ có vị trí đẹp và thị trường ủng hộ nên chỉ sau 7 tháng đầu tư, đến tháng 6/2021 mảnh đất của anh Vinh đã tăng lên đến 3 tỷ đồng, anh nhanh chóng bán được cho một nhà đầu tư khác.

"Trừ hết chi phí đi, hơn nửa năm, từ mua bán mảnh đất trên, tôi đã lãi được khoảng 1,2 tỷ đồng. Đây đúng là số tiền tôi không nghĩ sẽ kiếm được trong thời gian dịch bệnh vừa qua", anh Vinh chia sẻ.

Chuyện nhà đầu tư thắng đậm tiền tỷ khi đi “săn” đất tỉnh đã là quá khứ - Ảnh 1.

Có trong tay 3 tỷ đồng, anh Vinh tiếp tục nhanh tay xuống tiền mua mảnh đất rộng 300m2 tại Hà Nam, tương đương 10 triệu đồng/m2. Sau khi mua bán hoàn tất, cơn sốt nhanh chóng tràn về khu vực này, theo đó mảnh đất của anh Vinh liên tục tăng giá.

“Thời điểm đó, đất nóng hầm hập, các phiên đấu giá ở khu vực đó phải gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm mới trúng, tương đương khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2. Nhưng cái gì quá đà cũng lo nên đến khoảng tháng 11/2021, tôi tìm người để bán mảnh đất”, anh Vinh kể lại.

Chỉ sau 1 tháng, với nhiều cuộc thương thảo khác nhau, anh Vinh đã bán mảnh đất với giá 3,8 tỷ đồng, tương đương lãi 800 triệu đồng sau 5 tháng đầu tư. “Mảnh đất của tôi khi đó cũng không có vị trí đẹp như các khu vực đấu giá, nên trả giá đi trả giá lại tôi lãi gần 1 tỷ đồng. Mới có mấy tháng đầu tư như vậy là quá thắng lợi. Như vậy, qua 2 thương vụ đó tôi đã lãi 2 tỷ đồng. Bán xong tôi vẫn theo dõi thị trường, đến đầu năm 2022 thị trường nhiều khu vực đã chững nên tôi vẫn chưa dám xuống tiền ở đâu”, nhà đầu tư này nói.

Tương tự anh Vinh, anh Cường, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội cho biết, hồi tháng 4 vừa qua, anh cũng chốt lời mảnh đất tại Bắc Giang rộng 150m2, với giá 4 tỷ đồng, tương đương hơn 26 triệu đồng/m2.

“Đầu năm 2021, tôi mua mảnh đất này với giá hơn 2 tỷ đồng, sau 1 năm đã tăng gấp 2 lần. Chính vì lãi nhanh nên tôi càng thấy lo lắng về giá trị thật trong khu vực, nên có người mua là tôi chốt luôn. Sau đó, tôi đã mua một căn chung cư tại quận Nam Từ Liêm với giá hơn 3 tỷ đồng, số tiền còn lại tôi làm nội thất để gia đình tôi chuyển tới đó ở, còn căn nhà đất tại Thanh Xuân hiện tại của tôi có diện tích 50m2, 5 tầng để cho thuê”, anh Cường nói.

Theo anh Nguyễn Văn Hải, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội, thị trường bất động sản tỉnh khá sôi động trong 2 năm qua, có hiện tượng "sốt nóng" đỉnh điểm ở đầu năm 2022. Khách về các tỉnh mua đất chủ yếu là người từ nơi khác, nhà đầu tư ở khu vực có nhưng không nhiều.

Cũng theo anh Hải, điểm chung của thị trường hiện nay là mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư. Người có đất chỉ bán khi có lãi, còn nhà đầu tư mới thì buộc phải chấp nhận mua giá cao. Tuy nhiên, anh Hải và không ít môi giới khác cũng thừa nhận, giá bất động sản ở một số tỉnh hiện nay đã quá cao so với giá trị thực, rất nhiều người hiện đang đứng trước nguy cơ “chôn vốn”, không thoát được hàng.

Thanh Phong

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên