MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt

23-09-2018 - 20:26 PM | Sống

Từ những mảnh ve chai, phế liệu vứt đi, sau hơn 20 năm trùng tu sửa chữa, trụ trì cùng các phật tử và nghệ nhân đã làm nên ngôi “chùa ve chai” (Chùa Linh Phước, TP Đà Lạt) với kiến trúc độc đáo, đẹp nức lòng du khách trong và ngoài nước.

Ngôi chùa khảm bằng hàng ngàn vỏ chai sành sứ

Chùa ve chai nằm cách trung tâm TP. Đà Lạt 8km theo quốc lộ 20. Nơi đây là một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương khi đến Đà Lạt. Ngôi chùa này tọa lạc trên diện tích khá rộng tại phường 11, được khảm bằng hàng triệu mảnh vỏ chai, chén bát vỡ, phế liệu đủ màu sắc.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 1.

Từ ngoài bước vào, du khách bị choáng ngợp trước sự đồ sộ của chùa ve chai.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 2.

Phần chánh điện của ngôi chùa. Đây là một trong những công trình được xây dựng rất kỳ công.

Theo nhà chùa, chùa Linh Phước được xây dựng từ năm 1949 và hoàn thành 3 năm sau khởi công. Vào năm 1990, Thượng tọa chủ trì ngôi chùa đã quyết định đại trùng tu ngôi chùa với quy mô lớn hơn và kiến trúc độc đáo bằng cách để các nghệ nhân khảm bằng hàng ngàn vỏ chai sành sứ.

Từ những năm 1990 đến nay, chùa Linh Phước liên tục được xây dựng thêm các công trình mới bằng mảnh chai độc đáo. Từ ngoài bước vào, du khách bị thu hút bởi những bức tượng, công trình đồ sộ: con rồng dài 49 m được làm bằng 12.000 vỏ chai lọ tại sân chùa (Hoa Long Viên), miệng rồng che phủ tượng Phật Di Lặc. Tại chánh điện dài 33 m, rộng 12 m có 2 hàng cột rồng khảm sành, bên trên là nhiều bức phù điêu khảm sành giới thiệu về lịch sử Phật Thích Ca và những điển tích trong các kinh Pháp hoa, kinh A di đà.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 3.
Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 4.

Đài Quan Thế Âm và Tượng Bồ Tát làm bằng 600.000 bông hoa bất tử

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 5.

Từng mảnh ve chai được lựa chọn tỉ mỉ để khảm lên từng chi tiết tại chùa.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 6.

Từ những mảnh ve chai bỏ đi, các nghệ nhân đã tạo nên một bức tranh đẹp tuyệt vời.

Trước sân chùa - Hoa Long Viên là tòa Linh Tháp 7 tầng cao hơn 37 m, được coi là tháp chuông chùa cao nhất Việt Nam. Trong lòng tháp treo Đại Hồng Chung cao 4,3 m, miệng chuông rộng 2,33 m, nặng 8.500 kg, được đúc vào năm 1999, trước đây được xem là chuông nặng nhất Việt Nam. Hiện nay chiếc chuông nặng nhất Việt Nam thuộc về chuông tại Bảo Tháp của Chùa Bái Đính (Ninh Bình). Trước sân chùa là đài Quan Thế Âm. Ngoài ra, nơi đây còn có nhà trưng bày đá quý, sành sứ cổ và đồ gỗ mỹ nghệ. 

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 7.
Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 8.
Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 9.

Để làm nên những công trình tuyệt mỹ này, hàng triệu mảnh sành sứ đã được các nghệ nhân và tăng ni phật tử tỉ mỉ gia công bằng tay.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 10.

Vẻ đẹp lộng lẫy bên trong chánh điện của ngôi chùa.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 11.

Du khách thích thú ngắm nhìn ngôi chùa ve chai.

Xin ve chai từ nhà máy bia rượu và gom mua từ người dân

Để làm nên ngôi chùa này, Đại đức Thích Hạnh Định, Trị sự chùa Linh Phước cho biết, đây là công sức của những nghệ nhân gạo cội đến từ cố đô Huế cùng tăng ni phật tử tại chùa trong hơn 20 năm qua. Các công trình trong chùa hoàn toàn không có bản vẽ cố định xuyên suốt, các nghệ nhân triển khai trên ý tưởng, chủ đề do các sư thầy nói ra.

Và để có đủ miếng, ve chai, sành sứ cho công trình này, các sư thầy đã phải xin ve chai từ nhà máy bia rượu, chén bát và đi gom mua từ người dân sống ở đây. Sau khi thu gom, các sư thầy phải xúc rửa từng món rồi cắt ra từng mảnh để khảm một cách tỉ mỉ và dày công. "Cách đây 10 năm, diện tích khảm miếng là 6.666,84m2. Cho đến nay, diện tích tăng rất nhiều không thống kê hết" - Đại đức Thích Hạnh Định nói.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 12.

Du khách bên chiếc chuông nặng nhất Việt Nam

Theo Đại đức, ý tưởng làm chùa bằng ve chai không phải là ý tưởng mới mà trước đó, rất nhiều công trình đặc sắc ở Huế cũng mang lối kiến trúc này. Để làm nên ngôi chùa này, ban đầu các nghệ nhân phải tạo phần cốt bằng xi măng với các hoa văn và hình rồng. Sau đó, nghệ nhân chọn ra những mảng miếng đắp vào từng chi tiết với màu sắc khác nhau. Ví như thân rồng thì phải đắp bằng chai bia màu xanh. Vảy sẽ đắp bằng chén sứ màu hồng, trắng… Từ đó, các thầy cùng nghệ nhân sẽ gọt từng mảnh miếng để khớp với hoa văn đó.

Một trong những việc khó khăn nhất là cắt chai bằng thủy tinh. Đặc biệt, tất cả các công đoạn đều thực hiện thủ công, rất tỉ mỉ và nhọc nhằn. Theo đó, các thầy phải nhóm bếp củi và nung nóng một cây sắt tròn rồi đặt chai vào lăn cho nóng, nhúng vào nước lạnh để cắt đi phần dư. Từ những thân chai đã cắt, các nghệ nhân mới dùng dao cắt kính để mài gọt nên từng mảnh miếng với hình thù khác nhau.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 13.

Tượng Khổng tước vương (chim công) bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam.

Đại đức Thích Hạnh Định chia sẻ: "Mảnh chén rất bén, đụng đến là chảy máu. Chuyện đứt tay đứt chân là rất bình thường. Nhưng khi làm quen rồi không bị nữa. Sau một thời gian, các thầy trở nên thuần thục với công việc đó".

Chị Nguyễn Quỳnh Như (du khách đến từ TP HCM) cho biết: "Tôi đã nghe về ngôi chùa này rất nhiều nhưng khi đến đây, tôi thật sự choáng ngợp với các công trình. Nó không những đẹp mà còn rất kỳ công".

Trong khi đó, các du khách nước ngoài đến đây đều tỏ ra thích thú với sự độc đáo của ngôi chùa: "Ngôi chùa quá đẹp. Tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi kiến trúc và sự tỉ mỉ của những người làm nên ngôi chùa", Julie – du khách người Pháp hào hứng cho biết.

Chuyện về những người đi nhặt ve chai để xây nên ngôi chùa khảm miếng lớn nhất Đà Lạt - Ảnh 14.

Chị Julie thích thú ngắm nhìn ngôi chùa.

Với các công trình độc đáo của mình, chùa Linh Phước hiện được công nhận 11 kỷ lục Việt Nam, kỷ lục châu Á và Thế giới. 

Trong đó có thể kể đến: tháp chuông cao nhất Việt Nam (36 m); Tượng Phật bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam; Tượng Bồ đề Đạt Ma bằng gỗ lớn nhất Việt Nam; Tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 600.000 bông hoa bất tử; Tượng Khổng tước vương (chim công) bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; Ngôi chùa tạo tác bằng khảm miếng nhiều nhất; Gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam; Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam (dài 15 m); "Song tùng bách hạc"- tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục Việt Nam. Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất Việt Nam; Công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam (chiều dài đường hầm địa ngục khoảng 300m).

Theo Quân Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên