MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi "dám làm người tốt"

13-10-2020 - 10:18 AM | Doanh nghiệp

"Một miếng vải vụn bỏ đi nếu biết sử dụng nó sẽ tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Một người khuyết tật cũng vậy, nếu đặt họ đúng chỗ sẽ tạo nên giá trị cho cuộc sống này", anh Lê Việt Cường chia sẻ trong chương trình "Dám sống" phát sóng trên VTV đầu tháng 10 vừa qua.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 2020 năm nay, Trí Thức Trẻ chia sẻ câu chuyện về anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art), một xưởng sản xuất đồ thủ công bằng những mảnh lụa của làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Các sản phẩm của Vụn được tạo ra từ bàn tay của những người khuyết tật nhưng được Thành phố Hà Nội thẩm định đánh giá OCOP 4 sao – hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu.

Khi tôi tới gặp anh Lê Việt Cường, cả xưởng đang tất bật hoàn tất một đơn hàng trung thu cho một doanh nghiệp viễn thông lớn trong nước. Trong một căn phòng rộng chừng hai chục mét vuông, hơn chục con người đang cắt dán, đính những mảnh lụa bé xíu tạo nên một bức tranh lân sư múa bên trăng đầy màu sắc trên túi vải.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 1.

Để có được những đơn hàng như thế này, anh Cường đã phải mất gần 2 năm, gõ cửa 17 phường của quận Hà Đông để vận động người khuyết tật đi học nghề.

Nhà văn Paulo Coelho khi viết tiểu thuyết "Nhà giả kim" có câu: "Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó". Con đường mà anh Lê Việt Cường xây dựng Vụn Art cho thấy khi bạn dám làm người tốt và chính trực thì sẽ tìm được hướng đi dù phải đối mặt với bất cứ khó khăn nào.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 2.

Quyết định nào khiến anh thành lập Vụn Art?

Căn bệnh bại liệt năm 1 tuổi đã khiến tôi trở thành một người khuyết tật. Tôi học ngành toán tin, nhưng không tìm được việc làm, may có giáo sư Nguyễn Tài Thu nhận làm giúp việc. Tôi đã làm việc tại viện Châm cứu của giáo sư Thu trong 14 năm, giúp thầy soạn bài phát biểu, chấm đề tài nghiên cứu sinh, xếp lịch cho bệnh nhân…

Nhưng sau này khi thầy Thu nghỉ hưu, các cô chú ở viện thương tôi vất vả nên giới thiệu sang một công ty nhà nước làm. Làm được 7 tháng thì tôi nghỉ, xin vào làm một công ty tư nhân về phân phối thuốc và khẩu trang. Tôi vẫn làm việc ở đó đến tận bây giờ, gắn bó sang đến năm thứ 8, còn Vụn Art mới bắt đầu được 2 năm.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 3.

Trước Vụn Art tôi đã làm một mô hình tạo việc làm cho người khuyết tật là Kym Việt (làm thú nhồi bông bằng cát), tôi là người đầu tiên sáng lập ra nó. Nhưng khi điều hành Kym Việt tôi nhận ra rằng, mô hình này chỉ thay đổi tư duy của người khuyết tật và một chút cộng đồng khi tiếp cận vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên sản phẩm cạnh tranh chứ không phải mua bằng tình thương. Quan điểm của tôi ngay từ đầu là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật. Nhưng mô hình này không nhân rộng được và không tạo ra được nhiều giá trị về việc làm vì những sản phẩm này không phải sản phẩm tiêu hao như quần áo, đồ vải…

Một lần anh Nguyễn Văn Trường, phó Bí thư thường trực quận uỷ, cũng là một hoạ sỹ xuống thăm xưởng của tôi ở Kym Việt. Anh ngồi ghép vải vụn từ xưởng của tôi và nói: "Cường ơi, bắt đầu từ cái này, hết giờ làm việc anh sẽ dạy nhưng Cường phải cử người đi học kỹ thuật tranh ghép vải".

Tôi cũng hỏi anh Vinh (ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Bros, cố vấn cho Vụn Art) về tranh ghép vải trên lụa, anh Vinh xem xong bảo: "Làm được Cường ạ, mình gắn với trải nghiệm tranh dân gian trước, sau này nghĩ sản phẩm để đi kèm nó. Nhưng cái này làm vất vả, Cường có làm được không?".

Sau đó tôi đi khắp 17 phường của quận Hà Đông để tìm người khuyết tật, vận động họ tham gia lớp học. Những người thầy đầu tiên tôi mời về dạy các bạn khuyết tật ngoài anh Trường còn có thầy Hoàng và hoạ sĩ Đặng Thị Khuê.

Ban đầu tôi tuyển được 10 người, dùng tiền tích cóp cá nhân để hỗ trợ tiền học, tiền ăn cho họ. Trong thời gian làm Kym Việt, đêm hôm tôi còn đi làm thêm cho các giáo sư lớn tuổi vì các thầy sử dụng máy tính không tốt và tôi có kinh nghiệm chấm bài cho nghiên cứu sinh ngành y, nên cũng có một khoản tích cóp. Sau này, còn được một quỹ hỗ trợ các cháu thuê giảng viên, và tiền ăn trong 6 tháng. Mỗi cháu có khoản kinh phí 1,2 triệu/tháng để yên tâm học nghề.

Tháng 6/2018, khi thay nghề của các cháu vững vững, tôi chọn Vạn Phúc vì gắn với làng nghề dệt lụa, và có du lịch gắn trải nghiệm. Tôi đã làm việc với Phường để cho thuê giảm giá, chuyển các bạn về.

Tại sao anh lại chọn tên Hợp tác xã là Vụn?

Tôi chọn tên "VỤN" với ý nghĩa: Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vải vụn nhỏ, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng giống như chất keo kết dính chúng tôi lại thành mảng lớn hơn, khi chúng ta ghép thành miếng vải lớn thì trên miếng vải đó sẽ vẽ được giấc mơ của mình. Khi đó không còn là VỤN bé nhỏ nữa.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 4.
Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 5.

Vụn muốn phát triển các sản phẩm tiêu hao, tức là túi, áo phải giặt được, vậy quá trình phát triển sản phẩm của Vụn diễn ra như thế nào?

Đầu tiên Vụn làm tranh. Xác định đây là nghề dành cho người khuyết tật chứ không đào tạo người khuyết tật trở thành hoạ sỹ, chúng tôi chọn ghép tranh dân gian bằng lụa, giữ nguyên mẫu. Nhưng những ngày đầu tay nghề của các bạn chưa hoàn thiện, tranh không bán được, trong suốt 11 tháng không có doanh thu, đầu ra rất thấp. Tháng 3/2019, tôi ngồi với anh Vinh, anh Vinh gợi ý hay làm túi. Nhưng ghép lụa lên phải giặt được vì nếu không giặt được thì cũng như bức tranh, mình phát triển dòng sản phẩm tiêu hao nhưng giặt như thế nào, keo lấy ở đâu.

Thế là tôi đi tìm keo. Năm đó có giáo sư Nakazima là một giáo sư ở trường đại học sang tặng tôi 3 cái xe lăn, vì tôi làm Chủ tịch Hội người khuyết tật của quận Hà Đông. Tôi nói với ông đang cần tìm keo và ông giới thiệu cho keo của Nhật, có thể giặt được. Tôi thử, nhưng chỉ 2 lần là bong.

Sau đó, một người bạn giới thiệu anh Phương làm CEO một công ty trang thiết bị y tế, anh giới thiệu một loại keo của Mỹ có thể dán trên vải, nhưng phải mua ít nhất 100 lọ chứ không bán lẻ. Tôi quyết định mua về làm thử, đi chào hàng khách hàng ai cũng thích lụa lên rất đẹp nhưng giặt 3-4 lần lại bung.

Tôi đã đi vào Sài Gòn để tìm, nhưng không có, lúc đấy đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Tôi đã ngồi rất nhiều lần ở các hàng dán decan trên áo phông, họ bảo dán lên lụa là chất liệu khó nhất. Tháng 9/2019, sau rất nhiều người giới thiệu, một anh bạn cung cấp loại keo cho ngành may mặc đã giúp tôi tìm ra một loại keo có thể vứt vào máy giặt 5 lần mà không bung. Tôi đã gọi điện cho anh Hải giám đốc Canifa, bên đó có các phòng lap để nghiên cứu về chất liệu để nhờ xem giặt như thế nào, định lượng bám keo như thế nào. Anh Hải cho một bạn kỹ thuật Canifa điều chỉnh nhiệt độ và thời gian, lần đầu giặt 21 lần không bung, sau này giặt bình thường.

Tôi mừng quá, về nói chuyện với anh Trường, sau đó quận hỗ trợ 50% tiền mua máy cắt laze, còn máy ép tôi mua chịu của anh bán keo. Cái máy ép 40 triệu đồng, nhóm người khuyết tật ở gia đình làm gì có tiền, tôi đã nghĩ cái bàn là để các bạn ép dính cho lụa ăn keo, khi ghép tranh hoàn tất mới mang sang ép chết.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 6.

Anh phát triển kênh phân phối của Vụn như thế nào?

Khi các bạn dần ổn định thì tôi đi chào hàng. Tôi đi khắp nơi, có nơi người ta đuổi. Tôi chia doanh nghiệp làm 2, có những doanh nghiệp chỉ quan tâm đến giá thành, rẻ thì mua, có doanh nghiệp quan tâm đến CSA, về văn hoá, không quá quan tâm về giá. Tôi chọn làm B2B (bán buôn cho doanh nghiệp), khi đó biên lợi nhuận rất thấp vì lấy việc làm cho người khuyết tật là chính. Nếu cộng cả lương của mình có khi cắn vào thịt (cười).

Tại sao anh chọn làm B2B mà không phải bán lẻ?

Tôi chọn kênh B2B bởi chi phí 1 tháng của Vụn rất lớn, tầm 150 triệu/tháng nếu không bán được sản phẩm thì Vụn không tồn tại được. Kênh bán hàng cho doanh nghiệp không được về giá, tuy nhiên tạo việc làm ổn định và là khoản tiền ngay. Còn B2C phải đầu tư nhiều và mình không có tiền nghiên cứu thị trường, cũng không có nhân sự, còn tiếp cận theo kiểu từ thiện thì mình không muốn.

Đến nay Vụn vẫn chưa có lãi, vì các đơn hàng không đều và liên tục. Ví dụ ký được một đơn tháng 5 thì tháng 8 mới có khách chẳng hạn. Chúng tôi đang hướng tới việc kết hợp với trường đại học Ngoại Thương tuyển thực tập sinh về marketing để phát triển dần dần.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 7.

Sau 2 năm nhìn lại anh thấy mình đã đạt được thành quả gì?

Cũng kha khá việc đặt ra, như duy trì việc làm ổn định cho 18 người khuyết tật và đóng bảo hiểm xã hội cho họ.

Tính đến nay Vụn đã cung cấp sản phẩm cho 16-17 doanh nghiệp. Đại sứ quán Mỹ đặt 1.500 sản phẩm, lần gần nhất là 400 sản phẩm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 8.

Một sản phẩm của Vụn Art

Những sản phẩm của Vụn đưa ra được khách hàng chấp nhận mặc dù ở quy mô nhỏ và hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhưng cũng có tiền bổ trợ cho các hoạt động của Hội người khuyết tật của quận Hà Đông, như mua 4-5 cái xe lăn hay nuôi 2 cụ già đơn thân. Tôi đã vận động được một quỹ của Hàn Quốc nuôi con cho người khuyết tật đến năm 18 tuổi, giúp họ an tâm về cuộc sống. Tôi mơ ước sau này phát triển được Vụn thì hỗ trợ lại cho người khuyết tật và con của họ.

Năm ngoái, Vụn được Unesco đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hoá, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về việc làm cho nhóm yếu thế. Vụn cũng đã đạt chứng chỉ OCOP 4 sao (chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và ý tưởng, chỉ thiếu khâu đóng gói (packing) để đạt 5 sao. Đây là chương trình Nhà nước khuyến khích để nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa. Họ chấm rất khắt khe chứ không phải vì tình thương.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 9.

Khó khăn lớn nhất trong việc đào tạo người khuyết tật là gì?

Đầu tư cho người khuyết tật là đầu tư rủi ro vì tính cam kết của các bạn rất thấp. Chúng tôi đào tạo 41 bạn, giờ còn khoảng 20. Mỗi bạn bỏ đi là mất mấy chục triệu. Các bạn nghĩ mình phải có trách nghiệm với các bạn chứ không phải các bạn phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Các gia đình cũng đôi khi có tâm lý bao bọc, và cách làm từ thiện của cộng đồng hiện nay chỉ là hiệu ứng đám đông. Tôi nói với các gia đình là quan trọng nhất là phải hoà nhập vì họ có giao tiếp mới phát triển được và họ có các kỹ năng sống để bảo vệ bản thân họ.

Ngay từ đầu tôi xác định làm business chứ không đi xin tiền, các bạn phải sống bằng sản phẩm, nếu không tìm được keo thì dừng dự án vì không thể nuôi các bạn mãi được. Gần 3 năm đầu tư trên dưới 2 tỷ không phải ít, một startup khởi nghiệp bỏ ra 2 tỷ có bộ máy ngon rồi, nhưng đào tạo người khuyết tật như muối bỏ biển có thấm gì đâu.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 10.

Vợ anh có ủng hộ anh không?

Bà xã kêu kinh khủng, ngày nào cũng kêu (cười).

Mục tiêu của anh với Vụn sắp tới như thế nào?

Quan điểm là mình phát triển đến đâu nhận người đến đấy, mục tiêu năm nay phát triển xây dựng nhóm và tìm được người về bán hàng, khai thác thị trường một cách bài bản.

Tôi đã sang làm việc với làng Hoà Bình Thanh Xuân thí điểm xây dựng các nhóm người khuyết tật tại các trung tâm bảo trợ và làng nuôi trẻ, các bạn ở đây hưởng lương như thế nào thì các bạn cũng được hưởng như vậy. Ví dụ 1 sản phẩm trả 15.000 đồng, các chi tiết đã được cắt sẵn, các bạn chỉ học về bố cục, màu sắc, đánh số trên mẫu và ghép lên, nếu làm chuẩn thì trả tiền, khi đó sẽ tạo lan toả về việc làm rất lớn. Nhưng việc xây dựng nhóm vẫn bị vướng về dịch bệnh.

Tôi cũng đã ký với một công ty đưa khách đến làng lụa Vĩnh Phúc để trải nghiệm cho khách du lịch quốc tế, cũng là một cách để nhiều người biết đến lụa Vạn Phúc hơn. Nhưng năm nay Covid nên nghỉ. Các bạn dẫn khách đi thăm quan làng, trải nghiệm làm thử túi, ví, làm tranh. Công việc này giúp cho người khuyết tật tự tin hơn.

Chuyện về Vụn Art: Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc và tư duy khác biệt khi dám làm người tốt - Ảnh 11.

Minh, thiết kế của Vụn Art, đã tốt nghiệp FPT Arena dù em bị bại não, Minh có thể chụp ảnh và thiết kế các sản phẩm cho Vụn

Tại hội thảo Nguồn lực văn hoá trong chiến lược phát triển "thành phố sáng tạo" của Thủ đô Hà Nội gần đây anh đã thay mặt Vụn kiến nghị các giải pháp cho Hợp tác xã, anh kiến nghị điều gì?

Hà Nội có hơn 100 ngàn người khuyết tật, có đến 40% người khuyết tật chưa có việc làm, đây là nguồn lực lao động rất lớn. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật gắn với công nghiệp văn hóa là một hướng đi mới để tạo ra giá trị việc làm bền vững.

Nhà nước cần khuyến khích sử dụng các sản phẩm tốt và có hàm lượng văn hoá, nhân văn, cần có chính sách khuyến khích các cơ quan Nhà nước ưu tiên sử dụng 30% quà tặng hàng năm từ sản phẩm văn hóa sáng tạo; nếu đấu thầu như bây giờ thì chúng tôi không thể cạnh tranh về giá.

Các mô hình như Vụn để phát triển được cần có sự giúp đỡ của Chính quyền và cộng đồng. Mình tránh làm hình thức mà mình làm thực tế, nếu cái gì cũng hình thức thì sẽ lắng xuống.

Xin cảm ơn anh.

Châu Cao

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên