MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ở Gojek Việt Nam: 4 năm, 3 CEO và khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng

08-09-2022 - 07:09 AM | Doanh nghiệp

Với sự hậu thuẫn về cả tài chính và công nghệ từ công ty mẹ ở Indonesia, Gojek được đánh giá là đối thủ có khả năng cạnh tranh cao nhất với Grab tại Việt Nam.

Gojek là một trong những siêu ứng dụng nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Startup Indonesia này từng được định giá trên 10 tỷ USD trước khi sáp nhập với sàn thương mại điện tử Tokopedia thành GoTo Group hồi tháng 5/2021.

Sau 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Gojek cùng với Grab và be là 3 hãng gọi xe chiếm thị phần lớn nhất. Dù vậy, cho đến nay Gojek Việt Nam vẫn chưa đạt được những thành công như nhiều người mong đợi. Nếu như ở Indonesia, Gojek cung cấp khoảng 20 dịch vụ khác nhau thì tại Việt Nam hiện mới có một số dịch vụ cơ bản là GoRide; GoFood; GoSend và GoCar.

Chuyện ở Gojek Việt Nam: 4 năm, 3 CEO và khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Gojek đã có 4 năm hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Gojek

Hành trình 4 năm của kỳ lân Indonesia tại Việt Nam

Gojek ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018 với tên gọi GoViet cùng hai dịch vụ GoBike (gọi xe máy) và GoSend (giao nhận). Chỉ 2 tháng sau, hãng này tiếp tục tung ra dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood.

Thời điểm đó, “cuộc chiến” giữa Grab và các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam đang diễn ra vô cùng gay gắt. Với sự hậu thuẫn về cả tài chính và công nghệ từ công ty mẹ ở Indonesia, GoViet được đánh giá là đối thủ có khả năng cạnh tranh cao nhất với Grab. Công ty này đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi như đồng giá chuyến đi 1.000 đồng, 5.000 đồng, miễn thu chiết khấu với tài xế…

Tại sự kiện giới thiệu tại Hà Nội vào tháng 9/2018, GoViet tuyên bố GoBike đã chiếm 35% thị trường gọi xe ôm theo nhu cầu chỉ trong vòng 3 tháng thử nghiệm ở TP HCM. Với những kết quả ban đầu tích cực, đại diện GoViet chia sẻ rằng dịch vụ gọi xe ôtô GoCar có thể ra đời ngay cuối năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không diễn ra như dự kiến.

Đến tháng 3/2019, thị trường gọi xe bất ngờ trước thông tin cả Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh của GoViet đều từ chức. Thay ông Đức ngồi “ghế nóng” là một trong những tên tuổi rất nổi tiếng trong giới startup Việt. Đó là bà Lê Diệp Kiều Trang – người từng đảm nhiệm vai trò CEO Facebook Việt Nam. Tuy nhiên, bà Trang cũng không ở vị trí này được lâu. Chỉ sau 5 tháng dẫn dắt GoViet, nữ doanh nhân sinh năm 1980 rời ghế CEO.

Chuyện ở Gojek Việt Nam: 4 năm, 3 CEO và khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam. Ảnh: Gojek

Tháng 8/2020, thương hiệu GoViet chính thức bị xóa sổ. Công ty được đổi tên thành Gojek Việt Nam. Màu sắc nhận diện, trang phục của các tài xế đổi từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng tương tự công ty mẹ. Kỳ lân công nghệ Indonesia cũng bổ nhiệm ông Phùng Tuấn Đức làm CEO công ty tại Việt Nam. Ông Tuấn Đức trước đó là đồng sáng lập, Giám đốc vận hành (COO) của GoViet.

Theo một khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021, dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe hai bánh, Grab chiếm khoảng 60% thị phần, Gojek chiếm 19% còn be chiếm 18%. Đối với ôtô, thị phần của Grab áp đảo với 66%, be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác.

Trong khi các đối thủ chính như Grab hay be đã sớm cung cấp dịch vụ gọi xe 4 bánh, đến tháng 8/2021, Gojek mới bước chân vào mảng này với sản phẩm GoCar.

Khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng và bài toán lợi nhuận đầy thách thức

Thị trường gọi xe vốn được coi là cuộc đua “đốt tiền” và kinh doanh có lãi vẫn luôn là bài toán đầy thách thức của các hãng xe. Nếu như tính đến cuối năm 2021, Grab Việt Nam lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng thì khoản lỗ lũy kế của Gojek Việt Nam cũng đã lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo số liệu của Người Đồng Hành, hai trong ba năm gần đây Gojek Việt Nam đều lỗ trên 1.000 tỷ đồng, trong đó năm 2019 khoản lỗ này lên đến hơn 1.680 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu thuần của Gojek Việt Nam giai đoạn 2020-2021 vào khoảng trên dưới 350 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 đối thủ Grab.

Chuyện ở Gojek Việt Nam: 4 năm, 3 CEO và khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Nhìn vào kết quả kinh doanh, có thể thấy khoản lỗ của Gojek Việt Nam chủ yếu do chi phí bán hàng lớn. Năm 2019, chi phí bán hàng của công ty là hơn 1.412 tỷ đồng. Con số này giảm xuống còn 753 tỷ đồng vào năm 2020 sau đó lại tăng lên mức hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2021.

Chi phí bán hàng cao cũng phần nào phản ánh thực tế của thị trường gọi xe, khi những tên tuổi lớn như Grab hay Gojek thường xuyên tung ra các chương trình quảng cáo, khuyến mại để giữ chân khách hàng cũ và thu hút thêm người dùng mới.

Chuyện ở Gojek Việt Nam: 4 năm, 3 CEO và khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Về phía công ty mẹ của Gojek, GoTo cũng vừa công bố khoản lỗ kỷ lục hơn 14.000 tỷ rupiah (955 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm nay. Khoản lỗ của GoTo tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, dù doanh thu tăng hơn 30%.

Năm ngoái, GoTo lỗ ròng 1,4 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm, công ty tiếp tục lỗ 437 triệu USD, cao hơn nhiều so với khoản lỗ 121 triệu USD trước khi hợp nhất trong cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, kỳ lân Indonesia luôn lạc quan rằng tình hình sẽ được cải thiện. Lý do là giá trị giao dịch, cũng như tổng doanh thu năm ngoái và quý đầu tiên năm nay đều tăng trưởng.

Trong quý II, đối thủ Grab cũng báo cáo khoản lỗ 572 triệu USD, nhưng con số này đã giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, doanh thu của Grab tăng 79% lên kỷ lục 321 triệu USD.

Doanh thu của cả GoTo và Grab đều tăng mạnh, chứng tỏ nhu cầu giao hàng và gọi xe vẫn rất lớn. Dù vậy, cả hai kỳ lân hàng đầu Đông Nam Á này vẫn đang gặp khó trong việc tạo ra lợi nhuận.

Theo Linh Lam

NDH

Từ Khóa:
Trở lên trên