Có 1 tỷ mua vàng, gửi tiết kiệm từ 1 năm trước, đến hiện tại có lãi bao nhiêu?
Có khoản tiền nhàn rỗi 1 tỷ, lựa chọn mua vàng hay gửi tiền vào ngân hàng là điều khiến nhiều nhà đầu tư đắn đo, cân nhắc.
- 29-08-2024Ngân hàng lên tiếng việc khách hàng khổ sở khi hủy thẻ tín dụng
- 29-08-2024Để lộ số thẻ, mã CVV thẻ tín dụng nhưng không lộ mật khẩu, mã OTP có sao không?
- 29-08-2024Khách hàng "ngã ngửa" vì bị lộ thông tin thẻ tín dụng khi đặt phòng qua Agoda
Mua vàng và gửi tiết kiệm ngân hàng là hai hình thức đầu tư quen thuộc với người Việt Nam, do tính chất ổn định và tiềm năng bảo vệ, gia tăng giá trị vốn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới nhiều biến động, chứng khoán lao đao, bất động sản còn trong quá trình hồi phục, giá vàng liên tục tăng thiết lập những đỉnh giá mới khiến đây trở thành kênh đầu tư hút tiền mạnh.
So với mức lãi suất gửi tiết kiệm, người mua vàng đã lãi đậm khi chỉ trong vòng một năm, giá vàng tăng đến hơn chục triệu đồng/lượng.
Thử làm bài toán đơn giản, nếu thời điểm này một năm trước (29/8/2023), nhà đầu tư có 1 tỷ đồng và đầu tư vào vàng thì có thể mua được xấp xỉ 15 lượng vàng miếng SJC với giá bán ra dao động từ 67,05 đến 68,12 triệu đồng/lượng. Sử dụng chiến lược đầu tư cơ bản, mua vàng nắm giữ đúng 1 năm thì bán ra, hiện thực hóa khoản đầu tư thì đến hôm nay (29/8/2024), nhà đầu tư sẽ thu về được số tiền lãi lên đến 170 triệu đồng.
Cụ thể, sáng ngày 29/8 (lúc 9h00), các thương hiệu vàng lớn SJC, DOJI, PNJ đồng loạt niêm yết mức giá mua vào là 79 triệu đồng/lượng. Nếu bán ra 15 lượng vàng miếng trong hôm nay, nhà đầu tư có thể thu được 1,165 tỷ đồng, lãi 165 triệu tương đương mức lợi suất khoảng 16,5%/năm.
Ngoài ra, chọn mua vàng nhẫn 9999 thời điểm 1 năm trước, khi giá vàng nhẫn SJC 9999 bán ra được niêm yết khoảng 57 triệu đồng/lượng, đến nay nhà đầu tư có thể lãi khoảng 360 triệu đồng, khi mức giá mua vào ở các doanh nghiệp vàng đã lên đến 77 - 78 triệu đồng/lượng.
So với vàng, kênh gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn, ổn định và ít rủi ro hơn, tuy nhiên lợi suất lại kém hấp dẫn hơn, nhất là trong bối cảnh hàng loạt các nhà băng hạ mức lãi suất tiết kiệm và mới chỉ có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại trong vài tháng gần đây.
Nếu trong tháng 8 năm 2023, thay vì chọn mua vàng, nhà đầu tư đem 1 tỷ gửi tiết kiệm tại DongABank, NamABank hay VietABank - những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất thời điểm đó lần lượt là 7,9%/năm, 7,1%/năm và 7%/năm; tiền lãi mà họ thu được khi đáo hạn sẽ rơi vào khoảng 70 đến 79 triệu đồng.
Đối với các nhà đầu tư tin tưởng gửi tiền tại nhóm ngân hàng Big 4 như BIDV, VietinBank, Agribank hay Vietcombank, tiền lãi họ nhận được sau kỳ hạn 12 tháng sẽ tương đối thấp hơn, khoảng 58 triệu đồng, do các ngân hàng này duy trì mức lãi suất tiền gửi thấp hơn so với thị trường, chỉ 5,8%/năm.
Như vậy, trong 1 năm qua, vàng kênh đầu tư vượt trội hơn hẳn so với tiết kiệm ngân hàng về mặt lợi suất. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể đối mặt với rủi ro biến động giá phức tạp, dẫn đến tổn thất nếu chỉ giao dịch trong ngắn hạn. Gửi tiết kiệm lãi suất thấp nhưng lợi nhuận ổn định, thích hợp với những người không thích mạo hiểm hay đầu tư “lướt sóng”.
Việc mua vàng hay gửi tiết kiệm để sinh lời tùy theo nhu cầu và tài chính của từng cá nhân. Theo các chuyên gia tài chính, đầu tư gì, ở đâu đều phải đảm bảo nguyên tắc: sinh lời, an toàn vốn và có tính thanh khoản. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể xem xét đến phương án chia nhỏ khoản tiền 1 tỷ này và đầu tư vào các danh mục khác nhau, để vừa đảm bảo mức lợi suất yêu cầu vừa phân tán được rủi ro.
Nhịp sống thị trường