MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện tình "cảm tử" bị cấm đoán suốt 30 năm của người đàn ông Việt lấy vợ Triều Tiên: Vượt thời gian, xuyên biên giới nhưng vẫn có 1 tiếc nuối duy nhất sót lại

16-02-2019 - 15:06 PM | Sống

Sau 48 năm yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và 30 năm ròng bị ngăn cấm, ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui vẫn đau đáu một nỗi tiếc nuối trong lòng.

Báo Straitstimes của Singapore ngày 14/2 đã đưa tin về chuyện tình giữa anh sinh viên Việt Nam Phạm Ngọc Cảnh và cô cán bộ nhà máy Phân đạm Hưng Nam của Triều Tiên Ri Yong Hui. Cặp đôi đã phải chờ đợi hơn 30 năm để được chính quyền Triều Tiên cho phép kết hôn.

Theo nguồn tin Reuters cho biết, năm 1967 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Cảnh là 1 trong 200 sinh viên Việt Nam được cử tới Triều Tiên để học tập phục vụ cho quá trình kiến thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Sau 4 năm miệt mài học tập chuyên ngành Cơ khí hóa chất tại Đại học Hóa học Công Nghiệp Hàm Hưng, ông Cảnh được nhận vào thực tập kỹ thuật hóa học tại nhà máy phân bón Hưng Nam, cũng thuộc tỉnh Hàm Hưng, miền Đông Triều Tiên.

Trong khi đó, bà Ri Yong Hui là con gái lớn của một gia đình nghèo ở vùng biển thuộc thành phố Hàm Hưng, Triều Tiên. Năm 1950, vì lo sợ chiến tranh, cha của bà lánh nạn sang miền Nam, để lại vợ cùng hai con nhỏ. Cô bé Hui lúc nhỏ học giỏi nhưng không có điều kiện học đại học, hết phổ thông thì về làm tại nhà máy Phân đạm Hưng Nam. Khi thực hiện công việc phân tích mẫu thí nghiệm trên tầng hai, cô phát hiện chàng thanh niên có gương mặt khôi ngô đứng dưới sân dõi nhìn. Từ ánh mắt đầu tiên, cả hai đã phải lòng nhau.

Chuyện tình cảm tử bị cấm đoán suốt 30 năm của cặp đôi Việt Nam - Triều Tiên: Vượt thời gian, xuyên biên giới nhưng vẫn có 1 tiếc nuối duy nhất sót lại - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui ngày 12/2 cầm bức ảnh đầu tiên hai người chụp với nhau. Ảnh: Reuters.

Chia sẻ với báo giới, ông Cảnh nói rằng: "Tôi tự nhủ, mình phải cưới cô gái đó" và lấy hết can đảm để tiếp cận người con gái mình thương để hỏi địa chỉ của bà. 

Về phần mình, bà Ri Yong Hui cũng cho biết: "Ngay khi nhìn thấy ông ấy, tôi biết đây là tình yêu của đời mình. Ông ấy rất tuấn tú. Tôi từng gặp rất nhiều chàng trai ngoại hình khá nhưng tôi không có cảm xúc. Nhưng khi vừa nhìn thấy ông ấy, trái tim tôi đã tan chảy. Chỉ là, tôi đã cảm thấy rất buồn vì nghĩ rằng tình yêu của mình sẽ không thể đến đích."

Từ đó họ bắt đầu một câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng cũng đầy gian khó trong lặng thầm và chia cách vì tại thời điểm đó, cả Triều Tiên và Việt Nam đều cấm công dân kết hôn với người nước ngoài. Sau này, Việt Nam đã bỏ quy định ấy nhưng Triều Tiên vẫn duy trì lệnh cấm. 

Sau khi trao đổi thư từ với nhau vài lần, bà Ri đồng ý cho ông Cảnh đến thăm nhà mình. Ông Cảnh mặc trang phục của công dân Triều Tiên để tránh bị nhận ra là người nước ngoài. Kể từ đó, hành trình trên xe buýt kéo dài 3 giờ đồng hồ và đi bộ thêm 2 cây số nữa đã trở thành thông lệ quen thuộc hàng tuần của ông Cảnh để tới thăm gia đình bà Ri, cho đến khi về Việt Nam năm 1973.

"Tôi đến nhà bà ấy bí mật cứ như đánh du kích vậy", ông nói.

Sau năm 1973, hai người liên lạc qua những bức thư xa cách, phải gọi nhau bằng "đồng chí" để che giấu tình cảm: "Đồng chí Ri Yong Hui lúc này có mạnh khỏe không", "Chúc đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao"...

Chuyện tình cảm tử bị cấm đoán suốt 30 năm của cặp đôi Việt Nam - Triều Tiên: Vượt thời gian, xuyên biên giới nhưng vẫn có 1 tiếc nuối duy nhất sót lại - Ảnh 2.

Từ 1973 - 1978, hai người liên lạc qua thư, ông Cảnh phải đề tên người nhận là mẹ của bà Ri cho đến khi cách trở, không thể gửi thư được nữa.

Năm năm sau - năm 1978, Viện Kỹ thuật hóa học Việt Nam mà ông Cảnh làm việc tổ chức một chuyến đi Triều Tiên. Do quá nhớ bà Ri, ông xin đi và tìm cách gặp lại người yêu của mình. Mỗi lần gặp nhau, họ lại càng thêm đau khổ vì nghĩ rằng không còn cơ hội tiếp theo nữa. Ông Cảnh đã định viết một lá thư gửi cho giới lãnh đạo Triều Tiên để đề nghị Bình Nhưỡng cho phép họ kết hôn. Tuy nhiên, bà Ri ngăn cản. Cuối cùng, ông không gửi thư mà nhắn nhủ hãy chờ mình.

Cuối những năm 1990, khi biết được tin Triều Tiên gặp nạn đói tàn khốc. Với tình cảm trong tim dành cho người mình yêu và người dân Triều Tiên, ông Cảnh đã liên hệ khắp nơi, vận động mọi mối quan hệ để quyên góp được số tiền tương đương với 7 tấn gạo từ bạn bè để gửi tới Triều Tiên.

Hành động đáng quý này của ông cuối cùng đã giúp hai người đến được với nhau. Những người Triều Tiên hiểu thiện chí của ông Cảnh nên đã đồng ý cho phép họ kết hôn. Hai người có thể lựa chọn sống ở cả 2 quốc gia, đồng thời vẫn cho phép Ri giữ quốc tịch Triều Tiên. 

"Cuối cùng, tình yêu đã chiến thắng tất cả", ông Cảnh nói.

Lần đầu tiên gặp nhau sau hơn 30 năm cũng chính là ngày cưới của Phạm Ngọc Cảnh và Ri Yong Hui tại đại sứ quán Việt Nam ở Triều Tiên. Người con gái của ông Cảnh lúc này 55 tuổi, những nếp nhăn đã xô đổ vẻ thanh tú trên gương mặt của người phụ nữ dành cả tuổi trẻ chờ người yêu quay lại. 

Chuyện tình cảm tử bị cấm đoán suốt 30 năm của cặp đôi Việt Nam - Triều Tiên: Vượt thời gian, xuyên biên giới nhưng vẫn có 1 tiếc nuối duy nhất sót lại - Ảnh 3.

Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui tại Hà Nội.

Do xa nhau quá lâu, giờ kết hôn thì tuổi tác cả hai vợ chồng ông bà đều lớn cả rồi, không thể có con được nữa, đây chính là nỗi tiếc nuối lớn nhất trong mối tình xuyên thời gian, vượt biên giới đầy cảm động của họ. 

"Đó là cái giá phải trả để có được điều mình nỗ lực nhiều năm mới có được." - Ông Cảnh nói trong tiếc nuối.

Tuy vậy, trong căn nhà ở khu tập thể Thành Công, người phụ nữ Triều Tiên không biết tiếng bản địa, chẳng có bạn bè vẫn an yên tận hưởng cuộc sống. Bà bảo đôi lúc cô đơn và nhớ quê mẹ nhưng có động lực là tình yêu sắt son, chung thủy của chồng nên mạnh mẽ vượt qua. Trải qua bao sóng gió: 2 năm yêu trong sự cấm đoán, 30 năm chờ đợi và không ít lần đau đớn vì bặt tin nhau, cuối cùng "Romeo và Juliette" phiên bản Việt - Triều đã có được hạnh phúc bên nhau.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên