MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNBC: "Tai bay vạ gió" dồn dập, doanh nghiệp nước ngoài né Trung Quốc, Việt Nam được gọi tên là điểm thay thế hấp dẫn

30-09-2021 - 15:34 PM | Tài chính quốc tế

CNBC: "Tai bay vạ gió" dồn dập, doanh nghiệp nước ngoài né Trung Quốc, Việt Nam được gọi tên là điểm thay thế hấp dẫn

Cuộc khủng hoảng điện làm trầm trọng thêm các vấn đề vốn có, thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy ở nơi khác ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam.

Trong vài ngày gần đây, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã ban hành các quy định hạn chế điện, dẫn tới việc các nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động. Tình trạng thiếu than đã tác động nghiêm trọng tới nguồn cung điện Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang phải nỗ lực tuân thủ lời kêu gọi cắt giảm khí thải carbon của Chính quyền trung ương.

"Một số doanh nghiệp đứng trước rào cản trong việc đầu tư vào Trung Quốc", Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective - công ty tư vấn làm việc chủ yếu với các danh nghiệp Bắc Âu đang hoạt động ở Đông và Đông Nam Á, cho biết.

Theo Annell, những khoản đầu tư này có trị giá hàng chục triệu USD. Dù Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất nhưng các doanh nghiệp đang tìm cách đầu tư nhà máy ở các địa điểm thay thế tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

"Nó bắt nguồn từ sự không chắc chắn. Không ai biết tình hình tổng thế sẽ thế nào, biến chuyển ra sao và tương lai trong vài tháng tới là gì", Annell trích dẫn nội dung cuộc nói chuyện của công ty với khoảng 100 doanh nghiệp đối tác.

Tuần trước, các thành phố ở Trung Quốc từ trung tâm xuất khẩu phía nam Quảng Đông đến Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, đã ra lệnh hạn chế sử dụng điện mà không thông báo hoặc thông báo rất muộn. Những động thái đột ngột này khiến một số nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021.

Quảng Đông là tỉnh sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu nhất của Trung Quốc, chiếm 23% tổng lượng hàng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay. Liêu Ninh thì đứng thứ 16 về giá trị xuất khẩu, chiếm khoảng 1,6% tổng hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

"Nếu sự không chắc chắn này chỉ là ngắn hạn, nó có thể được xử lý trong một tuần hoặc lâu hơn. Vấn đề lớn hơn chính là tình trạng này kéo dài. Nó rất có thể sẽ kéo dài trong 2 quý tới", Annell nói.

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ và châu Âu xác nhận việc cắt điện này có thể ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc. Matt Margulies, phó chủ tịch phụ trách hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, cho biết: "Các công ty dựa nhiều vào sự ổn định chính sách cũng như khả năng có thể dự báo tình hình (để ra quyết định đầu tư)".

"Họ cần được thông báo trước về việc gián đoạn nguồn cung điện để đảm bảo an toàn và có phương án duy trì tính liên tục của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Họ cũng cần được tham vấn để tìm gia giải pháp mà có thể đáp ứng mong muốn của tất cả các bên liên quan. Việc áp dụng một phương án tiếp cận duy nhất sẽ làm xáo trộn hoạt động, tăng chi phí và giảm niềm tin vào thị trường", ông Margulies nói.

Bộ Thương mại Trung Quốc hiện từ chối đưa ra bình luận.

Thông tin về việc hạn chế nguồn cung điện, đặc biệt ở miền nam Trung Quốc, đã được lan truyền trong vài tháng qua, nhất là khi quốc gia này muốn cắt giảm lượng khí thải carbon. Lưới điện địa phương cũng đang phải chịu áp lực từ tình trạng thiếu than. Trong khi đó, lượng điện các nhà máy tiêu thụ tăng cao khi thúc đẩy sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu lớn trên toàn cầu với hàng hóa Trung Quốc. Việc thiếu điện được cho là dẫn tới tình trạng mất điện ở một số thành phố và nhà máy vào mùa đông năm ngoái.

Bên cạnh vấn đề về điện, cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa được giải quyết cũng làm giảm sự hấp dẫn của Trung Quốc với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các quy định đóng cửa biên giới, buộc người nhập cảnh phải cách ly cũng gây ra những khó khăn lớn với các nhà đầu tư.

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên