CNA: Liệu hộ chiếu vaccine điện tử có là 'phao cứu sinh' cho ASEAN?
Hãng tin CNA thông tin, các quốc gia Đông Nam Á đang thảo luận về việc mở cửa biên giới trong khu vực, song vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu vẫn là thách thức lớn.
- 09-04-2021Hộ kinh doanh sắp phải khai thuế như doanh nghiệp ra sao?
- 08-04-2021Quý 1/2021, huy động năng lượng tái tạo tăng hơn 180%
- 08-04-2021The Straits Times: ASEAN+3 sẽ tiếp tục là phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Tháng 3 vừa qua, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã thảo luận về khả năng đưa ra hộ chiếu vaccine điện tử, triển khai bong bóng du lịch nội khối ASEAN. Nếu đề xuất này được triển khai thành công, hộ chiếu vaccine sẽ giúp phục hồi ngành du lịch đang phát triển mạnh trước Covid-19 của khu vực, lĩnh vực vốn đóng góp đáng kể vào GDP mỗi quốc gia thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, việc mở cửa biên giới đi kèm với nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức về quyền riêng tư dữ liệu. Nếu không có những thay đổi về quy định, đề xuất này có thể trở thành gánh nặng cho khu vực.
Dự kiến, hệ thống hộ chiếu vaccine sẽ lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cá nhân. Nếu ASEAN cam kết khởi xướng thành công hộ chiếu vaccine điện tử thì khu vực không thể bỏ qua các quy định về quyền riêng tư dữ liệu toàn diện trong khu vực tại các hiệp định trước đó. Đặc biệt khi hồ sơ sức khỏe cá nhân là dữ liệu mang tính cá nhân cao.
Như vậy, ASEAN cần minh bạch về các vấn đề tiềm ẩn của hộ chiếu vaccine, từ đó người dân có thể hiểu đầy đủ về lợi ích cũng như rủi ro, trước khi quyết định áp dụng bất kỳ chính sách nào. Gần đây, người dân Singapore đã bày tỏ quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu với ứng dụng TraceTogether.
Một khu vực khác hiện đang áp dụng phương thức tương tự là Liên minh châu Âu. Các quốc gia thành viên EU mới đây đã đồng ý thông qua đề cương đảm bảo việc triển khai Chứng chỉ xanh điện tử (Digital Green Certificates) nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới trong EU, đồng thời đảm bảo các quy định về quyền riêng tư của dữ liệu cá nhân.
Khuôn khổ này buộc người chịu trách nhiệm của ứng dụng xác định được mục đích và phương tiện xử lý dữ liệu cá nhân, cũng như thông báo cho người dùng về quyền truy cập thông tin của người kiểm soát dữ liệu. Đáng chú ý, cá nhân có thể nộp đơn kiện lên Tòa án Công lý châu Âu và Tòa sơ thẩm châu Âu.
Đối với trường hợp của ASEAN, việc thiết lập một khuôn khổ như trên sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và khó có thể thực hiện. Với EU, quyền lập pháp được thông qua giữa các Liên mình và các quốc gia thành viên, song với ASEAN, các thỏa thuận chỉ dựa trên nguyên tắc đồng thuận của các quốc gia thành viên.
Thực tế, nhiều giải pháp thay thế hộ chiếu vaccine ASEAN đã được đưa ra. Vừa qua, Singapore và Malaysia đã có buổi thảo luận chi tiết về thỏa thuận song phương. Một loạt các thỏa thuận tương tự giữa các nước Đông Nam Á thay vì hộ chiếu vaccine chung trong khu vực có thể giải quyết những rào cản về thể chế của ASEAN, đồng thời thu được lợi ích đáng kể trong khu vực.
Tuy nhiên, các thỏa thuận này cũng sẽ có những thách thức khác nhau. Thứ nhất, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải dành nhiều nỗ lực để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn vẫn được duy trì trong mỗi thỏa thuận mới.
Thứ hai, do các quy định về quyền riêng tư dữ liệu tại Đông Nam Á không đồng đều, nhiều quốc gia có thể không tham gia và gây ra căng thẳng trong khu vực. Loạt thỏa thuận song phương nếu có hiệu lực có thể dẫn đến bất bình đẳng trong nội khối trở nên sâu sắc và làm căng thẳng sự thống nhất trong khu vực, nhất là khi xung đột địa chính trị toàn cầu đang dần tăng.
Nhìn chung, việc điều chỉnh thể chế của ASEAN để tạo ra một khuôn khổ chung vẫn là lựa chọn tốt nhất. Bởi các thể chế sẽ không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt về hộ chiếu vaccine, mà còn cả các vấn đề ngày càng tăng khác.
Các thảo luận về hộ chiếu vaccine ASEAN có thể dẫn đến những cuộc thảo luận về cơ sở hạ tầng chung lớn hơn để quản lý dữ liệu riêng tư trong khu vực. Những thỏa thuận này rất cần thiết, đặc biệt khi vấn đề về an ninh mạng ngày càng tăng và nền kinh tế số khu vực đang ngày càng phát triển.
Các quốc gia ASEAN đã và đang cải thiện vấn đề về quy định đối với các hình thức thanh toán không tiền mặt cũng như fintech, thúc đẩy khả năng tương tác ở cấp khu vực để nền kinh tế số dần phát triển. Như vậy, việc tạo ra một thể chế chung sẽ giúp ASEAN giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai, là "một mũi tên trúng hai đích". Câu hỏi quan trọng là liệu khu vực có nắm bắt cơ hội do đại dịch tạo ra, hay để cơ hội khác trôi qua?