MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện về vị "thám tử nghệ thuật" vĩ đại nhất thế giới: Khắc tinh của siêu trộm, dành cả đời truy lùng những kiệt tác bị đánh cắp mà không đòi trả công

07-05-2020 - 20:47 PM | Sống

Trong giới điều tra, trộm kiệt tác nghệ thuật là kiểu vụ án khó phá giải nhất, với chỉ có khoảng 5-10% các tác phẩm bị mất được thu hồi.

Arthur Brand (1968) là một vị đại sứ nghệ thuật, kiêm nhà điều tra lừng lẫy tiếng tăm người Hà Lan. Ông có công tìm được hơn 200 bức tranh, tạo tác nghệ thuật bị đánh cắp, trong đó có cả kiệt tác của các đại danh họa như Picasso hay Vincent van Gogh.

Người đàn ông tiếp nối công việc bỏ dở của cảnh sát

"Mọi người rất dễ bị hoang mang trước một vụ trộm kiệt tác nghệ thuật," - Arthur Brand, thám tử nghệ thuật người Hà Lan cho biết. "So với các kiểu trộm khác, nó ít gây tổn hại hơn. Công chúng cũng có chiều hướng hồ nghi chính người sở hữu, bảo tàng, phòng trưng bày đã cố tình dựng chuyện, nhằm nâng cao giá trị của các tác phẩm."

Ngay sau khi tiếp nhận báo án, cảnh sát sẽ vào cuộc điều tra. Họ tới hiện trường, thu thập bằng chứng, dấu vết, khoanh vùng đối tượng tình nghi… Tuy nhiên, cảnh sát không phải là các nhà thẩm định nghệ thuật. Họ ít am tường về giá trị, cũng như con đường mua bán, trao đổi kiệt tác nên vấp phải rất nhiều khó khăn. Thường thì sau khoảng 2 năm, vụ án sẽ tạm dừng lại. Có đến 90-95% các vụ trộm nghệ thuật lặng lẽ đi vào quên lãng.

Arthur Brand (1968) và một số tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp đã được chính ông tìm lại

Sản phẩm nghệ thuật là vật không thể định giá. Một bức tranh có thể đáng tiền hàng chục triệu đô, nhưng cũng có thể chẳng đáng mấy tiền. Nhưng kẻ trộm tranh thì vẫn phạm tội ăn cắp. Giới điều tra có trách nhiệm và nghĩa vụ bắt chúng phải trả giá cho tội trạng của mình.

Vì lẽ đó, Arthur Brand đã vào cuộc. Ông tiếp nối các vụ việc điều tra trộm nghệ thuật, tìm ra tác phẩm bị đánh cắp đem về trả cho khổ chủ. Tùy vào mức độ khó dễ của vụ án, Brand có thể mất đôi tháng hoặc vài năm. Có lần, ông đã mất hẳn 8 năm mới giải quyết được một vụ trộm tranh.

"Chẳng ai trả tiền cho tôi, nhưng biết đâu tôi lại chẳng viết thành sách và được dịch ra tới 7, 8 thứ tiếng."

Arthur Brand

Thuở thanh niên, Brand từng có một thời gian làm sinh viên trao đổi ở Tây Ban Nha. Ông tham gia một cuộc truy tìm kho báu và bị mê hoặc. "Tôi quyết định sẽ trở thành một nhà điều tra nghệ thuật và bắt đầu tìm đọc các câu chuyện về trộm nghệ thuật trên báo," - Brand nhớ lại. Ông tự tin là thám tử nghệ thuật duy nhất trên thế giới.

Có điều, thám tử nghệ thuật duy nhất này không hề được trả lương. Vì Band điều tra tình nguyện nên thu nhập chỉ có "lời cảm ơn" nhưng... không kèm hậu tạ là chính. Duy nhất một lần, ông được bảo tàng thuê và trả công. Còn lại thì thỉnh thoảng lắm, Band mới được trả ơn bằng tiền mặt. Trong khi đó, mọi khoản chi phí điều tra thông tin, đi lại, ăn ở, ra nước ngoài… ông đều phải tự chi trả.

"Đây là công việc cực kỳ khó khăn," – Brand thừa nhận. "Bạn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí rơi cả máu nhưng chẳng có ai trả cho mình đồng nào cả. Nhưng mà sau này bạn có thể viết sách về nó, rồi còn có khả năng được dịch ra đến 7, 8 thứ tiếng cũng nên."

Tháng 12 năm 2019, Brand đã "bán" câu chuyện kể lại quá trình theo đuổi chiếc nhẫn bị đánh cắp của đại văn hào Oscar Wilde (Anh) và nhận được 3000 bảng (tương đương 87,7 triệu VNĐ).

Vinh quang khi thành công, cay đắng bẽ bàng nếu lỡ nhầm lẫn

"Điều tra trộm nghệ thuật là một cuộc đua với thời gian,"- Brand cho biết. "Bạn phải luôn trong tư thế sẵn sàng suốt 24/7, bởi các cơ hội nắm bắt thông tin, xác thực sẽ một đi không trở lại trong nháy mắt."

Kẻ trộm nghệ thuật luôn tìm cách bán tống bán tháo, còn người mua lại không hề hay biết tậu phải đồ ăn cắp. Một số họ giữ chúng thưởng thức, một số khác thì đem tặng hoặc lại tiếp tục bán đi.

Tháng 3/2019, Brand tìm được bức họa Buste de Femme của Picasso bị đánh cắp 20 năm trước. Nhân vật đang giữ nó là một người đàn ông 50 tuổi, có khuôn mặt phúc hậu. Rất lâu trước đây, ông được 2 doanh nhân người Hà Lan đến nhà chơi tặng làm quà. Hai doanh nhân nọ cũng chỉ mua Buste de Femme từ người khác.

Trị giá của Buste de Femme rơi vào khoảng 70 triệu bảng. Ngoài nó, Brand cũng đang lần tìm hàng chục tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng khác, ước tính tổng giá trị lên đến 250 triệu bảng Anh. Đến nay, ông đã phát hiện và thu hồi hơn 200 tác phẩm nghệ thuật khác nhau, trong đó có một bức tranh khảm cổ xưa bị thất lạc từ 1600 năm trước và bức họa "Adolescence" của họa sĩ siêu thực Salvador Dalí (Tây Ban Nha).

Cuối năm 2018, Brand nhận được cuộc gọi từ Đức của một đại diện nghệ thuật người Iran. Người này trình bày việc có 3 đặc vụ Iran gặp anh ta, hỏi xin lại bản thảo từ Thế kỷ XV của Divan, thi tập nổi tiếng của nhà thơ Iran được sùng bái nhất - Hafez (1315-1390). Nó bị mất cắp từ 11 năm trước và Brand cũng đang tìm kiếm. Vì chậm chân hơn, ông chấp nhận để 3 đặc vụ Iran nọ mang nó về nước.

Chuyện về vị thám tử nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới: Khắc tinh của siêu trộm, dành cả đời truy lùng những kiệt tác bị đánh cắp mà không đòi trả công - Ảnh 1.

Brand chậm chân trong việc phát hiện tập thơ Divan của Hafez này nên phải nhường cho Iran

Năm 2002, một trong những tên trộm nghệ thuật khét tiếng nhất thế giới là Octave Durham (Hà Lan) trót lọt đánh cắp 2 bức họa của Van Gogh. Brand cũng lập tức lên đường truy tìm 2 bức tranh nhưng bất thành. 1 năm sau, Durham bị cảnh sát thộp cổ, tống vào tù 2 năm. Cuối năm 2018, Brand vô tình chạm mặt Durham trên đường. Nhà điều tra và kẻ trộm nhìn nhau chằm chằm, cuối cùng quyết định… mời nhau một cốc bia.

Trong quán bar, Durham trêu chọc Brand: "Ông chẳng thể nào tìm kiếm được chúng đâu". Brand tự tin trả lời, "Tôi vẫn còn thời gian kia mà".

Chuyện về vị thám tử nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới: Khắc tinh của siêu trộm, dành cả đời truy lùng những kiệt tác bị đánh cắp mà không đòi trả công - Ảnh 2.

Octave Durham - gã trộm tranh chuyên nghiệp khét tiếng người Hà Lan

Trên hành trình làm nghề đầy vất vả, vị thám tử nghệ thuật này cũng từng nhầm lẫn đến mất mặt. Vào năm 2019, ông đang hạnh phúc tột độ vì đã tìm ra chiếc nhẫn của Oscar Wilde thì hay tin đó chỉ là đồ giả. Chiếc nhẫn thật của Wilde có chữ khắc ở mặt trong, còn chiếc nhẫn ông tìm được lại có chữ khắc ở mặt ngoài.

Chuyện về vị thám tử nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới: Khắc tinh của siêu trộm, dành cả đời truy lùng những kiệt tác bị đánh cắp mà không đòi trả công - Ảnh 3.

Chiếc nhẫn giả - thứ khiến Brand phải chịu thất bại trong bẽ bàng

"Tôi không tin," - Brand nổi cáu. "Tôi có thể không biết lái xe, không thay nổi cái bóng đèn nhưng không đời nào lại phạm sai lầm ấu trĩ thế này trong công việc". Ông điên cuồng lục tìm các tài liệu về Wilde, cuối cùng phát hiện ghi chép của nhà văn về chiếc nhẫn, xác nhận nó đúng là khắc chữ ở mặt trong chứ không phải mặt ngoài.

Tham khảo Bbc

Theo Vũ Huế

Trí thức trẻ

Trở lên trên