Chuyến tàu di sản qua đường sắt đẹp nhất Việt Nam, vé hơn 100.000 đồng, du khách nhận xét: Rất đáng thử!
Chỉ với tấm vé giá không quá đắt, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm "cung đường đẹp nhất Việt Nam" theo cách vô cùng đặc biệt.
- 30-05-2024Chuyến tàu giá hơn 100.000đ chạy hơn 2 tiếng lúc nào cũng thấy đông: Có gì mà thu hút du khách đến vậy?
- 17-04-2024Chuyến tàu đêm 'nhớ đời' Hà Nội - Sa Pa: Không delay, giường ngủ sạch sẽ và giá thành khiến du khách thoải mái hơn bất cứ chuyến bay nào
- 03-04-2024Khách Việt choáng với dịch vụ trên chuyến tàu 300km/giờ của Trung Quốc: "Hài lòng từ đầu đến chân!"
• Ngoài vé lẻ, du khách có thể mua vé tháng trực tiếp tại nhà ga
• Trên tàu phục vụ các món đặc sản và biểu diễn chương trình nghệ thuật
• Tàu sẽ dừng tại ga Lăng Cô 10 phút để du khách ngắm cảnh
Hiện nay, sự ra đời của các phương tiện hiện đại đã giúp việc di chuyển từ địa phương này tới địa phương khác, vùng miền này tới vùng miền khác hay thậm chí là từ đất nước này đến đất nước khác nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Điều này sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng các phương tiện có phần truyền thống như tàu hoả ít được ưa chuộng.
Tuy nhiên không hẳn là như vậy. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Thuỵ Điển hay Thuỵ Sĩ, việc áp dụng tàu hoả như một sản phẩm du lịch đặc sắc luôn được phát triển tốt qua hàng chục năm.
Ở Việt Nam, việc du lịch bằng tàu hoả cũng đang được nhiều du khách quan tâm, đặc biệt là các nhóm du khách trẻ trong khoảng vài năm trở lại đây. Trong rất nhiều chuyến tàu từ Bắc vào Nam, có một chuyến tàu được mệnh danh là chuyến tàu đi qua cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam, mức giá lại không hề đắt đỏ, khiến du khách phải trầm trồ khi trải nghiệm. Đó chính là chuyến tàu hỏa đi từ Huế đến Đà Nẵng.
Mới đây nhất, chuyến tàu này còn xuất hiện một phiên bản hoàn toàn mới, mang tên "Chuyến tàu kết nối di sản miền Trung". Sự ra đời của chuyến tàu đặc biệt này là sự phối hợp của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế & TP Đà Nẵng.
Theo thông tin chính thức từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, để sở hữu tấm vé trải nghiệm "Chuyến tàu di sản", du khách chỉ cần bỏ ra số tiền 150.000 đồng. Việc đặt vé cũng rất dễ dàng, có thể đặt tuyến trên trang chủ của Đường sắt Việt Nam hoặc mua trực tiếp tại nhà ga.
Bắt đầu từ ngày khai trương cuối tháng 3 vừa qua, hàng ngày sẽ có 2 đôi tàu, di chuyển 2 chiều giữa Huế - Đà Nẵng. Các khung giờ tàu chạy cũng trải dài xuyên suốt trong ngày, từ sáng cho đến chiều, từ đó du khách có thể tùy chọn sao cho phù hợp với nhu cầu vào điều kiện cá nhân.
Ngoài ra, du khách còn có thể mua vé cho "Chuyến tàu kết nối di sản" dưới dạng vé tháng. Giá vé tháng là 900.000 đồng/vé và du khách cần mua tại trực tiếp tại các nhà ga.
Trên thực tế, những chuyến tàu nối liền 2 địa phương miền Trung nước ta là Huế và Đà Nẵng đã được nhiều du khách biết tới và trải nghiệm trước đây. Thời gian di chuyển của đoàn tàu kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, đi qua quãng đường khoảng 100km.
Tuy nhiên ở những đoàn tàu thông thường, du khách sẽ được lựa chọn toa giường nằm hoặc toa ghế ngồi. Ở "Chuyến tàu di sản" lại rất khác. Tàu có tổng cộng 7 toa, tuy nhiên không có toa giường nằm. Thay vào đó là 1 đầu máy kéo, 5 toa ghế ngồi mềm điều hòa cộng với 1 toa tàu đặc biệt - toa sinh hoạt cộng đồng. Đây là nơi diễn ra các hoạt động điểm nhất trong suốt thời gian tàu chạy, bao gồm các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật hay phục vụ ẩm thực, đặc sản địa phương dành cho mọi du khách.
Dù không có giường nằm nhưng ghế ngồi trên các chuyến tàu đặc biệt cũng được thiết kế sao cho đem lại sự thoải mái nhất cho du khách. Blogger Tuân Cuồng Chân chia sẻ: "Tàu chỉ có một loại chỗ ngồi duy nhất là ghế mềm điều hòa nhưng khoảng cách giữa các ghế rất rộng rãi, thoải mái để duỗi chân. Trên tàu cũng có trang bị chỗ sạc và khoang đựng hành lý rộng rãi".
Còn ở toa tàu đặc biệt, blogger này cũng nhận xét được trang trí theo phong cách rất đặc trưng, mà mỗi đoàn tàu khác nhau lại có cách trang trí khác nhau. Cửa sổ ở toa cộng đồng to hơn, phục vụ du khách ngắm cảnh. Những món ăn như bánh mỳ, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc - đặc sản của cố đô Huế hay các loại bún, trà, cà phê - đặc sản của Đà Nẵng cũng sẽ được bày bán trực tiếp tại đây.
Thậm chí có những món ăn nhiều du khách chưa từng nghe tên hay thưởng thức qua. Như món bánh mỳ làm từ bột chuối xanh, được chủ kênh Youtube Huế Việt Nam Ngày Nay - một du khách đến từ Huế chia sẻ. Với các món đồ ăn, nước uống trên tàu, du khách sẽ cần bỏ thêm chi phí để mua bởi không kèm trong giá vé tàu.
Toa cộng đồng là nơi du khách có thể được thưởng thức các chương trình biểu diễn, hay những món đặc sản địa phương (Ảnh Báo Quảng Nam, Blogger Tuân Cuồng Chân)
Như thường lệ, hành trình của "Chuyến tàu kết nối di sản" vẫn sẽ đi theo cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam, đi qua đèo Hải Vân - nơi được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Trên hành trình, đoàn tàu sẽ dừng đỗ tại ga Lăng Cô 10 phút để hành khách có thêm thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp hay lưu lại những tấm ảnh đẹp ở một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Cảnh vật 2 bên cửa sổ tàu khiến nhiều du khách phải trầm trồ. "Thật sự cảnh vật phải nhìn tận mắt mới thấy được hết cái đẹp, còn nếu chỉ qua ảnh thôi vẫn không thể lột tả hết được", Thu Hà, du khách 26 tuổi đến từ Hà Nội nói. Còn nói riêng về "Chuyến tàu kết nối di sản" hoàn toàn mới này, mọi du khách đều cảm nhận nó rất đáng để trải nghiệm.
Với mức giá không quá cao, thời gian di chuyển tương đối ngắn và loạt điểm nhấn, lãnh đạo các địa phương hi vọng chuyến tàu đặc biệt sẽ là một sản phẩm du lịch thu hút du khách, quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh Huế - Đà Nẵng cũng như đường sắt Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Đời sống và Pháp luật