MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNN: Mô hình sống chung với Covid-19 của Singapore có nguy cơ sụp đổ

07-09-2021 - 14:48 PM | Tài chính quốc tế

CNN: Mô hình sống chung với Covid-19 của Singapore có nguy cơ sụp đổ

Singapore vừa cảnh báo họ có thể sẽ cần phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội nếu biến thể Delta tạo ra một đợt bùng phát với số ca nhiễm và nhập viện cao.

Theo Bộ Y tế Singapore, số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi trong tuần qua lên 1.200 trường hợp (tính tới 5/9). Cho tới nay, Singapore ghi nhận tổng số 68.901 ca mắc Covid-19 và 55 ca tử vong.

Hôm 6/9, ông Lawrence Wong, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Singapore, cho biết số liệu mới nhất không chỉ phản ánh số ca mắc hàng ngày tăng cao mà còn cho thấy tốc độ lây lan mạnh của virus.

"Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, chúng tôi biết rằng khi số ca bệnh tăng mạnh thì sẽ có nhiều ca chuyển biến nặng và cần dùng tới các giường chăm sóc đặc biệt ICU. Và nhiều người cũng sẽ không thể chống chọi nổi với dịch bệnh", ông Wong nói.

Singapore là một trong những quốc gia theo đuổi chính sách "Covid Zero" suốt kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020. Quốc gia này cũng ban bố nhiều biện pháp giãn cách mạnh tay, như đóng cửa nhà hàng, đóng cửa biên giới và thực thi việc giãn cách xã hội.

Hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Singapore thông báo họ đang có kế hoạch chuyển hướng sang chiến lược sống chung với Covid-19, cố gắng kiểm soát dịch bệnh bằng vắc xin và giám sát các trường hợp nhập viện thay vì các biện pháp hạn chế gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

"Tin xấu là Covid-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là chúng ta có thể sống bình thường với chúng", một quan chức hàng đầu của Singapore tuyên bố hồi tháng 6. Một tháng trước đó, Singapore chỉ cho phép 2 người tụ tập, giảm xuống từ 5 người.

Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 80% dân số đã được tiêm phòng 2 mũi chống Covid-19. Trong suốt tháng 8, Singapore đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế, cho phép những người tiêm phòng đầy đủ được dùng bữa tại các nhà hàng và tụ tập thành nhóm 5 người thay vì 2 người.

Tuy nhiên, đợt bùng phát mới đã làm đình trệ mọi nỗ lực mở cửa trở lại. Ông Wong nhấn mạnh Singapore sẽ cố gắng ngăn chặn đợt bùng phát mới thông qua việc giám sát chặt chẽ hơn việc tiếp xúc giữa người với người cũng như sử dụng các biện pháp khác.

Bên cạnh đó, những công nhân nằm trong nhóm nguy cơ cao sẽ phải xét nghiệm thường xuyên mỗi 1 hoặc 2 tuần. Danh sách những người buộc phải xét nghiệm cũng bao gồm cả các nhân viên bán lẻ, người giao hàng và những người làm công việc vận tải hành khách công cộng.

Singapore cũng đã cấm tất cả các cuộc tụ họp tại nơi làm việc. Ông Wong khuyến khích mọi người tránh các sự kiện xã hội không cần thiết nhằm hạn chế số ca mắc.

"Nhưng nếu như đã cố gắng hết sức mà chúng tôi vẫn thấy số ca bệnh cần thở oxy hay dùng giường chăm sóc đặc biệt tăng mạnh, chúng tôi sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài việc thắt chặt các biện pháp chống dịch. Chúng tôi không loại trừ việc đó", ông Wong nói.

Sự bùng phát số ca mắc Covid-19 ở Singapore có thể khiến các nước đang theo đuổi chính sách "sống chung với Covid-19" cảm thấy lo lắng. Australia là ví dụ. Hàng triệu cư dân ở New South Wales và Victoria của Australian, những người đang phải chịu cảnh giãn cách kéo dài suốt nhiều tháng qua, đang mong chờ việc quay trở lại cuộc sống thường ngày khi quốc gia này chọn sống chung với Covid-19 thay vì Covid Zero.

Hồi tháng 8, Chính phủ Australia cho biết họ sẽ nới lỏng các hạn chế khi 70% số người trên 16 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin. Hiện tại, chỉ 38,4% dân số nước này được tiêm 2 liều.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo địa phương ở Australia cho rằng không nên mở cửa biên giới bang quá sớm. Với những bang không có ca mắc Covid-19, họ cho rằng mở cửa để "nhập virus" là điên rồ. Với những gì đang xảy ra ở Singapore, các lãnh đạo này càng có cơ sở hơn để củng cố quan điểm của mình.

Tham khảo: CNN

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên