MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CIEM: Các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ hệ lụy nghiêm trọng của Covid-19 đến kinh tế Việt Nam

Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối ảnh bình thường mới" sáng ngày 10/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM đã công bố báo cáo cùng tên. Trong báo cáo, CIEM nhận định: "Tuy được đánh giá cao về kết quả phòng chống dịch và có cơ hội phục hồi kinh tế sớm, Việt Nam vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm.

Theo báo cáo của CIEM, trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng với bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động nặng nề của Covid-19. Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I và 0,36% trong quý II so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây nhưng vẫn là mức cao so với các nước ở khu vực châu Á.

Suy giảm tăng trưởng diễn ra ở cả 3 khu vực kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2020. Lĩnh vực nông-lâm-thủy sản chỉ tăng 1,19% chủ yếu do tác động của dịch tả lợn châu Phi, xuất khẩu nông sản gặp khó, phối hợp thiếu hiệu quả trong điều hành xuất khẩu gạo và tình trạng xâm nhập mặn.

Khi vực công nghiệp xây dựng tăng 2,98% trong 6 tháng đầu năm, đây là mức tăng thấp và chủ yếu do gián đoạn sản xuất dẫn đến giảm sản lượng, tăng chi phí đầu vào. Khu vực dịch vụ chỉ tăng 0,57%, đặc biệt du lịch suy giảm mạnh.

Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch ảnh hưởng đáng kể đến tình hình lao động, việc làm. Theo Tổng cục Thông kê, đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, thất nghiệp chung tăng lên 2,73% trong quý II.

Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm đạt 4,19% xuất phát từ việc các mặt hàng thiết yếu tăng cao.

Suy giảm hoạt động kinh tế cũng gắn liền với suy giảm tăng trưởng đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 850,3 nghìn tỷ VND, tương đương 33% GDP và tăng 3,4% so với cùng kỳ. Vốn từ khu vực nhà nước tăng trưởng cao tới 7,4%. Vốn FDI đăng ký đạt 15,7 tỷ USD so lợi thế về chuyển biến nhanh môi trường đầu tư kinh doanh, các FTA mới và năng lực điều hành chính sách trong thời điểm thế giới nhiều bất định.

Song, CIEM nhận định, Việt Nam vẫn cần khẳng định mạnh mẽ yêu cầu thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài hiệu quả, thực chất hơn thông quan cải thiện niềm tin chiến lược, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác và chia sẻ lợi ích với nhà đầu tư nước ngoài.

Đại dịch có cả tác động trực tiếp và gián tiếp với xuất khẩu Việt Nam do cầu nhập khẩu của các thị trường chính giảm mạnh, hoạt động giao thương bị hạn chế, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, duy trì nguồn lao động và sự tồn tại của doanh nghiệp gặp khó và giá hàng hóa sụt giảm. Tất cả dẫn đến việc nhập khẩu giảm 3,0%, xuất khẩu giảm 1,1% so với cùng kỳ.

CIEM cho rằng, các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân có thể là do chính phủ nhiều nước (kể cả Việt Nam) đã sớm ban hành những biện pháp hỗ trợ và đại dịch mới diễn ra trong thời gian ngắn nên chưa thể nhìn nhận và đánh giá các tác động của đại dịch một cách đầy đủ.

Báo cáo của CIEM sử dụng 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo Kịch bản 1, kịch bản bi quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 2,1%, xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1%, thặng dư thương mại ở mức 1,7 tỷ USD và lạm phát bình quân đạt 4,3%. Đối với Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế đạt 2,6%, xuất khẩu giảm 1,9%, thặng dư thương mại 2,1 tỷ USD và lạm phát bình quân 4,5%.

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên