CIENCO1 “phủ nhận” cáo buộc của Thanh tra Chính phủ
Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra sai phạm tại Dự án đường 5 kéo dài đoạn cầu Chui – cầu Đông Trù – Phương Trạch – Bắc Thăng Long (Hà Nội) có trách nhiệm các nhà thầu, trong đó nhà thầu chính Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) khi thực hiện gói thầu 13 đã không hoàn thành trách nhiệm, để chậm thời gian thi công hơn 2 năm, gây lãng phí vốn đầu tư.
- 22-07-2016Dự án Thanh Hà Cienco 5 thi công công trình không phép
- 07-07-2016Thanh Hà Cienco 5 có dấu hiệu vi phạm pháp luật: Khách hàng có dính ‘vịt trời’?
- 03-07-2016Cienco 5 Land nói không có chuyện cầu thi công bằng… xốp
Tuy nhiên, tại báo cáo mới đây gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan, CIENCO1 đã đưa ra nhiều lý giải, đổ lỗi lý do khách quan, nằm ngoài ý chí chủ quan của nhà thầu?
Gói thầu 13 xây dựng nhịp chính cầu Đông Trù, UBND TP Hà Nội xin chủ trương và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về điều chỉnh kế hoạch đấu thầu hạn chế sang chỉ định thầu với lý do công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình thực hiện gói thầu đã chậm tiến độ gần 3 năm, giá trị dự toán điều chỉnh tăng 336,068 tỷ đồng so với dự toán phê duyệt trước đó.
Việc không ký kết được hợp đồng với nhà thầu phụ Trung Quốc cũng như chậm chễ khi lập thiết kế biện pháp thi công kết cấu trên do lỗi của nhà thầu chính CIENCO1 và Tư vấn thiết kế bản vẽ – Thanh tra Chính phủ nhận định.
Lý giải về kết luận trên, CIENCO1 cho rằng, đối với nội dung liên quan công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu phụ thi công kết cấu phần trên vòm ống thép nhồi bê tông là loại hình công nghệ mới, phức tạp, chưa có trong hệ thống định mức để xây đơn giá chính thức, dự toán gói thầu liên quan đến các định mức mới đang được phê duyệt tạm. Như vậy, muốn có đơn giá, giá trị dự toán chính thức phải có định mức được phê duyệt, muốn có định mức mới thì phải có nhà thầu thi công hạng mục này để có cơ sở định mức.
Đối với nhà thầu nước ngoài chỉ chấp nhận ký kết hợp đồng kinh tế khi đã có đơn giá cố định. Đây là khó khăn, vướng mắc chính trong việc đàm phán, thương thảo dẫn đến nhà thầu chính CIENCO1 không thể ký kết hợp đồng kinh tế với các nhà thầu phụ nước ngoài để đảm nhiệm thi công kết cấu phần trên cầu Đông Trù.
Ngay sau khi nhà thầu phụ nước ngoài xin rút, Ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn đã yêu cầu CIENCO1 tiếp tục tìm đối tác thay thế nhưng không thành do vướng mắc về vấn đề xây dựng định mức mới và đơn giá tạm tính như trên.
Do vậy, CIENCO1 cho rằng, việc kéo dài không thỏa thuận ký kết với nhà thầu phụ về thị công kết cấu phần trên hoàn toàn là lý do khách quan, nằm ngoài ý chí chủ quan của đơn vị này.
Ngoài ra, CIENCO1 cũng khẳng định, việc thay đổi cao trình mực nước thực tế tại thời điểm thi công so với số liệu điều tra, khảo sát từ 2005 trở về trước là yếu tố khách quan có ảnh hưởng đến thay đổi biện pháp thi công kết cấu phần dưới và phần trên gói thầu 13 hoàn toàn không phải do lỗi của nhà thầu chính CIENCO1.
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Congluan.vn, Giám đốc điều hành gói thầu 13 – CIENCO1 khẳng định đã hoàn thành nhiệm vụ từ khâu triển khai thi công công trường, quá trình đàm phán với nhà thầu Trung Quốc đến việc đưa công trình vào sử dụng.
Nói như vậy, đồng nghĩa với việc CIENCO1 đã chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm với những “cáo buộc” trong bản kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 2153/VPCP-V.I ngày 31/3/2016 của Văn phòng Chính phủ?.
Được biết, liên quan đến việc xử lý các kiến nghị kinh tế, khoản tiền 336,068 tỷ đồng chênh lệch giữa giá trị hợp đồng ban đầu so với điều chỉnh, hiện Thanh tra TP Hà Nội đang tiến hành thanh tra theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, nhằm xác định nguyên nhân, biện pháp xử lý.
Trước những sai phạm tại Dự án đường 5 kéo dài, ngoài CIENCO1 như Báo đã nêu, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân (các thời kỳ) liên quan và có hình thức xử lý theo quy định; nhất là trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý theo phân công, phân cấp trong cả quá trình triển khai dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và đưa dự án vào khai thác sử dụng, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp. Tuy nhiên, đến nay mới dừng lại ở các báo cáo.
Đối với BQL dự án Hạ tầng Tả Ngạn, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định về tổ chức thực hiện lập, thẩm định dự án, điều chỉnh dự án….như đã nêu tại kết luận.
Ngoài ra, Sở GTVT, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Long Biên cũng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân để có biện pháp xử lý tỏng việc chỉ đạo tổ chức và thực hiện công tác bồi thường, GPMB, thực hiện sai chế độ chính sách và chậm tiến độ GPMB ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án.
Trưởng ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn qua các thời kỳ gồm:
Giai đoạn 2004 – 2008 ông Nguyễn Quốc Hùng, là Giám đốc BQLDA Hạ tầng Tả Ngạn, hiện là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, phụ trách các lĩnh vực Xây dựng; quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; đầu tư xây dựng công trình công cộng; chỉnh trang đô thị; đầu tư xây dựng và quản lý nhà tái định cư; hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng, nghĩa trang…)…Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo: Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý hạ tầng Tả ngạn, Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị, Tổng Công ty Vận tải, Tổng Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị; các đơn vị trực thuộc các sở, ngành theo lĩnh vực được phân công…
2009 -2012, ông Đặng Vũ Nhật Thăng - GĐ Ban quản lý dự án Hạ Tầng Tả Ngạn, hiện hiện giữ chức Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây.
2012 - đến nay, chức vụ này do ông Nguyễn Thế Bình đảm nhận.
Công luận