Chuyến tàu dài nhất Việt Nam được chuyên trang quốc tế ca ngợi, du khách nhận xét: "Lâu nhưng xứng đáng"
Đa phần du khách sau khi trải nghiệm chuyến tàu "dài nhất Việt Nam" đều nhận xét rằng nó hoàn toàn xứng đáng với số tiền và thời gian du khách bỏ ra.
- 30-05-2024Chuyến tàu giá hơn 100.000đ chạy hơn 2 tiếng lúc nào cũng thấy đông: Có gì mà thu hút du khách đến vậy?
- 17-04-2024Chuyến tàu đêm 'nhớ đời' Hà Nội - Sa Pa: Không delay, giường ngủ sạch sẽ và giá thành khiến du khách thoải mái hơn bất cứ chuyến bay nào
- 03-04-2024Khách Việt choáng với dịch vụ trên chuyến tàu 300km/giờ của Trung Quốc: "Hài lòng từ đầu đến chân!"
Hiện nay, sự ra đời của các phương tiện hiện đại đã giúp việc di chuyển từ địa phương này tới địa phương khác, vùng miền này tới vùng miền khác hay thậm chí là từ đất nước này đến đất nước khác nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Điều này sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng các phương tiện có phần truyền thống như tàu hoả ít được ưa chuộng.
Tuy nhiên không hẳn là như vậy. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Thuỵ Điển hay Thuỵ Sĩ, việc áp dụng tàu hoả như một sản phẩm du lịch đặc sắc luôn được phát triển tốt qua hàng chục năm.
Ở Việt Nam, việc du lịch bằng tàu hoả cũng đang được nhiều du khách quan tâm, đặc biệt là các nhóm du khách trẻ trong khoảng vài năm trở lại đây. Trong vô vàn chuyến tàu, có một chuyến tàu được đánh giá là "chuyến tàu dài nhất Việt Nam", mất tới 36 tiếng, tức là 1,5 ngày để hoàn thành 1 chiều, song được các du khách nhận xét là: "Tuy lâu nhưng cực xứng đáng". Chuyến tàu đang được nhắc tới chính là chuyến tàu xuyên Việt, đi hết tuyến đường sắt từ Bắc vào Nam.
Điểm khởi hành của chuyến tàu dài nhất Việt Nam là thủ đô Hà Nội và kết thúc tại thành phố mang tên Bác - thành phố Hồ Chí Minh. Tổng chiều dài của tuyến đường sắt này là khoảng 1.730km, đi qua nhiều địa phương, thành phố lớn như Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quy Nhơn... Cũng có thể nói, tuyến đường sắt này chạy song song với quốc lộ 1A, có trạm dừng tại 23 ga.
Không chỉ đơn thuần là chuyến tàu dài nhất Việt Nam, tuyến đường sắt Bắc - Nam còn được coi là một trong những minh chứng cho một lịch sử hào hùng. Cụ thể, ngày 31/12/1976, 2 con tàu Thống Nhất mang sứ mệnh khai thông lại tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam đã chính thức rời 2 nhà ga ở 2 đầu đất nước: ga Hà Nội và ga Sài Gòn.
Sau 80 giờ, tức là gần 4 ngày, ngày 4/1/1977, cả 2 con tàu đến đích trong sự chào đón hân hoan, cờ hoa phấp phới cùng những nụ cười rạng rỡ của người dân. Đây được coi là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu chuyến tàu thống nhất Bắc Nam đầu tiên lăn bánh sau ngày đất nước bị chia cắt.
Trên toàn bộ hành trình của chuyến tàu Bắc - Nam, du khách sẽ được chầm chậm đi qua mọi cảnh sắc đẹp nhất của dải đất hình chữ S, có đủ cả sơn và thuỷ. Mỗi nơi, mỗi chặng, mỗi địa phương, lại có những khung cảnh đẹp riêng khác nhau khiến du khách phải mê mẩn khi ngắm nhìn qua ô cửa sổ của con tàu. Đó là những dãy núi trùng điệp, những cánh đồng xanh mướt hay vàng rực, lấp ló xa xa là những ngôi nhà của người bản địa, những con sông, con suối nho nhỏ, hay là bờ biển với làn nước trong xanh lung linh dưới ánh nắng...
"Đi tàu chính là cách xuyên Việt nhanh nhất mà không lo bỏ lỡ cả núi non lẫn biển cả của Việt Nam. Mình được đi qua đèo, đi qua núi rừng, đi qua hầm, sông rồi biển, không thiếu thứ gì cả. Đi tàu mới biết Việt Nam đẹp lắm luôn!", du khách Việt Tiến Nguyễn đến từ Hà Nội trầm trồ cảm thán.
Cũng theo nhận xét của các du khách đã trải nghiệm, trên toàn bộ tuyến đường kéo dài gần 1.800km, có vài chặng tiêu biểu mang vẻ đẹp gây ấn tượng đặc biệt. Có thể kể tới như chặng Huế - Đà Nẵng, đoạn quan vịnh Lăng Cô; chặng qua Quảng Bình hay chặng qua Nha Trang.
Vẻ đẹp "sơn thuỷ hữu tình" của chuyến tàu Bắc - Nam dài nhất Việt Nam không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn gây ấn tượng lớn với các du khách nước ngoài hay chuyên trang đánh giá du lịch quốc tế. Minh chứng cụ thể đó là vào tháng 5/2023, đường sắt Bắc - Nam xếp vị trí đầu tiên trong danh sách những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới, do trang cẩm nang du lịch Lonely Planet bình chọn. Trước đó vào năm 2018, tuyến đường sắt Bắc - Nam từng lọt vào danh sách 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới cũng do chính trang này bình chọn.
"Một số tuyến đường sắt chạy qua các thành phố lịch sử, chạy lướt qua những bờ biển đẹp ngoạn mục, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy một Việt Nam đa sắc màu, hội tụ đầy đủ những tinh hoa của cảnh quan, nhiên nhiên và con người. Tuyến đường sắt Thống Nhất (hay còn được gọi là Đường sắt Bắc - Nam) đáp ứng tất cả các tiêu chí này" - Lonely Planet viết.
Trong suốt thời gian mà tàu di chuyển, du khách có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp mọi lúc mọi nơi, miễn sao không quá gây mất trật tự, ảnh hưởng tới các hành khách khác hay ảnh hưởng tới quá trình làm việc của đội ngũ cán bộ trên tàu.
Lưu lại những bức ảnh đẹp qua ô cửa sổ tàu chắc chắn là trải nghiệm không thể thiếu của các du khách (Ảnh Dương Thuỳ Trang, Yến Nguyễn, Trần Như Ý)
Hiện nay, trải qua hàng chục năm, tuyến đường Bắc - Nam đã được cải thiện và nâng cao nhiều. Thời gian đi hết 1 chiều của chuyến tàu chỉ còn rơi vào khoảng 36 giờ thay vì 80 giờ như lần đầu tiên tàu lăn bánh.
Du khách có thể tuỳ chọn hạng ghế ngồi mềm, hoặc giường nằm khoang 4 giường - 6 giường tuỳ vào điều kiện cũng như sở thích cá nhân. Trong đó, giá vé 1 chiều dao động trong khoảng từ 900.000 - hơn 1.600.000 đồng. Vé hạng ghế ngồi mềm là rẻ nhất, còn vé hạng giường nằm khoang 4 giường là đắt nhất. Cũng bởi thời gian đi tàu kéo dài nên trên mọi toa tàu đều được trang bị điều hoà để đảm bảo sự thoải mái cho du khách.
Bên cạnh đó, các dịch vụ khác như phục vụ đồ ăn, nước uống hay sự hướng dẫn của các cán bộ trên tàu cũng được du khách đánh giá cao. "Con tàu tuy cũ kỹ và ồn ào do đông khách nhưng các cô các chú cán bộ đều hết sức dễ mến và niềm nở. Đồ ăn trên tàu phục vụ giá cũng rất bình dân, nhà vệ sinh thì sạch sẽ. Trong toa giường nằm điều hoà mát lạnh, kèm đủ chăn gối, có ổ điện", du khách Việt Tiến Nguyễn nói thêm.
Hiện nay, hình thức đặt vé chính thức và nhanh nhất với chuyến tàu dài nhất Việt Nam đó là du khách truy cập trực tiếp trang của Đường sắt Việt Nam. Tốt nhất nên đặt chỗ trước khoảng 2-3 tuần để đảm bảo lựa chọn được hạng vé cũng như chỗ ngồi ưng ý. Chuyến tàu thông thường sẽ xuất phát từ buổi sáng sớm và đến đích khi trời tối (với chiều Hà Hội - TP.HCM), và ngược lại với chiều trở ra (chiều TP.HCM - Hà Nội).
Đời sống & pháp luật