MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện tối thứ 4: Phải luộc con ếch như thế nào? Đơn giản thôi - nhưng rất thú vị!

25-10-2017 - 19:08 PM | Doanh nghiệp

"Hội chứng ếch luộc" được dựa trên giả thuyết rằng nếu một con ếch được quẳng vào nước sôi, nó sẽ cố nhảy ra ngay lập tức, nhưng nếu cho nó vào nồi nước lạnh và đun nóng từ từ, nó sẽ không nhận ra sự nguy hiểm và sẽ bị nấu đến chết.

Bạn đã bao giờ thấy mình rơi vào trạng thái nghĩ rằng mình hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công việc, thậm chí khả năng vượt trội so với những ứng viên khác nhưng rốt cuộc vẫn không được lựa chọn? Hoặc, cơ hội ngay trước mắt, trong tầm tay mà bỗng bị người khác cướp mất?

Thực ra, đó là điều hoàn toàn có thể xảy đến với mỗi chúng ta. Nguyên nhân có khi do khách quan, nhưng phần lớn, bạn ngẫm xem, lại bắt nguồn từ chính bản thân mình. Nếu bạn ngồi lại, đánh giá lại quá trình để rút ra kinh nghiệm cho những lần sau – bạn chắc thắng. Nếu cứ ngồi than thở, trách móc – bạn chắc thua.

Không đủ sẵn sàng để đưa ra một quyết định quan trọng trong những thời điểm “bước ngoặt”

Chuyện kể rằng, có một chàng trai rất thích cô con gái của một ông chủ trang trại trong vùng. Lấy hết can đảm, cậu quyết định tới trang trại để cầu hôn. Ông chủ trang trại nhìn lướt qua cậu, rồi nói: “Hãy theo ta ra bãi cỏ kia, ta sẽ thả ra 3 con bò đực, nếu cậu tóm được đuôi bất cứ con nào, ta sẽ gả con gái cho cậu!”.

Cậu thanh niên hào hứng cùng ra bãi cỏ, và chờ đợi “nhạc phụ tương lai” thả con bò đầu tiên. Không lâu sau, cánh cửa chuồng mở ra, con bò đầu tiên chạy tới. Đây là lần đâu tiên cậu thấy con bò to đến vậy, cậu nghĩ, "chắc con này to nhất, chờ con sau vậy. Còn những 2 con bò mà!”. Thế rồi cậu đứng yên chờ con bò chạy qua.

Cánh cửa trại lại mở ra lần thứ 2. Lần này lại một con bò khổng lồ, thậm chí con to và dữ hơn con bò lúc nãy chạy ra. Nhìn từ xa, chàng trai đã run sợ: “Thật là một con bò to lớn, dữ dằn. Đây chắc là con bò dữ nhất rồi, con phía sau chắc không đáng sợ như thế được!”. Nghĩ thế, anh vội tránh qua bên để con bò chạy qua.

Cánh cửa mở ra lần thứ 3 với cơ hội cuối cùng cho anh. Từ xa, cậu đã vui mừng khi thấy, chú bò này bé nhỏ, lại rất hiền lành. Chú đủng đỉnh đi ra chứ không dữ dằn, năng động như 2 con trước đó. Cậu thầm nghĩ “Ông trời giúp ta đây mà” rồi vội lao ra túm lấy đuôi chú bò.

THẬT ĐÁNG TIẾC - CHÚ BÒ NÀY KHÔNG CÓ ĐUÔI.

Ông chủ trang trại nhìn cậu thanh niên: “Thật đáng tiếc, cậu đã bỏ qua quá nhiều cơ hội bởi tâm lý nhút nhát, chờ đợi may mắn. Cơ hội chỉ đến 1 lần, đằng này cậu có những 2 cơ hội trước đó mà không cố nắm bắt lấy, thì cậu không còn gì để trách móc số phận nữa!”.

Có rất nhiều khi, một cơ hội về công việc, một cơ hội kinh doanh đang ở ngay trước mắt bạn. Thế nhưng, bạn chợt đắn đo “mình đã sẵn sàng chưa?” “Mình có làm được không?” hay thậm chí “làm rồi sẽ ra sao?”… Hay có khi bạn nghĩ “để đó, nghĩ kỹ thêm đã” hay “chờ ít hôm gặp ông A bà B mình nhờ tư vấn thêm tí xem có nên làm không”…

Và rồi, bạn chẳng thể đưa ra quyết định nào cho những thời điểm then chốt, thời điểm bước ngoặt. Để đến lúc bạn nhìn lại thì mọi thứ đã trôi khá xa, cơ hội của bạn đã bị những người khác lấy mất. Vẫn luôn có ai đó tận dụng các cơ hội mà những người khác bỏ qua. Thật không may là khi bạn quyết định tận dụng cơ hội thì nó đã không còn ở đó nữa.

“Cơ hội giống như bình minh, nếu bạn chờ đợi quá lâu, bạn có thế bỏ lỡ nó” – William Arthur.

Bạn đã bao giờ thử nghĩ xem bạn phải luộc con ếch như thế nào chưa khi không may bạn không tìm thấy vung nồi? Rất thú vị!

Nếu bạn thả nó vào nồi nước nóng ngay từ ban đầu, nó sẽ nhảy phóc ra – đó là bản năng sinh tồn của nó. Để luộc được con ếch bạn không thể làm như thế. Hãy thả nó vào một cái nồi đựng nước ở nhiệt độ bình thường – nhiệt độ phòng thôi nhé. Chú ếch sẽ cảm thấy rất thoải mái – mát mẻ, yên bình trong chính môi trường nước mà chú thích. Chú sẽ ngồi yên để cảm nhận, tội gì chạy nhảy. Cũng vậy, khi bạn mới được tuyển dụng, chẳng công ty nào lập tức giao cho bạn một núi công việc, mà sẽ là những việc đủ để bạn phải bận rộn trong ngày, nhưng không quá căng thẳng, như chú ếch kia đang hưởng thụ vậy. Bạn làm việc và nhận lương thôi.

Để luộc con ếch, tiếp đó bạn đặt cái nồi có chú ếch lên bếp, tăng nhiệt độ lên – từ từ thôi nhé bạn, từng độ từng độ thôi – chú ếch sẽ thấy nước đang ấm lên, nhưng không sao, vẫn rất dễ chịu cơ mà - chú ếch cũng sẽ ngồi yên hưởng thụ. Cũng như vậy, lượng công việc đổ xuống đầu bạn lớn dần lên, với việc bạn được tăng thêm tí lương, có thêm tí thưởng. Bạn sẽ rất vui mừng, bởi, không sao, công việc nhiều lên tí nhưng mình có thêm tí thu nhập, mình có thêm tí tiền để mua sắm, để đi du lịch…

Rồi, khi nhiệt độ tăng dần lên mãi, nước trong nồi bắt đầu nóng lên, chú ếch đang từ từ cảm nhận nước nóng dần với vẻ dễ chịu tăng lên, đến một giai đoạn nước quá nóng, chú ếch cũng đã đến lúc không thể tự nhảy ra khỏi nồi được, và dần bị luộc chín – đó chính là cách để bạn luộc một chú ếch. Cũng vậy, bạn sẽ không thể nhận ra áp lực công việc ngày càng đè nặng lên bạn. Ban đầu bạn đang vui mừng vì làm thêm một tí để kiếm thêm thu nhập, và bây giờ, thậm chí bạn chẳng còn giây phút rảnh rỗi nào nữa. Công việc đang ập đến bạn từ tứ phía. Bạn mất luôn cơ hội nhảy ra khỏi nồi nước ngay từ lúc đầu.

"Hội chứng ếch luộc" được đưa ra dựa trên giả thuyết rằng nếu một con ếch được quẳng vào nước sôi, nó sẽ cố nhảy ra ngay lập tức, nhưng nếu bạn cho nó vào nồi nước lạnh và đun nóng lên từ từ, nó sẽ không nhận ra sự nguy hiểm và sẽ bị nấu đến chết.

Chúng ta đã quen với những việc thường ngày đã xảy ra và không hề muốn thay đổi, hay thậm chí sợ sự thay đổi. Còn khi đối diện với một sự thay đổi rõ rệt thì khi đó ta cuống lên, sợ hãi. Liệu khi đó ta có thể đối diện được với sự thay đổi hay không? Ta có thể chấp nhận sự thay đổi hay không? Khi đó có là quá muộn không?

Do vậy, hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi sự thay đổi. Hãy đối diện và chấp nhận những thay đổi đang diễn ra để có đối sách phù hợp. Đừng để mình dính vào "hội chứng ếch luộc" và mãi không thoát ra được tâm lý gò bó.

Tuy nhiên, “kiên nhẫn là âm thanh âm của tài phú”, nếu bạn có thể áp dụng đúng vào cuộc sống, mọi việc sẽ diễn biến thuận lợi với bạn.

Minh Giám

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên