MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển về quê vì bài toán kinh tế, bà mẹ trẻ có những chia sẻ rất thú vị

30-05-2023 - 10:45 AM | Lifestyle

Bài toán kinh tế khi có con nhỏ là lý do chính khiến nữ youtuber trẻ tuổi và chồng quyết định chuyển về quê để sinh sống.

"Thời điểm đó, cả nhà mình ở thành phố Nha Trang để tiện cho công việc của 2 vợ chồng. Mình dự tính, sau dịch Covid-19 thì du lịch cũng phát triển trở lại và đương nhiên, phí thuê nhà sẽ tăng, ít nhất cũng phải 10 - 15 triệu đồng/tháng. 

Ngoài ra, chi phí sinh hoạt có thể cũng bị kéo theo nên khi tiếp tục cuộc sống ở thành phố, mọi thứ rất đắt đỏ. Chưa kể, nếu sinh thêm em bé thì nhà mình sẽ cần chuyển đến một căn hộ lớn hơn. Nghĩ tới đây, vợ chồng mình quyết định về quê, xây dựng một căn nhà nhỏ để phù hợp với kinh tế hơn." - Ngọc Anh nhớ lại.

Chuyển về quê sống cuộc đời đẹp như trong phim nhưng nữ youtuber này cũng từng stress 1 thời gian dài, lời khuyên đưa ra khiến nhiều người "thức tỉnh" - Ảnh 1.

Đào Thị Ngọc Anh (25 tuổi), hiện là mẹ nội trợ toàn thời gian và đang sở hữu kênh youtube có tên "Hana Konichiwa".

Lựa chọn an toàn nhưng vẫn không thoát khỏi cảm giác hụt hẫng sau khi "bỏ phố về quê"

Hiểu rõ cuộc đời của mình sẽ trở nên như thế nào, có hạnh phúc hay không đều là do cách mình lựa chọn. Cái gì cũng có hai mặt của nó nên mỗi sự lựa chọn đều đòi hỏi chúng ta phải trả giá, Ngọc Anh và chồng đưa ra quyết định an toàn nhất để dễ dàng cân bằng cuộc sống sau khi chuyển về quê.

"Vợ chồng mình lựa chọn về sống ở một ngôi nhà nhỏ nằm tại khu ngoại ô thành phố Nha Trang, cách trung tâm thành phố chừng 20km. Với khoảng cách địa lý này, cả nhà mình vẫn có thể được trải nghiệm cuộc sống thanh bình, gần gũi với thiên nhiên ở quê còn chồng mình vẫn có thể di chuyển vào thành phố làm việc. Hơn nữa, cuộc sống cũng sẽ hạn chế tối đa những bất tiện, thiếu thốn (nếu có)", Ngọc Anh chia sẻ.

Chia sẻ thêm về việc dù ý thức được cuộc sống ở quê sẽ khác xa với thành phố, điều kiện ít nhiều sẽ thiếu thốn hơn nhưng vẫn chọn, Ngọc Anh nói:

"Lúc biết tin có em bé thứ 2 là lúc mình đang trong thời điểm giãn cách xã hội. Mình bị bó buộc trong một căn hộ vài tháng. Và sau đó cả nhà bị Covid-19, lại tiếp tục chuỗi ngày cách ly nữa. Nên mình thấy thành phố ngày càng ngột ngạt, nếu như thời điểm đó mà mình ở quê thì vẫn có thể hít khí trời và hòa mình vào cây cỏ xung quanh nhà. Vì với mình, thiên nhiên cũng là một liệu pháp chữa lành.

Chưa hết, mình cũng muốn cho cả 2 con đều lớn lên trong sự đầy đủ. Thật may trước đó chúng mình đã mua được một mảnh đất nhỏ này từ năm 2021 nên sau khi giãn cách xã hội, cả 2 quyết định về quê, xây một căn nhà nhỏ để phù hợp với kinh tế hơn."

Cuộc sống của gia đình Ngọc Anh trôi qua nhẹ nhàng, bớt đi những áp lực và gánh nặng về kinh tế sau khi chuyển về quê.

Mỗi người có thể có những giá trị giống nhau và khác nhau. Đây chính là cái thang bậc thể hiện thứ tự ưu tiên của những gì chúng ta coi trọng. Nhưng tôi tin rằng, hầu hết những người lựa chọn "bỏ phố về quê" đều đặt cảm giác hạnh phúc, sự bình yên lên nấc cao nhất. Tuy nhiên, cuộc sống này không phải chỉ đơn giản là bạn cứ trở về quê thì sẽ chạm tay đến đỉnh hạnh phúc.

Để đạt được điều đó, bạn sẽ cần phải đối mặt và giải quyết với rất nhiều vấn đề, rất nhiều trải nghiệm. Ngọc Anh - nữ youtuber với những tập vlog chia sẻ về cuộc sống đời thực nhưng đẹp như phim cũng thế. Mẹ của hai đứa nhỏ "full-time" cho biết, vài tháng đầu sau khi chuyển về quê sinh sống, dù cách thành phố không xa nhưng cô cũng bị stress khá nặng.

Ít ai biết rằng, đằng sau cuộc sống tưởng chừng như chẳng còn gì phải lắng lo này, Ngọc Anh cũng từng phải đối mặt với stress trong thời gian khá dài sau khi chuyển về quê.

"Sẽ có nhiều khó khăn và thuận lợi khi sống xa thành phố. Tất cả đều ít sự lựa chọn hơn dù mình cũng đã chuẩn bị tâm lý nhưng vẫn không khỏi hoang mang", Ngọc Anh tâm sự.

Bài toán kinh tế được giải quyết, tiết kiệm tới 70% nhưng ở quê cũng có rất nhiều hạn chế

Theo Ngọc Anh, dù đã chọn vị trí nhà ở cách không quá xa thành phố nhưng cô vẫn cảm nhận được khá nhiều và rõ rệt những khó khăn cũng như hạn chế của cuộc sống ở nơi đây.

"Điển hình là chỗ làm của chồng mình, hay những khu hành chính, chợ và bệnh viện,… xa hơn rất nhiều. Nơi đây bị hạn chế các cửa hàng tiện lợi và dịch vụ. Rất ít hàng quán và hầu như không có khu giải trí cho em bé", Ngọc Anh nghĩ rằng đây sẽ là điều mà bất cứ ai khi lựa chọn chuyển về quê để sinh sống đều lường trước nhưng vẫn luôn bị hụt hẫng, tạo cảm giác khó chịu ban đầu.

Tuy nhiên, bỏ qua hạn chế này, Ngọc Anh cũng nói thêm về những thuận lợi của cuộc sống ở quê:

"Còn về thuận lợi thì vô vàn lí do để nói. Chi phí sinh hoạt của gia đình sẽ giảm đi rất nhiều. Không khí trong lành, đỡ xô bồ, không phải hít khói bụi và ô nhiễm tiếng ồn. Con cái không bị áp lực với học hành hay thi đua điểm số, con sẽ được khám phá thiên nhiên nhiều hơn.

Đơn cử, ở thành phố, chi phí sinh hoạt, ăn uống hàng tháng của gia đình mình từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Chưa kể phí thuê nhà và học phí cho con, tầm 10 triệu đồng nữa. Tổng cộng hết khoảng 25 triệu đồng/tháng. 

Với khoản chi này thì mỗi tháng mình sẽ không mua sắm gì quá đắt đỏ nhưng phí sinh hoạt cao là vì mình thường bị cám dỗ bởi siêu thị, hàng quán, các dịch vụ giải trí,... Hầu như chỉ bước chân ra đường là mọi thứ tiện nghi đều có sẵn.

Ví dụ như có những lúc mình chỉ muốn mua một thứ ở siêu thị thôi, nhưng đến khi bước vào thì có ti tỉ thứ mình muốn mua. Và đôi khi mua lại không kiểm soát rằng mình có thực sự đang cần món đồ đó hay không. Ngoài ra còn phải kể đến những lúc chúng mình thèm ăn cái gì đó thì thường ra ngoài ăn chứ ít khi nấu nướng. 

Đến khi về quê thì muốn ăn cái gì cũng sẽ tự phục vụ. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí ăn uống lại đảm bảo sức khoẻ. Nhà mình được dịp ủng hộ nông sản địa phương mà giá cả lại rất rẻ và chất lượng nữa.

Nói chung, chi phí sinh hoạt sau khi về quê của mình chỉ hết tầm 10 triệu đồng/tháng. Với mình, đây là mức chênh lệch khá lớn rồi và nhờ đó mình có thể tiết kiệm được nhiều hơn."

Sau khi chuyển về quê sinh sống, Ngọc Anh khẳng định, chi phí sinh hoạt là khoản mục có sự thay đổi lớn nhất trong gia đình.

Nói về vấn đề y tế, Ngọc Anh cho biết, vì nhà ở hiện tại cách không xa thành phố nên gia đình cô vẫn ưu tiên bệnh viện nơi chồng cô đang công tác.

"Y tế không phải vấn đề với gia đình mình, nhưng trường học thì đúng là cơ sở không xịn như ở thành phố. Tuy nhiên số lượng học sinh lại ít hơn, đỡ ganh đua hay những tệ nạn xã hội khác và chi phí chỉ hết khoảng 1 triệu đồng/tháng - rất rẻ. Mình sẽ cho con theo học trường xã một thời gian, nếu thấy con có vấn đề hay như thế nào đấy thì lúc đó mới tính đến chuyển trường. 

Nói chung là mình cũng muốn con mình khi về quê thì sẽ hòa nhập với cộng đồng ở đây, mình không muốn khác biệt. Vả lại hồi còn nhỏ thì cả 2 vợ chồng mình cũng học ở quê nên cũng muốn con được trải nghiệm học ở một vùng quê thì cô giáo và các bạn sẽ như thế nào. Chúng mình vẫn sẽ luôn sát sao con những lúc con cần" - Ngọc Anh nói tiếp.

Cuối cùng, Ngọc Anh đưa ra lời khuyên cho những người đang có dự định về quê sinh sống như sau:

"Theo mình thì mỗi nhà sẽ có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nếu bạn về quê những vẫn tiếp tục công việc ở thành phố thì điều này sẽ giúp giảm gánh nặng về tài chính (vì hiện tại nhà mình vẫn vậy, ở ngoại ô nhưng mỗi ngày chồng mình vẫn vào trung tâm thành phố để làm việc). 

Còn nếu về quê mà bỏ hết công việc, muốn làm lại từ đầu thì bạn phải chuẩn bị tài chính, tâm lý, sức khỏe thật kỹ càng chứ đừng ham theo đuổi hai chữ bình yên. Ở đâu cũng thế thôi, đừng để bản thân phải chật vật quá chỉ vì theo đuổi sự bình yên, hãy làm mọi thứ khi bạn đủ sẵn sàng.

Đương nhiên, về quê thu nhập thấp hơn thành phố nhưng không đồng nghĩa là không có con đường để phát triển sự nghiệp. Nhiều người họ rời thành phố chỉ để về quê khởi nghiệp từ những công việc như nông sản, trồng trọt chăn nuôi, hay có thể mở những dịch vụ mà ở quê chưa có, vừa có thêm thu nhập hằng ngày và làm cho vùng quê đó ngày càng phát triển. 

Mỗi người về quê sẽ có một ý chí khởi nghiệp khác nhau nên nếu có ý tưởng thì bạn nên thử và bắt tay vào làm, biết đâu những việc nhỏ lẻ lại là bước đệm để bạn đưa công việc đó tiến xa hơn."

Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật - Ảnh: NVCC

Theo Lam Anh

Tổ Quốc

Trở lên trên