MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CIPS của Trung Quốc - đối thủ tiềm năng với hệ thống SWIFT

06-03-2022 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

CIPS của Trung Quốc - đối thủ tiềm năng với hệ thống SWIFT

CIPS cho phép các ngân hàng toàn cầu có thể trực tiếp thực hiện các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ.

Các quốc gia phương Tây thông báo loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi quốc gia này đẩy mạnh hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine, trong đó bao gồm loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Giá cổ phiếu các công ty thanh toán tại Trung Quốc tăng mạnh trong phiên giao dịch 28/2 khi các nhà đầu tư cho rằng việc loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT là thông tin có lợi đối với CIPS - hệ thống thanh toán quốc tế nội địa Trung Quốc, và bên cạnh đó là động lực thúc đẩy quá trình phát triển đồng tiền số e-CNY của quốc gia này.

Được thành lập vào năm 1973, SWIFT được sử dụng bởi nhiều ngân hàng toàn cầu nhằm thực hiện các giao dịch tài chính xuyên biên giới.

Một số ngân hàng của Nga đã kết nối với CIPS của Trung Quốc, trong đó có một đối tác trực tiếp, các chuyên gia tại China Securities Co (CSC) cho biết trong nghiên cứu công bố hôm 27/2.

Và dưới dây là một số thông tin về CIPS:

CIPS là gì?

Được hậu thuẫn bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), nền kinh tế số 2 thế giới chính thức cho ra đời hệ thống thanh toán CIPS vào năm 2015 nhằm mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Hệ thống này cho phép các ngân hàng toàn cầu có thể trực tiếp thực hiện các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ, thay thế cho việc phải thông qua các ngân hàng thanh toán trung gian.

CIPS của Trung Quốc - đối thủ tiềm năng với hệ thống SWIFT - Ảnh 1.

CIPS ra đời năm 2015 nhằm mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Ảnh: Asia Financial.

Ai sử dụng CIPS?

CIPS đã xử lý tổng cộng 80.000 tỷ nhân dân tệ giá trị các giao dịch (tương đương 12,68 tỷ USD) trong năm 2021, tăng 75% so với một năm trước đó, theo tờ Jiefang Daily. Tính đến cuối tháng 1, một thống kê cho thấy có tới 1.280 định chế tài chính, 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đã kết nối với hệ thống này.

Trong đó, có 30 ngân hàng tại Nhật Bản, 23 ngân hàng tại Nga và 31 ngân hàng thuộc các quốc gia châu Phi, vốn nhận được nguồn vốn đầu tư lớn bằng đồng nhân dân tệ dưới chiến lược Vành đai và Con đường để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, theo thông tin một khảo sát thực hiện bởi Nikkei vào năm 2019.

Một số ngân hàng quốc tế cũng đang sở hữu cổ phần của CIPS trong đó phải kể tới HSBC, Standard Chartered, Bank of East Asia, DBS Bank, Citi, Australia & New Zealand Banking Group và BNP Paribas, theo dữ liệu cung cấp bởi Qichacha.

Standard Chartered Bank (Hong Kong) cho biết hôm 14/2 rằng ngân hàng này chính là ngân hàng nước ngoài đầu tiên được chấp nhận trở thành đối tác trực tiếp của CIPS bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Tại sao lại sử dụng CIPS?

Hiện tại, CIPS phần lớn vẫn phụ thuộc vào kênh trao đổi của SWIFT, nhưng họ hoàn toàn có khả năng hoạt động độc lập và có một kênh giao tiếp giữa các tổ chức tài chính của riêng mình.

Đối với các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc, CIPS có thể được sử dụng như một hệ thống liên lạc mà không phải đề phòng rủi ro thông tin giao dịch bị lộ, BOC International cho biết trong một báo cáo hồi năm 2020.

Những thách thức của CIPS

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trên cả hai phương diện xuất và nhập khẩu. Trong năm 2020, 17,5% tổng kim ngạch thương mại giữa hai đất nước được giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, tăng gấp nhiều lần so với tỷ lệ 3,1% trong năm 2014, theo CSC.

Tuy nhiên, với việc đồng nhân dân tệ vẫn chưa được công nhân là một đồng tiền quốc tế chính, các ngân hàng nước ngoài cho rằng việc thay thế một mạng lưới giao tiếp mới nhằm phục vụ các khách hàng Trung Quốc bên ngoài khu vực là việc chưa cần thiết.

Tiếp đó, các đối tác trực tiếp của CIPS vẫn cần phải thông qua SWIFT để hoàn tất các giao dịch của mình. Theo một nguồn thạo tin, việc thay đổi hệ thống thanh toán sẽ cần rất nhiều thời gian.

Bên cạnh CIPS, các hệ thống thanh toán tương tự nhằm thay thế SWIFT cũng tồn tại nhiều hạn chế, theo các chuyên gia của CSC. Nga đã cho ra mắt hệ thống thanh toán toàn cầu riêng SPFS vào năm 2014, nhưng chỉ được sử dụng chủ yếu bởi các khách hàng trong nước.

Theo RT

Theo Trọng Đại

NĐH

Trở lên trên