Chuyến tàu chở "tự do và cơ hội": TT Trump đăng dòng tweet kì lạ về 1 mặt hàng bị TQ đánh thuế nặng
Theo thống kê của chuyên gia Carolyn Kissane được đăng tải trên báo The Hill, thị trường LNG của Mỹ vốn đã chịu thiệt hại khá nặng từ sau khi Trung Quốc áp mức thuế 10% và giảm mua mặt hàng này từ Mỹ. Trong vòng 6 tháng gần đây, Trung Quốc chỉ nhập vào 4 lô LNG từ Mỹ, trong khi đó, vào giai đoạn cùng kỳ năm ngoái, con số này là 35. Chuyên gia này lo ngại rằng việc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục "đấu" nhau trong cuộc chiến thương mại sẽ trở thành cơ hội vàng cho những đối thủ cạnh tranh với Mỹ trên thị trường LNG như Quatar, Australia và đặc biệt là Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất tự hào khoe về những chuyến tàu chở "tự do và cơ hội" dạng lỏng - trong khi Washington vẫn đang nỗ lực thuyết phục các đồng minh ở nửa kia địa cầu đồng ý mua mặt hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) giá cao của mình, và trong bối cảnh mặt hàng này nằm trong danh sách bị Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu 25%.
"TIN QUAN TRỌNG! Như tôi đã hứa từ 2 tuần trước, chuyến tàu xuất khẩu LNG đầu tiên vừa rời cơ sở xuất khẩu LNG Cameron ở bang Louisiana. Điều này không chỉ tạo ra hàng ngàn VIỆC LÀM tại Mỹ, mà chúng ta còn mang tự do và cơ hội ra nước ngoài!" - vị Tổng thống Mỹ đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân.
Hãng tin RT (Nga) đã nhận định rằng dòng tweet của ông Trump cho thấy Mỹ đang muốn cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường châu Âu bằng cách hạ bệ đối thủ của mình là Moskva.
Tuy nhiên, các đối tác mua LNG của Nga tại EU, đặc biệt là Đức - một trong những đồng minh thân cận của Mỹ - đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ về việc ngừng mua LNG của Nga. Phía Đức cho rằng các đường ống khí đốt của Nga khả thi hơn nếu xét đến hiệu quả kinh tế.
Năm ngoái, Mỹ đã xuất khẩu sự "tự do" dạng lỏng này tới 28 quốc gia và trở thành "thống lĩnh" trên thị trường LNG. Hàn Quốc, Mexico, Nhật Bản và Chile là những điểm đến hàng đầu của mặt hàng này. Trung Quốc - cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới và là quốc gia nhập khẩu LNG nhiều thứ 2 thế giới - cũng đứng thứ 3 trong số các nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, vị thế thống lĩnh của Mỹ trên thị trường khí đốt có thể sẽ sớm thay đổi, khi Nga bắt đầu kinh doanh LNG với giá thành rẻ hơn thông qua đường ống Power of Siberia vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng lo ngại rằng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc như hiện nay, Bắc Kinh rất có thể sẽ ngừng mua LNG Mỹ và bắt tay Nga. Hiện nay, hầu hết các dự án xuất khẩu LNG của Mỹ còn trụ vững phần nhiều là nhờ có các hợp đồng dài hạn với Trung Quốc.
Theo thống kê của chuyên gia Carolyn Kissane được đăng tải trên báo The Hill, thị trường LNG của Mỹ vốn đã chịu thiệt hại khá nặng từ sau khi Trung Quốc áp mức thuế 10% và giảm mua mặt hàng này từ Mỹ. Trong vòng 6 tháng gần đây, Trung Quốc chỉ nhập vào 4 lô LNG từ Mỹ, trong khi đó, vào giai đoạn cùng kỳ năm ngoái, con số này là 35.
Chuyên gia này lo ngại rằng việc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục "đấu" nhau trong cuộc chiến thương mại sẽ trở thành cơ hội vàng cho những đối thủ cạnh tranh với Mỹ trên thị trường LNG như Quatar, Australia và đặc biệt là Nga.
Trí thức trẻ