CMCN 4.0: Các công ty nên được tổ chức như những bộ lạc, càng ít cấp ra quyết định càng tốt
Theo một quan chức cấp cao của Deloitte, để thích nghi với CMCN 4.0, một tổ chức cần ít quan liêu hơn, có ít cấp độ ra quyết định hơn và gần gũi hơn với người tiêu dùng.
- 13-09-2018Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trong CMCN 4.0 nếu không tận dụng được cơ hội sẽ bị bỏ lại phía sau
- 12-09-2018Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: Những nước như Việt Nam sẽ đi nhanh hơn trong CMCN 4.0
- 12-09-2018Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: CMCN 4.0 diễn ra, tương lai không phụ thuộc nhiều vào quá khứ
- 11-09-2018CMCN 4.0 ở Malaysia: Giới CEO thay đổi tư duy nhưng vẫn chờ những hành động
- 08-09-2018Singapore và câu chuyện nâng giá nước để thúc đẩy CMCN 4.0
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã trở thành thuật ngữ được cả thế giới nhắc đến. Đó là một chủ đề rất rộng, bao quát một số xu hướng về các mặt như mô hình tương lai của lực lượng lao động và việc áp dụng công nghệ đối với vấn đề nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những thách thức mà CMCN 4.0 tạo ra cũng không nhỏ và những cá nhân, doanh nghiệp không thích nghi với nó chắc chắn sẽ bị đào thải.
Trước những thách thức của CMCN 4.0 với Deloitte, ông Indranil Roy, Phó Tổng giám đốc Đông Nam Á, nhấn mạnh công ty đang tiến hành nhiều chương trình nhằm hỗ trợ các nhân viên làm quen và cập nhật các công nghệ mới để thích nghi với các điều kiện của CMCN 4.0. Công ty cũng đang nỗ lực phát triển chương trình nâng cao nhận thức của Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách về CMCN 4.0.
70% lực lượng lao động Việt Nam bị ảnh hưởng
Trước câu hỏi CMCN 4.0 sẽ trở thành "nhà sản xuất việc làm mới", hay "kẻ phá hủy công việc của người lao động", ông Indranil Roy cho thấy một cái nhìn rất lạc quan. "Theo cuộc khảo sát của Deloitte về lực lượng lao động tại Anh Quốc, dưới tác động của CMCN 4.0, khoảng 800.000 người mất việc làm trong quãng thời gian từ năm 2001 đến năm 2015. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, có khoảng 3,5 triệu lao động có thêm cơ hội làm việc nhờ vào sự tác động tích cực của CMCN 4.0", ông Indranil Roy nhận định.
Những số liệu nghiên cứu cho thấy sẽ có một số khía cạnh của nền kinh tế bị tác động, và tính chất công việc cũng sẽ thay đổi và thậm chí biến mất. Tuy nhiên, viễn cảnh lạc quan hơn nhiều, bởi công nghệ sẽ thúc đẩy sự đổi mới, tạo ra nhiều công việc mới và tác động tích cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi một số ngành phải đối diện với hiện thực bị mất việc làm, sẽ có nhiều công việc mới được tạo ra ở những ngành nghề khác. Trong khi đó, đối tượng bị tác động nhiều nhất là lao động cấp dưới của các tổ chức với các công việc như là xử lý và phân tích dữ liệu, hay như viết báo cáo. "Tin tốt là những công việc mới sẽ được trả lương cao hơn", ông Indranil nhấn mạnh.
Trong khi đó, mọi công việc đều đang thay đổi đáng kể bởi sự phát triển các công nghệ mới. Mặc dù công nghệ sẽ góp phần tự động hóa trong công việc. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt đáng kể và những việc mà con người làm tốt hơn máy móc, chẳng hạn như xây dựng các mối quan hệ, giải quyết các vấn đề và đào tạo những người khác. Theo đó, những công việc cần những loại kỹ năng và hoạt động này hứa hẹn sẽ phát triển trong khi việc phân tích và xử lý dữ liệu được thực hiện bởi máy móc.
Lãnh đạo cấp cao của Deloitte cũng nhận định các nền kinh tế ở ASEAN dễ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa của công nghệ hơn vì nhiều các công việc ở khu vực này đang ở mức tay nghề khá thấp. Nếu nhìn vào các nước đã phát triển như Anh Quốc, tỷ lệ công việc có thể tự động hóa chiếm khoảng 35%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 69% và 77%.
"Khoảng 70% lực lượng lao động ở Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi sự tự động hóa", ông Indranil cho biết.
Tuy nhiên, điểm mạnh của ASEAN là lực lượng lao động trẻ. Họ chính là tiềm năng của thị trường tiêu dùng. Có nhiều cách khác nhau mà những người tiêu dùng trẻ đang tạo ra tác động đến thị trường và nền kinh tế. Điều nên làm là phải tập trung vào việc tái tạo kỹ năng lại lực lượng lao động, trang bị cho họ những kỹ năng mà máy móc không thể thay thế được.
Một thế giới thay đổi chóng mặt và giải pháp
Mọi quốc gia và mọi doanh nghiệp đều đang thiết lập lại các kỹ năng của lực lượng lao động. Rất nhiều các kỹ năng đã được áp dụng trong hơn 25 năm qua trong lĩnh vực kế toán từ những năm đầu của thập kỷ 90, trong khi ngày nay, bằng cấp đại học/cao đẳng với các kỹ năng được trang bị có lẽ sẽ chỉ có tác dụng trong vòng 5 năm, ông Indranil nói.
Một trong những ví dụ thành công là câu chuyện của Microsoft và DPS Singapore, liên quan đến cách xây dựng một nền văn hóa học tập suốt đời trong doanh nghiệp, xây dựng kỹ năng cho các cơ quan chính phủ, đưa ra một loạt các chương trình cho người lao động được trợ cấp đáng kể hoặc đồng tài trợ bởi chính phủ.
Ở Mỹ, các doanh nghiệp xây dụng các chương trình nội bộ để tái đào tạo người lao động của họ sau mỗi 4 năm. Các chương trình tái đào tạo kỹ năng cho người lao động khá tốn kém do đó nó phải là một sự kết hợp của các cá nhân, tổ chức và chính phủ để tất cả cùng tham gia hành động và chi trả các chi phí cho các chương trình này.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về CMCN 4.0, để họ coi đó là cơ hội chứ không phải thách thức. Thực tế, phần lớn người dân đều ít được thông báo về sự phát triển mới trong công nghệ. Tuy nhiên, con người rất tò mò và giỏi thích nghi. Cách tiếp cận phù hợp sẽ mang về những kết quả đúng mong đợi.
"Thay vì chúng ra lo sợ cho rằng bạn sẽ mất việc, bạn nên nói rằng sẽ có 5 điều khác nhau bạn cần thực hiện với công việc của mình. Các tiếp cận mà chúng tôi sử dụng ở Singapore là 'Làm thế nào chúng ta có thể khiến mọi người hào hứng với công việc tương lai?'. Những nhận thức tiêu cực về CMCN 4.0 chủ yếu thông qua báo chí và điều quan trọng là phải thay đổi thay đổi nhận thức từ việc khiến mọi người lo sợ về tương lai chuyển sang là phải thúc đẩy những cơ hội mới về việc làm cho người lao động", Phó Tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á tin tưởng.
Cải tổ doanh nghiệp để thích nghi
Thế giới có những thay đổi lớn về công nghệ trong mỗi 6 tháng. Là người tiêu dùng các dịch vụ và sản phẩm, chúng ta cũng thay đổi khá nhanh. Thậm chí cả những người không quen thuộc với công nghệ thì giờ đây cũng đang sử dụng điện thoại thông minh và các phương tiện truyền thông xã hội. Mặt khác, các doanh nghiệp đôi khi không thích ứng đủ nhanh và đó là lý do tại sao có luôn một khoảng cách giữa tốc độ thay đổi về công nghệ và năng suất thực tế.
"Về cơ bản, đó là vấn đề của sự quan liêu trong bộ máy vận hành của tổ chức. Chúng ta cần tạo ra một tổ chức ít quan liêu hơn, có ít cấp độ ra quyết định hơn và gần gũi hơn với người tiêu dùng. Chúng tôi gọi đó là "những tổ chức thích ứng", ví dụ như Google hoặc Tencent", ông Indranil nhận định.
Theo đó, Google hoặc Tencent được cấu trúc như các bộ lạc với các chức năng/chuyên môn khác nhau và hoạt động hoàn toàn vì các vấn đề của khách hàng. Chúng ta có thể thấy sự thay đổi lớn trong lĩnh vực ngân hàng và viễn thông – những lĩnh vực mà các doanh nghiệp hoạt động muốn trở thành "các tổ chức thích ứng".
Trong khi đó, các Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cũng cần có những cách tiếp cận phù hợp.
"Tôi thấy rất thú vị khi được trò chuyện với các quan chức chính phủ, những người có thông tin và hiểu biết đầy đủ về CMCN 4.0 qua các báo cáo, nhưng lại chưa được trải nghiệm thực tế. Do đó, tôi thường đưa ra lời khuyên với các quan chức Chính phủ là cần tương tác nhiều hơn với các chính phủ khác, cũng như các cộng đồng khởi nghiệp, để trải nghiệm thực tế tác động của cuộc CMCN 4.0", Phó Tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á chia sẻ.