MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNN: Hàng nghìn lao động Mỹ tự nguyện thôi việc giữa mùa dịch Covid-19, chuyện gì đang xảy ra?

05-06-2020 - 10:59 AM | Tài chính quốc tế

Theo hãng tin CNN, hơn 10.000 lao động Mỹ đã chấp nhận nộp đơn xin nghỉ việc bất chấp thời kỳ khó kiếm việc làm sau dịch Covid-19. Con số hiện vẫn chưa dừng lại ở đó khi ngày càng nhiều nhân viên tự nguyện nộp đơn thôi làm.

Trong thời kỳ khủng hoảng sau dịch Covid-19, chẳng có ai muốn nghỉ việc hoặc bị loại khỏi thị trường lao động cả bởi kiếm được thu nhập khoảng thời gian này không hề dễ. Thế nhưng tại Mỹ, hàng nghìn lao động lại sẵn sàng nghỉ việc bất chấp tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế số 1 thế giới hiện đã ở mức kỷ lục kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1930.

"Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều đơn xin thôi việc bởi tình hình hiện nay quá bất ổn. Nếu công ty muốn cắt giảm biên chế thì việc chủ động xin thôi việc có thể giúp người lao động có lợi thế khi công ty muốn tuyển người trở lại hoặc tìm kiếm một phương án tối ưu hơn trong thời kỳ khủng hoảng. Nói chung, chủ động xin nghỉ có thể là phương án tối ưu cho cả người lao động lẫn chủ doanh nghiệp khi tình hình khó khăn", Phó chủ tịch Andrew Challenger của hãng Challenger, Gray and Christmas nói.

CNN: Hàng nghìn lao động Mỹ tự nguyện thôi việc giữa mùa dịch Covid-19, chuyện gì đang xảy ra? - Ảnh 1.

Theo ông Challenger, việc lao động chủ động xin nghỉ việc có thể giữ được thể diện cho công ty cũng như tạo lợi thế sau này. Thêm nữa, người lao động chủ động xin nghỉ có thể đàm phán những lợi ích nhất định khi nghỉ việc như lương trợ cấp thôi việc, hỗ trợ chi phí y tế...

"Doanh nghiệp thường không thích phải buộc nhân viên thôi việc. Bởi vậy nếu lao động chủ động xin nghỉ, công ty sẽ dễ dàng xem xét liên lạc với họ trở lại khi hoạt động kinh doanh hồi phục", ông Challenger nhấn mạnh.

Ngoài giữ thể diện, việc chủ động xin nghỉ của lao động thay vì chờ bị đuổi sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhân công cũng như không phải chi tiêu nhiều cho những khoản kiện cáo, pháp chế liên quan đến sa thải nhân viên.

Hiện nay, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đang xem xét đề nghị một loạt nhân viên chủ động xin nghỉ do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Hãng American Airlines đã nhận được đơn xin nghỉ của 4.500 phi công cùng tiếp viên hàng không trong 1 tháng qua và ngày càng nhiều người đang xin nghỉ để có cơ hội trong tương lai hơn là bị đuổi.

Trong khi đó, hãng Boeing của Mỹ cũng tuyên bố đã có 5.520 lao động chủ động xin nghỉ việc. Tất nhiên con số này có được là do hãng đã đuổi gần 7.000 lao động vì tình hình kinh doanh không khả quan. Hiện công ty đang hướng đến việc cắt giảm 16.000 lao động bất kể là đuổi việc hay chủ động xin nghỉ.

Hỗ trợ để lao động tự xin nghỉ

Không riêng gì ngành hàng không, nhiều công ty công nghệ, startup và công ty tài chính Mỹ cũng đang có những kế hoạch khuyến khích người lao động tự giác giúp công ty cắt giảm chi phí nhân công. Hãng tài chính TIAA mới đây cho biết đã ban hành gói trợ cấp thôi việc kéo dài 91 tuần cho những người chủ động xin nghỉ, đồng thời hỗ trợ chi phí y tế đến 18 tháng.

CNN: Hàng nghìn lao động Mỹ tự nguyện thôi việc giữa mùa dịch Covid-19, chuyện gì đang xảy ra? - Ảnh 2.

Gói hỗ trợ này của TIAA được áp dụng cho khoảng 2/3 trong tổng số 16.500 nhân viên của hãng trên toàn thế giới. Thế nhưng công ty cho rằng chỉ có 5-7% lao động đồng ý, tương đương hơn 800 nhân viên chịu chủ động xin thôi việc.

Chuyên gia Alexx Alonso của tổ chức SHRM nhận định mức chủ động xin nghỉ việc của các ngành hiện chỉ vào khoảng 2-3% hoặc thấp hơn bởi chẳng mấy người sẵn sàng từ bỏ thu nhập cố định trong thời kỳ khủng hoảng.

Nhiều công ty hiện nay đang khá lo lắng vì thiện chí của họ bị người lao động hờ hững, dẫn đến việc doanh nghiệp phải đuổi việc nhân viên mà không có hoặc có rất ít hỗ trợ thất nghiệp.

Hãng hàng không American Airlines đã thông báo đến 17.000 lao động của mình rằng họ sẽ cắt giảm 30% nhân viên. Những người chủ động xin nghỉ có 2 lựa chọn trợ cấp.

Gói đầu tiên bao gồm thanh toán 1/3 lương trong vòng 6 tháng, được bay miễn phí hơn 400.000 km cũng như các gói giảm giá vé trong vòng 5 năm.

Gói thứ hai bao gồm thanh toán 1/3 lương trong 3 tháng nhưng được hỗ trợ chi phí y tế trong 21 tháng và 10 năm giảm giá vé máy bay.

Đối với những người không chịu chủ động và bị đuổi, họ sẽ không nhận được hỗ trợ nào như trên. Hạn cuối để các lao động chủ động là vào ngày 30/9/2020.

Theo CNN

Theo AB

Tổ quốc

Trở lên trên